Ngày 23-11-1940, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ trên diện rộng ở nhiều nơi: Hóc Môn, Bà Điểm (Gia Định), Trung Quận, Cần Đước, Cần Giuộc (Chợ Lớn), Long Hưng – Chợ Gạo (Mỹ Tho), Vũng Liêm (Vĩnh Long), Hòa Tú (Sóc Trăng), Rạch Gốc – Hòn Khoai (Cà Mau)… Sài Gòn – Chợ Lớn là trọng điểm của cuộc khởi nghĩa nhưng không nổ ra được vì kế hoạch bị lộ; địch đã tước vũ khí và cấm trại thành lính tập, đưa lính Âu – Phi ra trấn giữ các ngả đường, các công sở… Ở những tỉnh đã nổ ra khởi nghĩa, nhân dân đã giành được chính quyền ở một số làng xã. Ở Long Hưng còn lập ra Tòa án nhân dân để xét xử bọn tề điệp gian ác. Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện, Long Hưng, Phước Vĩnh Tây (Cần Giuộc – Chợ Lớn).
Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công, bị kẻ thù dìm trong biển máu nhưng đã để lại nhiều kinh nghiệm cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công và nhiều giá trị lịch sử cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân ta. Ngày nay nhìn lại, ta càng nhận rõ 3 giá trị lịch sử rất quan trọng.
Trước hết, đó là vị thế của người cộng sản, của Đảng Cộng sản VN trong tiến trình lịch sử. Trước cuộc khởi nghĩa 1940, hầu hết những người dân bình thường ở Nam bộ cũng như cả nước ít hiểu về cộng sản, về Đảng Cộng sản; nhiều người còn mơ hồ bởi những luận điệu xuyên tạc của bọn thực dân, phong kiến về những người cộng sản.
Qua khởi nghĩa, trước những hy sinh dũng cảm bất khuất của hàng ngàn người cộng sản, nhân dân càng nhận rõ: Cộng sản là những người thật sự yêu nước, những người xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Từ đó, dù còn phải sống trong gông cùm nô lệ của thực dân Pháp, phát xít Nhật quần chúng yêu nước vẫn chờ mong sự lãnh đạo của Đảng, tha thiết muốn làm cách mạng để đổi đời.
Vị thế của người cộng sản cũng từ đó phát triển trong quá trình gây dựng lại cơ sở cách mạng, dẫn đến cuộc Tổng Khởi nghĩa tháng 8-1945, càng vươn cao trên khắp các trận địa chiến đấu trong suốt 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng biểu hiện rõ ràng ở đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng; ở vai trò tiên phong gương mẫu về lý luận, về hành động, về phong cách sống của tuyệt đại số đảng viên.
Thứ hai, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 đã làm sáng tỏ tính chính xác và đúng đắn của đường lối “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ từ thuở ra đi tìm đường cứu nước (1911), Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm thấy ở đó con đường cứu nước.
Khi đọc xong luận cương về Vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin (1921) trong phòng kín chỉ có riêng mình mà Bác Hồ đã rơi nước mắt reo lên như trước đông đảo đồng bào: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là con đường cứu nước, con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, Bác Hồ đã đặt sự nghiệp giải phóng dân tộc trên lập trường của giai cấp vô sản, đi theo chủ nghĩa Mác–Lênin và Người đã đề ra đường lối “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Chính trên cơ sở của đường lối đó và tình hình thế giới lúc bấy giờ mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 tại xã Tân Thới Nhất (Bà Điểm – Hóc Môn) từ ngày 6 đến 8-11-1939, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã đề ra đường lối chuyển hướng chỉ đạo chiến lược sang Cách mạng giải phóng dân tộc, hình thành Mặt trận phản đế. Từ sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đó mà Xứ ủy Nam kỳ chủ trương khởi nghĩa năm 1940.
Ngày 8-2-1941, Bác Hồ về nước, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến 15-10-1941, Hội nghị đã kết luận sự chỉ đạo chuyển hướng chiến lược của Hội nghị TƯ Đảng lần thứ 6 là hoàn toàn đúng đắn – Hội nghị Pác Bó đề ra nhiều chủ trương chính sách cụ thể nhằm tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là giải phóng dân tộc. Hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân. Cách mạng tháng 8-1945 đã bùng nổ và thành công trên cả nước từ ngày 19 đến 25-8-1945. Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 tuy thất bại do chưa đúng thời cơ và do mất cảnh giác để kẻ phản bội chui vào hàng ngũ, kế hoạch bị lộ nhưng đã góp phần làm sáng tỏ tính chính xác và đúng đắn của đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Bác Hồ trong suốt chiều dài của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.
Cuối cùng, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 đã chứng minh một chân lý là muốn lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc để giành độc lập tự cho dân tộc, nhất thiết phải bằng bạo lực cách mạng, bạo lực vũ trang của toàn dân, chứ không chỉ bằng đấu tranh chính trị đơn thuần được với chúng.
Chính nhờ bài học về vũ trang Khởi nghĩa Nam kỳ 1940, vũ trang khởi nghĩa toàn quốc tháng 8-1945 mà khi giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn và Nam bộ đã nhất tề nổ súng chống xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến vào ngày 23-9-1945 và tiếp tục suốt 30 năm chống Pháp và chống Mỹ để giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc (1945–1975).
Tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 163/SL ngày 14-4-1948 long trọng tuyên dương: “Đội quân Khởi nghĩa Nam bộ 1940 đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương ý chí quật cường của dân tộc”.
Tại Ngã ba Giồng lịch sử thuộc Hóc Môn – Bà Điểm, nơi đóng căn cứ của Trung ương Đảng trong thời kỳ từ năm 1936 đến 1939, nơi bọn thực dân Pháp đã hành hình nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, nghĩa quân và đồng bào đã quên mình vì vận nước trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940, TPHCM đang hoàn tất việc xây dựng một khu tưởng niệm các chiến sĩ tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ rất hoành tráng.
Ngày 23-11 năm nay, kỷ niệm 70 năm (1940–2010) cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, Đảng bộ và nhân dân TPHCM vô cùng biết ơn những anh hùng liệt sĩ và nguyện sẽ nối tiếp con đường mà các đồng chí và đồng bào đã chiến đấu hy sinh: Giữ vững “nền độc lập dân tộc và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” mà các đồng chí và đồng bào hằng mơ ước.
Tân Triều