Khi các lợi ích kinh tế gắn liền với lợi ích cá nhân được đề cao sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến các chuẩn mực xã hội, đạo đức và mối gắn kết trong cộng đồng cũng trở nên lỏng lẻo hơn. Điều này cũng làm yếu đi sức đề kháng với những cái xấu, cái tiêu cực hiện hữu trong đời sống...
Đây là nhận định của Đại tá TS Đỗ Cảnh Thìn (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt khi nhiều vụ trọng án liên tiếp xảy ra gần đây.
° Phóng viên: Là chuyên gia nghiên cứu về tội phạm học, ông cho biết vì sao tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng, đặc biệt là mức độ man rợ, kích động, bộc phát và liều lĩnh?
° TS ĐỖ CẢNH THÌN: Số vụ phạm tội ở nước ta hàng năm có sự tăng, giảm thất thường, cơ bản là đã được kiềm chế nhưng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tính chất phạm tội hết sức nghiêm trọng với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động, liều lĩnh, tàn bạo gây ra những hậu quả nặng nề và đặc biệt nghiêm trọng. Điều này cho thấy, do những yếu tố xã hội trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, toàn cầu hóa (trong đó có toàn cầu hóa tội phạm), những tác động từ yếu tố mặt trái của kinh tế thị trường, những hình ảnh chém giết, tàn độc diễn ra tràn lan trên phim ảnh, sách báo, internet, mạng xã hội… đã tác động đến nhận thức, tâm lý, cảm xúc của nhiều người. Trong đó nhất là những người trẻ tuổi dẫn đến sự chai sạn, vô cảm, tàn nhẫn, độc ác trong hành vi mà biểu hiện cao nhất là khi thực hiện hành vi phạm tội.
° Chỉ một thời gian ngắn, nhiều gia đình vô tội, trong đó có cả trẻ con cũng bị sát hại. Ông có thể cắt nghĩa hoặc lý giải vì sao lại như vậy? Phải chăng bản tính, nhân cách của một bộ phận giới trẻ ngày càng trở nên hung hăng và tàn ác hơn?
°Đại đa số thanh niên đều có ý chí lập thân, lập nghiệp, có chí tiến thủ, tiếp cận nhanh nhạy với những vấn đề của cuộc sống đương đại. Tuy nhiên, có một bộ phận người trẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi xu hướng tiêu cực trong sự thay đổi các giá trị sống và giá trị đạo đức. Lối sống chụp giật, hưởng thụ, giành giật lợi ích bằng mọi giá, xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực… để trở thành kẻ mạnh đang có nguy cơ trở thành lẽ sống thường tình của một bộ phận thanh, thiếu niên. Sự thay đổi các giá trị sống liên quan đến đồng tiền khiến con người bị cuốn vào những ham muốn bản năng, khi bị nhu cầu lợi ích chi phối chất sinh vật học trong con người trỗi dậy lấn át lý trí. Điều này thật sự đáng báo động.
° Có ý kiến cho rằng, tội phạm ngày càng gia tăng, nhất là qua các vụ cuồng sát vừa rồi là biểu hiện rõ ràng nhất của sự suy thoái, xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội, về mối quan hệ giữa con người với nhau. Xin ông cho biết quan điểm, ý kiến của mình về nhận định này?
°Sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống trong một bộ phận trong xã hội là điều chúng ta đều đã nhận ra. Ngày nay, trong bối cảnh của những biến đổi xã hội với những tác động của nền kinh tế thị trường, trong khi các lợi ích kinh tế gắn liền với lợi ích cá nhân được đề cao thì sẽ có nhiều ảnh hưởng đến các chuẩn mực xã hội, đạo đức và mối gắn kết trong cộng đồng cũng trở nên lỏng lẻo hơn. Những thiết chế về đạo đức, về chuẩn mực ứng xử trong cộng đồng, làng xã, quan hệ gia đình, dòng tộc bị suy giảm. Điều này cũng làm yếu đi sức đề kháng với những cái xấu, cái tiêu cực hiện hữu trong đời sống.
° Liên tiếp các vụ trọng án xảy ra trong thời gian ngắn, theo ông đây là bộc phát hay là hệ lụy lâu nay của các vấn đề tiêu cực trong đời sống xã hội. Ông có nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, hay cập nhật thêm vào trong giáo trình giảng dạy về phòng chống tội phạm ?
° Cái gọi là sự bộc phát chỉ là sự biểu hiện ra bên ngoài của những yếu tố tiêu cực từ bên trong. Những yếu tố tiêu cực ấy được hình thành từ nhiều hướng, từ nhận thức về xã hội, pháp luật, những ảnh hưởng của môi trường sống, giáo dục và kỹ năng cũng như kinh nghiệm sống. Khi cuộc sống càng biến động, càng căng thẳng, nhiều cạnh tranh, nhiều sức ép thì càng xuất hiện nhiều hội chứng tâm lý tiêu cực.
Trong giáo dục, ngoài việc giáo dục về kiến thức văn hóa cần chú trọng giáo dục kỹ năng sống, trong đó có những nội dung liên quan đến phòng chống các hành vi tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội. Vấn đề là phải nghiên cứu lồng ghép các nội dung này như thế nào để phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học và môi trường sống của học sinh, có như vậy mới mang lại hiệu quả thiết thực.
° Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn thảm án, cũng như tình trạng tội phạm gia tăng, nhằm lấy lại sự ổn định và bình yên cho cuộc sống người dân.
°Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của xã hội và của mỗi công dân. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn đặc biệt lưu ý là việc tăng cường trách nhiệm của gia đình. Dù xã hội có phát triển, thay đổi đến đâu thì những giá trị bền vững của đạo đức gia đình, chức năng giáo dục của gia đình vẫn hết sức quan trọng. Vì thế, gia đình phải thực sự là một “pháo đài” bảo vệ các giá trị đạo đức, văn hóa, lối sống, qua đó sẽ phòng ngừa, ngăn chặn được tệ nạn và tội phạm hiệu quả hơn.
° Xin cảm ơn ông!
KHÁNH NGUYỄN thực hiện