Giá nhà trọ “đè” sinh viên tỉnh lẻ

Giá nhà trọ “đè” sinh viên tỉnh lẻ

Nếu trước kia một phòng trọ cho 2-3 người hay 4-5 người ở chỉ có giá từ 400.000 đến 800.000đ thì bây giờ đã tăng lên gấp đôi nên sinh viên (SV) không thể tìm đâu ra được chỗ ở vừa túi tiền. Với số tiền ít ỏi của gia đình gửi lên hàng tháng nuôi ăn học thì hiện nay tiền nhà trọ đã “đè” nặng lên vai SV tỉnh lẻ…

Giá “triệu” - chào thua!

Cho đến bây giờ, các trường đã vào năm học mới nhưng nhiều sinh viên vẫn phải loay hoay đi tìm nhà trọ. Nhiều sinh viên không được vào ký túc xá của trường vì không thuộc diện chính sách. Đi thuê nhà bên ngoài, nhiều chủ trọ đòi tăng giá vượt quá khả năng của sinh viên nghèo.

Giá nhà trọ “đè” sinh viên tỉnh lẻ ảnh 1

Ký túc xá trường học giá cả phù hợp nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu ở của sinh viên ở xa.
Trong ảnh: Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM (Thủ Đức). Ảnh: MAI HẢI

Nhiều tuần nay, không ít sinh viên lang thang trong các con hẻm ở các quận gần trường, rồi hỏi các bác xe ôm, cô hàng nước… nhưng vẫn chưa tìm ra một phòng trọ hợp với túi tiền của mình.

Một bác xe ôm chỉ cho một phòng trọ nằm trong hẻm sâu hun hút gần chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh). Đến nơi, bà chủ nhà dẫn lên xem một căn phòng nhỏ xíu, tường bằng ván ép chỉ để vừa một tấm nệm và va li đồ, với giá 600.000đ/2 người, chưa kể tiền điện nước, nhà vệ sinh phải đi chung.

Đến một căn phòng nữa nằm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Phú Nhuận), chủ nhà sau một hồi dắt vòng vèo lên bốn tầng lầu rồi chỉ một phòng có diện tích 10m2, mái lợp tôn, nền trải nhựa với giá 1.500.000đ/tháng và “không được ở quá 5 người”. Bà chủ còn nói thêm: “Tiền điện, tiền nước xài bao nhiêu trả bấy nhiêu và phải trả theo giá vượt định mức của nhà nước quy định”. Với cái giá “trên triệu”, nhiều sinh viên đành nói lời từ biệt…

Ở ghép

Hôm sau, có người bạn chỉ chỗ, chúng tôi đến nhà bà T. nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1). Bà T. cho biết, “ở đây toàn cho ở ghép và tính 250.000đ/người”. Căn phòng 15m2 mà có tới 7 người ở, mỗi người một góc.

Nhìn căn phòng có vẻ bừa bộn, lại không có chỗ để xe với giá khá cao, chúng tôi có phần ái ngại nên “để về suy nghĩ thêm”. Chào chủ nhà ra về thì vừa lúc đó một chị thuê phòng biết chúng tôi có ý định thuê nhà, chị khuyên: “Chị đang chán chỗ này muốn dọn đi mà em thuê làm gì. Tháng trước phòng có bốn người, mỗi người 250.000đ, bây giờ là 7 người mà chủ nhà cũng không chịu giảm tiền. Mỗi người chỉ ở vừa đúng… 6 viên gạch. Tụi chị nói đừng nhét thêm người vào nữa thì chủ nhà đòi tăng tiền nhà”.

Cũng chuyện ở ghép, chúng tôi được bạn P. ở Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại cho biết: “Phòng bây giờ đắt quá nên 2 năm nay mình đành phải ở ghép 8 – 10 người. Tháng rồi mẹ mình lên chơi, ngủ một đêm mà bà chủ lấy 50.000đ!”.

Một điều nữa là nhiều chỗ trọ chỉ cho nam hoặc nữ thuê. Phần lớn các bạn nam có ưu thế hơn. Có những dãy phòng trọ nằm heo hút trong các con hẻm, chỉ phù hợp cho các bạn nam đi về vào buổi tối, hay có những phòng ở cả chục người hoặc hơn thì với nam sinh viên cũng không thành vấn đề, còn nữ thì thật khó trong sinh hoạt.

Người nông dân nghèo chu cấp cho con ăn học ở thành phố hiện nay không phải là dễ. Mỗi năm học mới là bao nhiêu nỗi lo, trong đó kiếm đâu ra được một chỗ trọ vừa túi tiền là niềm mơ ước của không ít sinh viên tỉnh lẻ khi lên thành phố học. 

MỸ DUNG

Tin cùng chuyên mục