Giải bài toán “khát vốn” để phát triển hạ tầng TPHCM

Tạo đột phá trong huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị
Giải bài toán “khát vốn” để phát triển hạ tầng TPHCM

Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) đang được kỳ vọng sẽ là một định chế tài chính quan trọng khởi tạo vốn nhằm phát huy tối đa các tiềm lực của TP trong các dự án đối tác công tư (PPP), đồng thời sẽ góp phần tích cực giải bài toán “khát vốn” để phát triển hạ tầng TPHCM trong giai đoạn 2016 - 2020. Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Các giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TPHCM trong giai đoạn 2016 - 2030” do Sở Giao thông Vận tải và HFIC tổ chức mới đây.

Quang cảnh của hội thảo - Ảnh Hoàng Hải

Tạo đột phá trong huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị

TPHCM là trung tâm kinh tế - tài chính của cả nước, tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích nhưng đóng góp trên 22% GDP và trên 30% tổng thu ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phát biểu tại hội thảo, với khả năng thu xếp vốn ngân sách còn hạn chế như hiện nay, vấn đề huy động các nguồn lực sẽ là một mấu chốt rất quan trọng để đẩy nhanh khả năng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của TP.

Hàng năm, nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông vận tải tại TP được sử dụng chủ yếu từ vốn ngân sách TP, vốn ODA và vốn kêu gọi đầu tư. Chỉ riêng giai đoạn 2011 - 2015, với tổng số 38.608 tỷ đồng đầu tư, vốn ngân sách và ODA là 26.662 tỷ đồng, chiếm 69%; vốn kêu gọi đầu tư là 11.946 tỷ đồng, chiếm 31%. Từ đó, có thể thấy nguồn vốn kêu gọi đầu tư có tỷ trọng ngày càng gia tăng, nhưng vẫn còn hạn chế. Trong giai đoạn 2015 - 2030, TP cần nguồn vốn khoảng 1 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD) để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc HFIC cho biết: HFIC là một định chế tài chính công chiến lược của TP trong việc huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực quan trọng. Giai đoạn 2010 - 2015, HFIC đã tài trợ tín dụng cho 131 dự án hạ tầng trên địa bàn TP với tổng mức đầu tư là 14.010 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến 34 dự án hạ tầng kỹ thuật, 32 dự án y tế, 54 dự án giáo dục và 11 dự án khác. Hiện nay, ngoài các phương thức đầu tư truyền thống, HFIC đang đẩy mạnh hợp tác với các nhà đầu tư có năng lực để triển khai các dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó tập trung vốn vào các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TP.

Cũng theo ông Quốc, để hoàn thiện nhanh kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển của một đô thị đặc biệt, trong điều kiện ngân sách đầu tư hàng năm còn rất hạn chế, TPHCM cần tập trung huy động và nhận diện các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng như quỹ đất, quỹ nhà, các nguồn thu từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, huy động các nguồn lực trong dân, liên kết vùng, liên kết quốc tế… để tiếp nhận vốn, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua các công cụ tài chính và tín dụng, vận dụng hình thức PPP.

Đại biểu góp ý tại hội thảo - Ảnh Hoàng Hải

Tận dụng PPP

Th.S Nguyễn Hồng Văn, Trưởng phòng PPP thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP cho biết, kể từ khi Nghị định 15/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, tính đến quý II/2016, TP đã thực hiện kêu gọi đầu tư tổng cộng 19 dự án theo hình thức PPP (gồm các hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO, BOO…) với tổng vốn đầu tư khoảng 1,56 tỷ USD. “Điều này phản ánh rất đúng tính năng động, sáng tạo của TP với phương châm luôn chủ động đề xuất, xây dựng, thực hiện nhiều cơ chế đa dạng hóa các hình thức huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để phát triển”- Th.S Văn khẳng định.

Theo Th.S Nguyễn Hồng Văn, hiện nay, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP đã bao quát tất cả các lĩnh vực như giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục… Đến nay, số lượng dự án đang xin chủ trương đầu tư, đang lập đề xuất dự án, thẩm định đề xuất dự án trong danh mục khoảng 66 dự án với tổng vốn đầu tư kêu gọi ước tính khoảng 215 tỷ USD. “Cơ hội để TP triển khai thực hiện kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP được nhận diện rõ nét hơn bao giờ hết. Cần có giải pháp quảng bá, xây dựng hình ảnh cho thị trường PPP của Việt Nam đến các nhà đầu tư nước ngoài để đa dạng kênh thu hút đầu tư” - Th.S Văn nhấn mạnh.

