Khoảng 20 giờ ngày 18- 3, ngọn lửa đột ngột bốc lên từ một sạp hàng giữa chợ thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), sau đó lan rộng ra các gian hàng bên cạnh. Hơn 3 tiếng đồng hồ sau, ngọn lửa bùng phát dữ dội, bao trùm toàn bộ khu chợ rộng hơn 4.000 m², thiêu rụi hoàn toàn hơn 200 sạp hàng, thiệt hại hơn 11 tỉ đồng. Những tiểu thương trong chốc lát bị đẩy vào cảnh trắng tay, đối mặt với nợ nần.
Bất cẩn và hớ hênh
Để phục vụ xây dựng mới chợ thị trấn Phú Túc, tháng 9-2007, UBND huyện Krông Pa đã thành lập khu chợ tạm nằm trên khu đất trống phía sau trụ sở cũ của UBND thị trấn Phú Túc. Chợ hiện có khoảng 280 hộ kinh doanh trên diện tích rộng 4.050m².
Do là chợ tạm nên mọi thứ ở chợ rất … tạm bợ. Các dãy lán dựng tạm làm sạp hàng sát rịt nhau, lối vào chợ có ở cả 3 phía (vì chợ không có cổng chính), phía còn lại giáp với mép hồ cá đã cạn nước. Các lối đi trong chợ chỉ đủ cho một người luồn lách, nên khi xảy ra cháy, người và phương tiện không thể di chuyển vào trong chợ để ứng cứu.
Mặt khác, do là chợ tạm, các gian hang ngăn cách bằng các tấm cót tre, ván gỗ đều là vật dụng dễ bắt lửa. Hệ thống điện do người dân tự kéo vào từng sạp hàng với nhiều nguồn khác nhau chằng chịt như mạng nhện, rất khó để cách ly, ngắt nguồn cháy nổ. Ý thức của người dân về phòng cháy chưa cao, thường ngày các hộ kinh doanh vẫn thắp nhang, đốt vàng mã và đun nấu tại chợ.
Trong khi đó, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chỗ không đáp ứng được yêu cầu. Ban quản lý chợ chỉ có được khoảng 20 bình chữa cháy mi-ni và 1 máy bơm, 1 bể nước khoảng 10m³ tận dụng từ bể nước công trình vệ sinh trụ sở cũ của UBND thị trấn... Vì thế, đêm 18-3, khi đám chảy xảy ra, lực lượng chữa cháy tại chỗ dù rất cố gắng nhưng họ đã không thể dập tắt đám cháy.
Cho đến sáng 19-3, cả khu chợ rộng 4.050m² đã bị ngọn lửa thiêu rụi tan hoang, nhiều đám cháy âm ỉ vẫn bốc khói mù mịt. Theo những người tham gia chữa cháy, sở dĩ đám cháy không được dập tắt kịp thời là do các lối đi trong chợ quá hẹp nên họ không thể tiếp cận đám cháy; trong chợ có nhiều gian hàng bán các mặt hàng tạp hóa khô cùng với quẹt gas, bình xịt muỗi, bình gas mini… Vì vậy khi ngọn lửa bùng lên, những chất này đã phát nổ, bốc cháy dữ dội gây cản trở lực lượng chữa cháy.
Ông Nguyễn Huy Lương- Phó Ban quản lý chợ tạm Phú Túc có nhà đối diện với chợ cho biết: “Hơn 19 giờ, tôi thấy khói bốc lên từ giữa chợ. Chạy ra khỏi nhà đã thấy lửa bốc lên ngùn ngụt, tôi chỉ kịp đến cúp cầu dao hệ thống điện chính của chợ thì ngọn lửa đã loang rộng,kèm theo nhiều tiếng nổ lớn. Tôi liền gọi điện thoại báo cho Công an huyện Krông Pa và 114. Thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió mạnh càng làm cho ngọn lửa bùng phát dữ dội hơn. Phải hơn 3 tiếng đồng hồ sau, khi lực lượng Cảnh sát PCCC ở thị xã Ayun Pa (địa phương liền kề huyện Krông Pa) huy động 2 xe chữa cháy xuống đến nơi, ngọn lửa mới được khống chế, không để cháy lan sang mấy chục hộ dân dọc đường Kpă Tit phía đối diện chợ".
Một số người dân chứng kiến đám cháy cho biết, khi xảy ra cháy, gần chục hộ dân người Chăm dựng nhà tạm cư trú và buôn bán lâu nay giữa lòng chợ hốt hoảng bung chạy thoát ra ngoài. Điều này cho thấy công tác quản lý người ra vào chợ khi đêm xuống của Ban quản lý chợ chưa thật sự chặt chẽ.
Tiểu thương trắng tay
ÔngTrần Văn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: UBND huyện đang chỉ đạo Ban quản lý chợ và các ngành chức năng gấp rút thống kê thiệt hại của các tiểu thương sau vụ cháy chợ để báo cáo UBND tỉnh tìm biện pháp cứu giúp họ. Trước mắt, UBND huyện sẽ trích ngân sách hỗ trợ cho các hộ có sạp hàng bị cháy hoàn toàn mà có nhu cầu dựng lại sạp hàng để tiếp tục kinh doanh, mỗi hộ 2 triệu đồng; động viên người dân ổn định cuộc sống. Huyện sẽ đề nghị các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tìm cách khoanh nợ cho các hộ bị thiệt hại do cháy chợ và tiếp tục cho họ vay vốn để tái kinh doanh. |
Nhìn khuôn mặt phờ phạc của bà Trần Thị Đượm ở tổ dân phố 5, thị trấn Phú Túc đang cố bới đống tro tàn, nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau cơn hỏa hoạn, ai cũng xót thương. Nhà có 6 miệng ăn, tất cả đều trông chờ vào gian hàng này để mưu sinh qua ngày, thế mà trong chốc lát tất cả đã biến thành tro bụi.
Gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má, bà than thở: “Khi nghe tin có cháy ở chợ, tôi và mọi người trong gia đình chạy ra, hy vọng cố vớt vát được chút gì, nhưng ngọn lửa cháy to quá, chỉ biết nhìn khối tài sản quý giá nhất của gia đình đi theo ngọn lửa. Tôi kinh doanh ở đây cũng khá lâu rồi, phải vay ngân hàng 7 triệu đồng, vay của người thân để kinh doanh và nợ của bạn hàng… giờ thì trắng tay, biết làm sao bây giờ?”.
Trong số 200 gian hàng bị lửa thiêu rụi, thiệt hại nặng nề nhất là mấy chục hộ bán hàng vải phía đông chợ tạm. Anh Lê Minh Hoàng ở tổ dân phố 1, thị trấn Phú Túc bần thần nói: “Tôi mới nhập hàng từ TPHCM về buổi chiều, đến tối lửa thiêu cháy hết luôn. Hơn 200 triệu đồng tiền quần áo, vải vóc chưa bán được đồng nào giờ đã thành tro bụi. Nhiều hộ khác kinh doanh hàng vải, quần áo ở đây bị lửa thiêu rụi toàn bộ hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng”.
Thiệt hại của vụ cháy càng nặng nề hơn khi hầu hết tiểu thương trong chợ đều vừa tăng cường nguồn vốn nhập hàng về với khối lượng lớn để bán cho người dân vừa trúng đậm vụ mì. Phó trưởng ban Quản lý chợ Phú Túc- ông Nguyễn Huy Lương ước tổng thiệt hại vụ cháy hơn 11 tỉ đồng. Vụ cháy đã làm hàng trăm tiểu thương trở nên trắng tay, không ít người bị ngất xỉu phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pa.
Điều quan ngại là dù Ban Quản lý chợ thị trấn Phú Túc và cán bộ đội phòng cháy- chữa cháy Công an tỉnh đã nhiều lần nhắc nhở các tiểu thương mua bảo hiểm cháy nổ nhưng họ không tham gia. Chính vì thế, trong vụ cháy này, hơn 200 tiểu thương bị thiệt hại hoàn toàn hàng hóa sẽ không nhận được sự đền bù.
Mặt khác, phần lớn các hộ tiểu thương trên đều phải vay mượn để có vốn kinh doanh nên khi toàn bộ hàng hóa bị thiêu rụi, họ đang phải đối mặt với những khoản nợ mới khó có khả năng thanh toán. Vì thế, sự trợ giúp kịp thời của chính quyền địa phương và các bạn hàng đang cần thiết hơn lúc nào hết để các tiểu thương tái ổn định cuộc sống, kinh doanh.
ĐỨC TRUNG – ĐỨC PHƯƠNG