Qua đường dây nóng Báo SGGP, bạn đọc phản ánh: Bến xe miền Đông thông báo 10 ngày trước và 10 ngày sau tết mới thu phụ phí vé xe dịp tết, nhưng các doanh nghiệp vận tải đã hết vé sớm, nên hiện nay các hãng xe vận chuyển hành khách núp bóng xe du lịch, hợp đồng đã nhanh chóng chớp thời cơ tăng giá vé, với mức tăng cao hơn 60%. Việc trở về quê nhà ở các tỉnh miền Trung sum họp gia đình dịp tết đã trở nên khó khăn đối với nhiều người.
PV Báo SGGP ghi nhận: Thực tế các hãng xe có tuyến xe đi Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam… đều đã tăng giá vé từ ngày 18-1. Nhiều hãng xe đã tăng giá vé hơn 60% dù còn nhiều ngày nữa mới đến tết. Hãng xe trên đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Bình) bán vé đi Quảng Nam với giá vé 700.000 đồng/người, trong khi ngày thường chưa đến 400.000 đồng/người. Nhân viên nhà xe giải thích: “Những ngày này, không còn ai đi vào TPHCM. Chúng tôi phải chạy xe không để đưa xe vào đón khách, nên phải tăng giá để bù lỗ. Đi xe dịch vụ chất lượng tốt hơn, không bị nhồi nhét khách. Tiền nào của đó thôi mà”. Không chỉ có hãng xe này, nhiều hãng xe đi Quảng Nam cũng đã đồng loạt tăng giá vé xe dịp tết. Chúng tôi đến bãi đậu của hãng xe đi Đà Nẵng trên đường Hồng Lạc (quận Tân Bình) hỏi giá vé đi trong ngày, một nhân viên bán vé cho biết giá vé đến 850.000 đồng.
Từ ngày 22-1, giá vé đi Huế và Quảng Trị đã vượt qua ngưỡng tăng 60% và còn tiếp tục tăng từng ngày. Một nhà xe trong Bến xe miền Đông thừa nhận: “Đến mùa tết, nhiều xe trong bến cắt giảm bớt số chuyến để chạy thêm ngoài bắt khách, hay cho mướn xe để các hãng xe núp bóng thuê. Bởi các hãng xe núp bóng tăng giá cao hơn 100% so với quy định mà vẫn không ai xử phạt”. Nhiều hành khách cũng đành chấp nhận mua vé giá cao, vì hầu hết hãng xe núp bóng đều đồng loạt tăng như nhau.
Ông Lê Văn Thường, Đội trưởng Đội Trật tự giao thông số 8, cho biết: “Để quản lý các hãng xe núp bóng xe hợp đồng, hiện nay, đội đang thực hiện theo kế hoạch của Sở GTVT TPHCM. Nhằm kiểm soát được hãng xe đón khách, đội đã kết hợp với quận đặt bảng cấm đậu ngày chẵn hoặc lẻ ở các điểm tập kết của nhiều hãng xe tại khu Bàu Cát, Vườn Lài, Thoại Ngọc Hầu… và xử phạt việc đậu xe ngày cấm và lấn chiếm. Nhiều hãng xe đã né tránh bằng cách đổi địa điểm hay vào bãi giữ ô tô, còn hợp đồng hành khách đi trên xe đều là tự tạo. Việc tăng giá vé bất thường thì không thể xử phạt vì các hãng xe không bán vé mà liên hệ qua điện thoại, trực tiếp đặt chỗ trước, sau đó hẹn giờ tập trung một điểm rồi lên xe đi”.
Theo Quy định 16/2007/QĐ-BGTVT về vận tải khách bằng hợp đồng và vận tải khách du lịch, nghiêm cấm các xe vận chuyển khách theo hợp đồng đăng ký khai thác vận chuyển khách du lịch tổ chức bán vé cho khách đi xe. Đối với xe đi các tỉnh hơn 100km, phải có hợp đồng cụ thể, xe du lịch phải có hợp đồng ghi rõ thời gian, địa chỉ nơi đi, nơi đến, số lượng khách, hành trình chạy xe mới được hoạt động.
Được biết, Sở GTVT TPHCM đang kiến nghị sửa đổi quy định nhằm chế tài các hãng xe núp bóng xe du lịch, xe hợp đồng, bắt buộc trở thành công ty để kiểm tra và nộp thuế từng chuyến đi của xe để quản lý vận tải đường bộ rõ ràng. Tước giấy phép đối với trường hợp vi phạm; tịch thu xe núp bóng hợp đồng chưa đăng ký mà vẫn hoạt động.
HẢI THANH