(SGGP).- Ngày 1-4, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trước hiện tượng trời nồm, mưa phùn kéo dài những qua ở miền Bắc đã khiến cho số trẻ phải nhập viện điều trị các bệnh do thời tiết nồm ẩm ướt gây ra tăng mạnh.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia của Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, do độ ẩm trong không khí luôn luôn ở mức rất cao, thời tiết lại lúc nóng, lúc lạnh đã khiến số trẻ nhỏ bị các bệnh về đường hô hấp tăng cao khoảng 20% so với trước. Những ngày gần đây, mỗi ngày, Khoa Nhi của bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 200 trẻ, trong đó phần lớn trẻ nhập viện trong tình trạng ho nhiều, ho có đờm, khó thở, khò khè, sốt hoặc sốt cao.
Cùng với đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ được gia đình đưa tới khám và điều trị các bệnh do thời tiết nồm ẩm gây ra cũng tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày có trên 2.000 trẻ đến khám, trong đó 60% số trẻ bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như: viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen phế quản. Đáng chú ý, có nhiều trẻ trước khi đến khám, gia đình đã tự điều trị nhưng không khỏi, khi đến khám đã viêm phổi, suy hô hấp, phải thở oxy, buộc phải nhập viện điều trị.
Không chỉ có nhiều trẻ bị mắc các bệnh về đường hô hấp mà thời tiết nồm ẩm cũng khiến vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển mạnh nên các bệnh truyền nhiễm như: sởi, thủy đậu, cúm, ho gà... ảnh hưởng nhiều tới trẻ em. Do đó, để hạn chế các bệnh ở trẻ nhỏ trong giai đoạn thời tiết mà độ ẩm không khí rất cao, gia đình cần giữ không gian sống khô thoáng, sạch sẽ, thường xuyên lau nhà và giữ cho nền nhà khô ráo bằng khăn sạch. Lau cả các đồ dùng trong nhà nếu thấy các đồ dùng có hiện tượng ẩm ướt, nấm mốc. Cần lưu ý khi trẻ có các hiện tượng ho, sốt, thở khò khè... nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Cha mẹ không nên tự ý điều trị cho con bằng đơn thuốc cũ hoặc mua thuốc kháng sinh để cho trẻ uống.
MINH KHANG