Kỷ niệm 62 năm Ngày chiến thắng phát xít 9-5-1945 — 9-5-2007

Giá trị của lịch sử chính là sự thật

Giá trị của lịch sử chính là sự thật

“Lịch sử nhân loại mãi mãi ghi nhớ chiến thắng vĩ đại của Hồng quân và nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã cứu loài người thoát khỏi thảm họa phát xít, đem lại cuộc sống hòa bình cho nhiều dân tộc.” (1)

  • Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại

Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) là cuộc chiến có quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Chiến tranh lan rộng khắp toàn cầu và diễn ra trên nhiều mặt trận khác nhau ở Tây Âu (mặt trận phía Tây), Xô-Đức (mặt trận phía Đông), Bắc Phi, châu Á-Thái Bình Dương và một mặt trận rộng lớn là cuộc chiến đấu trong lòng địch của nhân dân các nước bị phát xít chiếm đóng. Trong đó, chiến trường Xô-Đức là một trong những chiến trường chính và Liên Xô là lực lượng chủ lực trong việc tiêu diệt phát xít Đức ở châu Âu.

Hồng quân Liên Xô cắm cờ chiến thắng trên nóc nhà Quốc hội Đức.

Hồng quân Liên Xô cắm cờ chiến thắng trên nóc nhà Quốc hội Đức.

Chủ nghĩa phát xít hung bạo sau gần 5 năm gieo bao tang thương máu lửa bắt đầu chựng lại, các nước đồng minh lại ở thế lật ngược ván cờ. Đến mùa xuân năm 1945, nước Đức phát xít đã bị kẹp giữa hai gọng kìm: phía Đông là 5 đạo quân của Liên Xô, phía Tây là 3 đạo quân của Mỹ-Anh và các nước Đồng minh. Trong bước đường cùng, Hitler dốc toàn lực quyết tâm phòng thủ Berlin bằng mọi giá.

Ngày 16-4-1945, Liên Xô bắt đầu tấn công vào Berlin, sào huyệt cuối cùng của nước Đức Quốc xã. Hồng quân Liên Xô huy động lực lượng của hai phương diện quân gồm 2,5 triệu người, 6.250 xe tăng, 7.500 máy bay, 42.000 đại bác và pháo, hoàn toàn chiếm ưu thế để đối chọi với quân đội của Hitler hơn 90 sư đoàn gồm trên 1 triệu quân, 10.000 pháo và súng cối, 1.500 xe tăng và pháo tự hành, 3.000 máy bay chiến đấu, cùng với đội dân quân phòng vệ 20 vạn người.

Từ ngày 16-4, cuộc chiến đấu quyết liệt diễn ra ở ngoại ô Berlin. Bắt đầu từ ngày 23-4, cuộc chiến đấu diễn ra trong thành phố. Vòng vây của quân đội Liên Xô ngày càng khép chặt. Ngày 30-4, Hồng quân chiếm được nhà Quốc hội Đức, Hitler tự sát dưới hầm chỉ huy. Ngày 2-5, Hồng quân chiếm được toàn bộ thủ đô Berlin, khoảng 7 vạn quân lính Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày 9-5-1945, Tổng tư lệnh quân đội Đức, thống chế Keitel đã ký vào văn bản đầu hàng.

Thắng lợi của chiến tranh thế giới thứ hai thuộc về các nước Đồng minh và nhân dân các nước trên thế giới đã kiên cường chiến đấu chống trả các thế lực phát xít. Cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại hào hùng là thế nhưng tổn thất do phát xít gây ra vô cùng thảm khốc: Cuộc chiến lôi kéo 76 nước vào vùng xoáy, làm 60 triệu người chết, khoảng 90 triệu người bị tàn phế, thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 4.000 tỉ đô la Mỹ. Cuộc chiến đã giày xéo tàn phá cả một nền văn minh vật chất lẫn tinh thần của nhân loại.

Để giành được chiến thắng, 26.550.000 người Xô viết đã thiệt mạng, trong đó có 8.600.000 chiến sĩ Hồng quân. Thiệt hại về vật chất mà Liên Xô phải gánh chịu là 679 tỉ Rúp (thời giá năm 1941), chiếm 41% tổng số thiệt hại của các nước tham chiến. Mỹ, Anh là hai thành viên chủ chốt trong khối Đồng minh chống phát xít và có những đóng góp quan trọng trong thắng lợi của chiến tranh. Trong thời gian chiến tranh, số quân nhân Mỹ chết là 298.000 người. Riêng nước Anh, tổng số người chết là 395.000 người, trong đó có 245.000 quân nhân.

Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít có ý nghĩa lịch sử trọng đại, tạo nên chuyển biến căn bản của tình hình thế giới sau chiến tranh. Chiến thắng vĩ đại này của nhân dân Xô Viết là bài học quý giá về sức mạnh của tinh thần đoàn kết của các dân tộc, nêu cao tinh thần liên hiệp mọi dân tộc trên toàn thế giới nỗ lực hợp tác chặt chẽ trong cuộc đấu tranh với các nguy cơ và thách thức mới đe dọa an ninh toàn cầu.

  • Chiến thắng phát xít - Niềm tự hào chung của nhân loại

Với ý nghĩa lịch sử hào hùng của cuộc chiến tranh thần thánh đó, ngày 9-5 hằng năm được gọi là Ngày chiến thắng phát xít Đức. 62 năm trôi qua đã thành truyền thống của cả thế giới, đặc biệt là đối với các nước tham chiến trong Thế chiến thứ hai hằng năm.

Cứ đến ngày này các nước tổ chức hàng loạt các hoạt động kỷ niệm như tổ chức viếng thăm các tượng đài, khu mộ, bia kỷ niệm chiến sĩ vô danh, các cuộc diễu hành, các cuộc phát động phong trào tìm hài cốt các chiến sĩ Hồng quân vẫn tiếp diễn, lễ chúc mừng các cựu chiến binh tham gia góp phần vào chiến thắng trong Thế chiến thứ hai.

Tượng người lính đồng.

Tượng người lính đồng.

Thế mà trong khi đến gần Ngày kỷ niệm 9-5 năm nay, chính quyền Estonia đã cho di dời Tượng đài chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đặt giữa thủ đô Tallinn của Estonia, khai quật mộ các chiến sĩ Xô-viết chôn xung quanh tượng đài – những anh hùng hy sinh trong chiến dịch giải phóng Tallinn khỏi ách phát xít Đức rồi đưa đến các nghĩa trang hẻo lánh bên ngoài thành phố của Estonia.

Hành động đó phải bị coi là “bạo hành” đối với chứng tích lịch sử, là sự bất kính không thể chấp nhận đối với các hương hồn chứng nhân lịch sử của toàn nhân loại.

Lẽ nào chính quyền Estonia lại quên rằng trên đường tiến vào Tallinn những tháng ngày ấy đã từng có gần 50.000 người lính Xô-viết, trong đó có cả những người Estonia, ngã xuống. Hiện hài cốt các chiến sĩ vẫn còn nằm rải rác tại nhiều nghĩa trang, khu tưởng niệm, hay một nơi nào đó trên khắp lãnh thổ các nước tham chiến trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trong đó có tại Estonia.

Hiện tại ngoài Liên bang Nga, tại các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có gần 900.000 cựu chiến binh của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Các tượng đài chiến sĩ vô danh tại Tallinn hay tại các nước khác đều nhằm để ghi nhớ công lao của những người giải phóng, không phân biệt họ là ai hay có quốc tịch nào.

Tượng đài không chỉ là biểu tượng chiến thắng thiêng liêng mà còn là nơi tưởng niệm của thế hệ hôm nay và mai sau chia sẻ ký ức chiến tranh khốc liệt, những tổn thất đau buồn mất mát không thể bù đắp nổi và điều đó khiến họ có trách nhiệm gìn giữ truyền thống đoàn kết của một thời lịch sử oai hùng.

Nhân dân trên các nước đến ngày ấy lại muốn có một chỗ trang trọng dành cho các liệt sĩ vô danh trong cuộc đại chiến này để nghiêng mình kính cẩn trước những hương hồn liệt sĩ đã cứu không chỉ Estonia, cả châu Âu mà cả nhân loại khỏi thảm họa diệt chủng của phát xít Đức. Chiến công vĩ đại của Hồng quân Liên Xô đánh tan phát xít Đức trở thành niềm tự hào chung, các tượng đài người lính Xô-viết trở thành biểu tượng của tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Những chứng nhân lịch sử buộc chúng ta không được chối bỏ sự thật, không được phép quay lưng lại với những giá trị lịch sử đã khắc dấu trên con đường tiến bộ của nhân loại.

(Tổng hợp từ Lịch sử thế giới, FreePublic, BKTD, AFP, Boston Globe, Washington Pos. New York Times)

(1) Trích bức điện mừng của Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít, ngày 9-5-2005.  

THANH TRÚC

Tin cùng chuyên mục