Cầu Sài Gòn 2 - một trong những dự án trọng điểm của thành phố được HFIC tài trợ tín dụng

Nhìn PPP từ mô hình cầu Phú Mỹ, TS. Trần Du Lịch cho rằng đã đến lúc PPP cần được luật hóa hơn bao giờ hết để phát huy hết vai trò của một kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Riêng tại TP, cần có một tổ chức tài chính đầu mối để trở thành nơi khởi tạo vốn hiệu quả cho các dự án PPP. Trong đó, HFIC cần được sử dụng như một công cụ hiệu quả nhất để thu hút nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng”.

Theo TS. Lê Thu Hương, đại diện Văn phòng Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), trong giai đoạn 2016 - 2020, chiến lược của AFD tại Việt Nam là hỗ trợ Việt Nam phát triển xanh. Điển hình, AFD sẽ hướng đến các dự án hỗ trợ phát triển đô thị thân thiện với môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các lĩnh vực sản xuất có tác động môi trường và xã hội tích cực. Trong đó, khả năng cấp vốn của AFD là phù hợp với nhu cầu đầu tư hạ tầng tại TPHCM. “AFD sẽ chỉ là người đứng ngoài nếu những mục tiêu nay không được chia sẻ và ủng hộ bởi các đối tác. Chúng tôi rất chú trọng sự hợp tác với HFIC và sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với HFIC trong thời gian tới nhằm triển khai các dự án mang lại lợi ích tích cực cho môi trường, người dân nói riêng và TPHCM nói chung” - bà Hương khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc HFIC cho biết: “HFIC đang hoàn thiện đề án huy động vốn, huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng bằng các dự án PPP để trình UBND TP xem xét. HFIC sẽ phát huy tốt hơn vai trò của mình, tạo bước đột phá trong huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị”.

* PGS, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Đại học Kinh tế TPHCM: Dựa vào các nguồn lực xã hội để phát triển TP

Cần dựa vào các nguồn lực xã hội để phát triển TP. Tổng lượng tiền bao gồm vàng, ngoại tệ và tiết kiệm cá nhân của người dân ở TP rất lớn, ước tính khoảng trên 30 tỷ USD. Do đó, cần phải tìm cách dẫn nguồn tiền này vào đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng. Nếu huy động được nguồn tiền trong dân thì đó sẽ là nguồn lực quan trọng để đầu tư xây dựng TP. TP cần nguồn vốn lớn để phát triển hạ tầng nhưng vẫn bó buộc trong cơ chế tài chính hiện nay thì không thể làm được. Bên cạnh đó, nợ công gần chạm mức nguy hiểm thì việc xin vốn trung ương là rất khó. TP phải huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân thông qua việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Muốn người dân lựa chọn loại trái phiếu này thì TP phải tạo dựng được niềm tin khi phát hành. Đồng thời, phải xây dựng chính quyền đô thị với việc được phân cấp mạnh, có quyền tự chủ ngân sách.

* TS. Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Mở rộng quy mô hoạt động cho HFIC

Huy động vốn qua kênh HFIC giữ vai trò quan trọng. Do đó, để HFIC thực hiện được chức năng của mình một cách hiệu quả nhất thì TP cần tăng cường thêm cho HFIC những giải pháp về: Thông tin; giải pháp về cơ chế phối hợp; mở rộng các công cụ và phương thức huy động vốn; mở rộng quy mô hoạt động cho HFIC. Trong đó, HFIC trong vai trò cầu nối của mình, là cơ sở tạo niềm tin cho nhà đầu tư. TP cần có cơ chế tạo lập ổn định trong các chính sách và quy hoạch, thông qua HFIC để chuyển tải các thông điệp đến nhà đầu tư, đảm bảo thực hiện các cam kết theo tinh thần của hợp tác công tư. HFIC phải có sự tham gia mạnh mẽ trong việc hình thành các chính sách và quy hoạch liên quan đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; giữ vai trò chủ trì trong xây dựng  một số chính sách và quy hoạch liên quan đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của TP. Đồng thời TP nên kiến nghị Trung ương mở rộng các giới hạn hoạt động cho HFIC, đặc biệt các giới hạn về vốn chủ sở hữu và vốn vay.

NGỌC LAN

Tin cùng chuyên mục