Theo một nghiên cứu được công bố vào cuối tháng 6 của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), lỗ thủng tầng ozone tại Nam cực đang bắt đầu thu nhỏ lại, khoảng 4 triệu km², tính từ năm 2000 đến nay. Rõ ràng, đây là tin vui đối với nhân loại. Nước ta đã tuân thủ đầy đủ các quy định về loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone theo Nghị định thư Montreal; đồng thời tăng cường “giải cứu” tầng ozone bằng các biện pháp hữu hiệu, thiết thực nhất.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hoàng, điều phối viên ozone quốc gia (Văn phòng Ozone, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), thông tin, mặc dù đang được “vá”, lỗ thủng tầng ozone dần thu nhỏ lại; nhưng nếu không có biện pháp bảo vệ thích hợp thì nguy cơ lan rộng chỗ thủng sẽ tiếp tục đe dọa cuộc sống loài người. Trước thực trạng này, Việt Nam đã có hàng loạt động thái tích cực để bảo vệ “tấm lá chắn” nhân loại. Bằng chứng, Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 500 tấn các chất làm suy giảm tầng ozone như CFC, Halon, CTC từ ngày 1-1-2010.
Đánh giá của các chuyên gia môi trường, cho thấy, nước ta là quốc gia có lĩnh vực làm lạnh công nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào R-22 - chất HCFC làm suy giảm tầng ozone và gây biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam cần loại trừ các chất này và thay thế bằng các thiết bị có sử dụng các chất không làm suy giảm tầng ozone, có tiềm năng nóng lên toàn cầu ở mức thấp nhất. Những thiết bị này có thể được lắp đặt dễ dàng với chi phí hợp lý, dễ sửa chữa hoặc thay thế. Đáng chú ý, R-32 là một trong những môi chất lạnh (dân gian gọi là gas lạnh) đang được quan tâm, vì khả năng truyền tải nhiệt hiệu quả, giảm tiêu thụ điện năng gần 10% so với máy điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh R-22. Tuy vậy, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định hoặc tiêu chuẩn về các môi chất lạnh có nguồn gốc tự nhiên, như các chất hydrocacbon (R-290, R-600a), amoniac hoặc cabondioxide. Điều này cũng chính là một trong những khó khăn nhằm giảm phát thải khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu.
Tháng 5-2016, Quỹ đa phương thi hành nghị định thư Montreal (về các chất làm suy giảm tầng ozone) đã phê duyệt 14,6 triệu USD nhằm thực hiện dự án “Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HCFC-22 của Việt Nam giai đoạn II”. Hơn 90% kinh phí được tài trợ cho các doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp để chuyển đổi công nghệ và hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh để loại trừ 1.000 tấn HCFC sử dụng trong lĩnh vực này từ năm 2017 đến 2020.
Ông Riccardo Savigliano, Giám đốc dự án Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), nhận định, một trong những thách thức đối với Việt Nam là nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp sử dụng thiết bị lạnh. Việc khuyến khích các doanh nghiệp có kho lạnh sử dụng môi chất lạnh tự nhiên là lựa chọn mang tính lợi ích đối với môi trường, giúp tiết kiệm chi phí.
Vừa qua, tổ chức UNIDO đã khởi xướng dự án chuyển giao công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ozone trong lĩnh vực làm lạnh công nghiệp. Dự án gồm 3 hợp phần: hỗ trợ chính sách và pháp lý, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực nhằm thúc đẩy phát triển thị trường môi chất lạnh có tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp; đặc biệt là công nghệ hydrocacbon trong lĩnh vực làm lạnh. Mục tiêu dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng chất thay thế tiềm năng. Dự án tập trung vào sự phối hợp giữa công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Montreal để giảm phát thải các chất suy giảm tầng ozone.
Hiện tại, dự án của UNIDO đã triển khai thí điểm tại bốn doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre ở TPHCM (9 máy R-290); Công ty cổ phần Thủy sản Phú Minh Hưng (9 máy); Công ty cổ phần Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đại An (3 máy); Công ty Animex Nghệ An (4 máy). Thông tin từ lãnh đạo Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, cho biết, việc chuyển giao công nghệ đã giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả tiết kiệm năng lượng từ 20%-25%. Theo ông Riccardo Savigliano, để hỗ trợ doanh nghiệp cần có cơ chế tài chính phù hợp, giúp doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ mới, bằng các biện pháp hỗ trợ tài chính, như: vay ưu đãi từ các quỹ và ngân hàng thương mại liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp… Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cũng đánh giá: về việc giúp doanh nghiệp có kho lạnh chuyển dần sử dụng môi chất lạnh tự nhiên, cần được thông tin tuyên truyền mạnh mẽ hơn; đồng thời có chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp lý cho từng doanh nghiệp.
THI HỒNG