Gia tăng lừa đảo qua mạng

Từ hàng “dỏm” đến lừa đảo tống tiền
Gia tăng lừa đảo qua mạng

Lập trang web rao bán hàng điện tử giá rẻ; cài phần mềm gián điệp đánh cắp nội dung email giao dịch kinh tế hay giả dạng cán bộ chấp pháp để tống tiền… đang là chiêu trò lừa đảo phổ biến và tinh vi của các đối tượng phạm tội thông qua Internet. Nguy hiểm hơn, các đường dây lừa đảo này bắt đầu có sự liên kết chặt chẽ hơn với tội phạm nước ngoài.

Người tiêu dùng dễ bị cám dỗ bởi các sản phẩm điện tử giá rẻ trên mạng.

Người tiêu dùng dễ bị cám dỗ bởi các sản phẩm điện tử giá rẻ trên mạng.

Từ hàng “dỏm” đến lừa đảo tống tiền

Trong đơn tố giác lừa đảo của chị N.T.Vân (TPHCM) có nêu, đầu tháng 5 chị có đặt mua ở cửa hàng A.C mobile (đường Vườn Lài, quận Tân Phú) iPhone 5 chính hãng. Dù vậy, điện thoại mới sử dụng được vài ngày thì máy treo, màn hình nổi đốm sáng rồi mất nguồn. Chị gọi điện thoại đến cửa hàng yêu cầu trả máy và nhận lại tiền nhưng phía cửa hàng không chịu giải quyết. Chủ cửa hàng còn lật lọng đó không phải là máy do cửa hàng A.C mobile đã bán. Để kiểm chứng phán ánh của chị Vân, sáng 27-5, chúng tôi trực tiếp đến địa chỉ mà chị nêu trong đơn để hỏi mua iPhone 5 với giá 4,6 triệu đồng. Ngay lập tức 2 nhân viên bán hàng ở đây dò xét nhu cầu và độ hiểu biết của khách. Sau đó, một chiếc iPhone 5 còn bọc giấy kiếng sáng bóng được mang ra cho khách dùng thử. Lần đầu tiên cầm, dễ dàng nhận ra vỏ điện thoại được gia công kém chất lượng, không khớp với màn hình cảm ứng. Thao tác vài bước thì máy bắt đầu giật và treo màn hình. Đặc biệt hơn, hệ điều hành cài trên máy là Android được tùy biến theo phong cách iOS để qua mặt người dùng. Thấy chúng tôi kiểm tra máy kỹ, nhân viên bán hàng lấy lại điện thoại và nói lớn: “Hàng mới, xem ít thôi, được thì lấy, không thì đi chỗ khác mua”. Nói xong, nam nhân viên này đút điện thoại vào túi quần, nằm lên ghế salon bên cạnh, mặc cho khách vẫn ngồi chỏng chơ trong quán.

Trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TPHCM cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, PC46 đã tiếp nhận trên 30 tin trình báo của công dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua buôn bán trên mạng. Phòng đã thụ lý điều tra 13 vụ, 27 bị can về tội “Sử dụng mạng máy tính, Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” và đang điều tra nhiều vụ việc tương tự khác. Điều đáng báo động, trong thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM xuất hiện tình hình tội phạm lừa đảo do các đối tượng đến từ châu Phi, lãnh thổ Đài Loan… cầm đầu, cấu kết với các đối tượng trong nước hoạt động xuyên quốc gia. Chúng giả dạng là cán bộ công an, tòa án để hù dọa yêu cầu người dân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, đồng thời buộc người dân chuyển tiền cho chúng. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn cài mã độc để hack tài khoản email doanh nghiệp, sau đó làm giả hợp đồng mua bán nhằm chiếm đoạt tiền hoặc tài sản. Điển hình như vụ 2 đối tượng người Nigeria đã chiếm đoạt số tiền lên đến 115.000 USD của Tập đoàn Hoa Sen mới đây…

Ai tiếp tay?

Theo nhận định của cơ quan điều tra, phương thức và thủ đoạn của hầu hết các vụ lừa đảo kể trên không mới, nhưng đánh đúng tâm lý “ham của rẻ” của người tiêu dùng. Chúng lập gian hàng trên các trang 5giay, Rongbay, muaban… để bán những mặt hàng phổ biến như điện thoại di động, hàng gia dụng với giá rẻ để người tiêu dùng đặt mua. Khi nhận được tiền, các đối tượng không tiến hành giao hàng hoặc giao hàng không đảm bảo chất lượng. Vấn đề đặt ra là để xảy ra các vụ lừa đảo nói trên, trách nhiệm của các trang cung cấp dịch vụ mua bán và rao vặt online đến đâu?

Tại Tọa đàm Tập huấn pháp lý thương mại điện tử mới đây, bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng đại diện Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công thương cho biết: “Khi xét duyệt cấp giấy chứng nhận các trang cung cấp dịch vụ mua bán, rao vặt online, bộ chỉ cấp những trang nào có quy chế hoạt động, khả năng kiểm soát thành viên tốt cũng như có khả năng bảo vệ người tiêu dùng”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, hiện nay, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể đăng ký mở gian hàng miễn phí trên mạng để bán hàng. Bản thân các đơn vị cung cấp gian hàng miễn phí đó cũng không kiểm soát được khách hàng của mình. Chưa kể, khi người tiêu dùng tố giác lừa đảo, ban quản trị các chợ online đều phản ứng chậm hoặc không phản ứng gì. Từ đó, đã tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo. Phải chăng đây là lỗ hổng lớn trong công tác quản lý?

Không chỉ thế, các vụ lừa đảo đều sử dụng phương thức chiếm đoạt tài sản người bị hại thông qua tài khoản ngân hàng (thẻ ATM). Theo đại diện PC46 Công an TPHCM, các đối tượng đã tổ chức thu mua hoặc làm giả chứng minh nhân dân để mở tài khoản thẻ tại ngân hàng. Do chính sách mở rộng số lượng tài khoản ATM, nên các tài khoản đã được mở dễ dàng chỉ với CMND giả nói trên. Chỉ tính từ tháng 1-2014 đến nay, PC46 đã khởi tố bắt tạm giam 46 đối tượng hoạt động lừa đảo với phương thức thủ đoạn nói trên, thu giữ và phong tỏa hơn 400 tài khoản, thẻ tín dụng ngân hàng, thu hồi cho người bị hại hơn 5 tỷ đồng.

Dĩ nhiên, phần lỗi lớn trong các trường hợp này do sự cả tin của người tiêu dùng. Tuy vậy, cách quản lý lỏng lẻo của ngân hàng cũng như các trang cung cấp dịch vụ mua bán và rao vặt online đã và đang tạo cơ hội làm gia tăng nạn lừa đảo qua mạng hiện nay.

* Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại TPHCM

"TPHCM hiện có 140.000 doanh nghiệp đang hoạt động với 150.000 tên miền và khoảng 86.000 website đã thiết lập. Tuy nhiên, hiện chỉ 1.800 website của tổ chức, cá nhân trên cả nước thông báo, đăng ký với Cục Thương mại điện tử. Số còn lại đều là hoạt động không phép. Đến nay, TPHCM vẫn chưa tiến hành xử phạt các trang web này theo quy định."

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục