Giải mã “Trường Thành” của Việt Nam

Giải mã “Trường Thành” của Việt Nam

Cuối tháng 1-2011, Hãng thông tấn CNN đã đăng tải bài viết của phóng viên Adam Bray miêu tả Trường Lũy và ví như một “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam. Trường Lũy được các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Trung tâm Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội phát hiện, thám sát từ năm 2005. Tháng 4-2010, cuộc khai quật di chỉ khảo cổ đã được tiến hành tại một địa điểm được gọi là “bảo” nằm trên hệ thống Trường Lũy thuộc đèo Chim Hút, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Những hiện vật thu được trong đợt khai quật này đã “giải mã” nhiều điều liên quan đến một lũy cổ được xem dài nhất Đông Nam Á hiện nay.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (đầu tiên) tham quan Trường Lũy cuối tháng 2 vừa qua. Ông rất ngạc nhiên vì đã hơn 200 năm vẫn còn những đoạn lũy khá nguyên vẹn. Ảnh: HÀ NHIÊN

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (đầu tiên) tham quan Trường Lũy cuối tháng 2 vừa qua. Ông rất ngạc nhiên vì đã hơn 200 năm vẫn còn những đoạn lũy khá nguyên vẹn. Ảnh: HÀ NHIÊN

Nhận dạng

Trường Lũy chạy men theo rìa phía Đông dãy Trường Sơn, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định), dài khoảng 200km. Có thể nói, huyện Nghĩa Hành là địa phương còn lưu dấu rõ nét nhất của hệ thống Trường Lũy. Ngoài những bờ thành còn khá nguyên vẹn, tại nhiều điểm còn nguyên dấu vết của các công trình xây dựng ngay trên thành lũy hoặc khu vực lân cận. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử lẫn giới khảo cổ học vẫn chưa xác định được niên đại cụ thể của lũy cổ này.

Một vài ý kiến cho rằng Trường Lũy được xây dựng vào năm 1819, do Tả quân Lê Văn Duyệt làm “tổng chỉ huy” chưa thuyết phục, bởi lẽ, một thành lũy quy mô, lại trải dài 200km trên địa bàn hai tỉnh, được xây dựng trên những địa hình phức tạp như thế thì không thể hoàn thành trong một triều vua mà phải là sự kế tục của nhiều thế hệ, qua nhiều thế kỷ. Trải qua nhiều binh biến hàng trăm năm cộng với việc xâm lấn của người dân lấy đất làm nhà và mở rộng phạm vi canh tác nên Trường Lũy không còn nguyên vẹn nữa. Nhiều đoạn bị san bằng, không để lại dấu vết gì. Chính vì sự “đứt quãng” này nên hậu thế khó hình dung được một cách đầy đủ về Trường Lũy.

Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ đã cất công đi điền dã dọc theo chiều dài của lũy cổ và “chắp nối” lại để Trường Lũy hiện lên một cách tương đối đầy đủ cả về quy mô lẫn chức năng của nó.

Dựa vào các thư tịch cổ và những kết quả sau những lần thị sát lũy cổ ngoài thực địa, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông ở Viện Khảo cổ học và Tiến sĩ Andrew Hard ở Trung tâm Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội đã đưa ra kết luận bước đầu: Tùy theo địa hình, lũy cổ được đắp bằng đất hoặc bằng đá. Ở những nơi có độ dốc lớn, dễ bị nước lũ xói lở, lũy được xây hoàn toàn bằng đá, nhưng điều rất lạ, gần như không phát hiện chất kết dính nào giữa các lớp đá. Chiều cao của lũy có nơi 3m, mặt lũy rộng 2,5m, đế rộng 4m. Những lớp đá được xếp chồng lên nhau rất khéo léo, chứng tỏ kỹ thuật xây thành không cần vôi vữa của người xưa đã đạt đến độ tinh xảo. Cứ vài kilômét, xuất hiện một ô vuông rộng từ 40-100m2, cá biệt có những ô rộng cả hécta như ở Thiên Xuân huyện Nghĩa Hành. Đây được gọi là “bảo”, tương đương với đồn trú và cũng là nơi giám sát các cửa ngõ giao thương giữa hai miền xuôi-ngược. Trường Lũy có 115 đồn lớn - nhỏ, do lính sơn phòng canh giữ.

Giải mã
Chúng tôi chọn một “bảo” của Trường Lũy nằm trên đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành) để thị sát, cùng đi có nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Nơi đây có địa thế khá hiểm trở, hai bên là những ngọn núi cao nên muốn qua lại giữa hai vùng đồng bằng và miền núi một cách thuận lợi nhất, chỉ có thể đi bằng con đường “độc đạo” nằm giữa các đỉnh núi này. Đồng bào Hre của vùng này đã phủ xanh đèo Chim Hút bằng những cánh rừng keo bạt ngàn.

Tuy nhiên, “bảo” trên Trường Lũy hầu như vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn chứ không bị san bằng để trồng trọt. Các hậu duệ của người Hre ở đây hoàn toàn không biết vì sao ngay tại lưng chừng trời này lại có một khoảng đất rộng chừng 100m2 được kè đá khá vuông vức. Hỏi chuyện một tiều phu người Hre thì được trả lời rằng “từ thời ông bà đã có cái “ô vuông” này nhưng không biết nó là cái gì”! Sau khi đi một vòng quanh “bảo” và một đoạn của bờ lũy tại đây, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khe khẽ đọc hai câu thơ của người xưa: “Ba năm trấn thủ lưu đồn/Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan”.

Sau khi khai quật di chỉ khảo cổ tại đèo Chim Hút vào tháng 4-2010, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật quý giá như gốm sứ Chu Đậu, Bát Tràng của Việt Nam nằm xen lẫn với một số gốm sứ Trung Hoa thế kỷ 16-17. Điều này chứng tỏ, đây giống như một trạm kiểm soát, vừa giữ gìn trị an cho vùng đệm, vừa là nơi buôn bán của hai vùng xuôi ngược. Sự xuất hiện của các loại gốm với sự đa dạng và phong phú của nhiều chủng loại đã phần nào nói lên sự nhộn nhịp giao thương của vùng này.

Chợ phiên Tam Bảo ngày nay, cách đèo Chim Hút không xa, chính là đầu mối quan trọng nhất, nơi tập kết hàng hóa trước khi chuyển đi các nơi. Chữ “Tam Bảo” cũng có thể hiểu đây là nơi buôn bán của ba cửa ngõ hoặc ba “bảo” nằm trên Trường Lũy. Sự có mặt của gốm Chu Đậu hay Bát Tràng từ thế kỷ 16-17 cũng chứng tỏ rằng, Trường Lũy không phải chỉ được xây dựng dưới triều Gia Long mà có thể ngay từ khi Chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam, lũy này đã được xây dựng.

Đề nghị công nhận di tích lịch sử quốc gia

Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Lũy mang tính đa chức năng: quân sự, kinh tế, giao thương, giao thông giữa miền ngược, miền xuôi, vừa là đường huyết mạch gắn kết đất nước. Cũng theo GS Phan Huy Lê, cho đến hiện tại, Trường Lũy được xem như công trình kiến trúc về bờ lũy dài nhất và quy mô nhất còn sót lại của nước ta và khu vực Đông Nam Á với những cảnh quan vô cùng đẹp, những “bảo” còn chắc chắn…

Để có được sản phẩm lao động như vậy, phải có sự tham gia của các tộc người, cộng đồng người, chứng tỏ sự đoàn kết và giao lưu văn hóa… Tuy nhiên, hơn 200 năm tồn tại với sự tác động từ thiên nhiên và chính con người, rồi chịu tàn phá từ những cuộc chiến tranh, Lũy đã bị gãy khúc nhiều đoạn do nhu cầu phát triển kinh tế, giao thông, mở rộng khu dân cư... “Công tác bảo vệ, bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Trường Lũy là vô cùng cấp bách”, GS Lê nhấn mạnh.

Để đánh giá đúng tầm vóc và triển khai các biện pháp bảo vệ Trường Lũy, một Hội thảo khoa học chuyên đề đã được tỉnh Quảng Ngãi tổ chức quy mô với sự tham gia của các nhà khảo cổ học đầu ngành của Việt Nam cũng như lãnh đạo các địa phương, nơi có Trường Lũy đi qua để ký cam kết cùng bảo vệ. Tiến sĩ văn hóa dân gian Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi, cho hay: “Sở đang hoàn tất hồ sơ để trình Bộ VH-TT-DL sớm công nhận Trường Lũy là di tích lịch sử cấp quốc gia”.

HÀ NHIÊN-HÀ MINH

 Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo tồn các di sản trên thế giới tại hội thảo, GS Christopher Young, Trưởng Ban tư vấn Hội đồng di sản Anh đánh giá cao giá trị của di tích Trường Lũy: “Hiện trạng công trình đang được bảo tồn tốt. Đây là cơ hội, cũng là thách thức cho các nhà nghiên cứu giai đoạn đầu vì tính dễ bị tổn thương. Đề cử di tích quốc gia là cách bảo vệ tốt nhất. Từ đó, tuyên truyền cho người dân hiểu mức độ tầm quan trọng và chế tài bằng pháp luật. Phải có hành lang bảo vệ xung quanh công trình, rộng chừng 500m ở cả hai bên thành lũy”.

Cũng theo GS Christopher Young, công tác bảo vệ cần được sự hỗ trợ từ các nhà quản lý, do Trường Lũy khá dài, lại ảnh hưởng tới những lợi ích của cơ quan, tổ chức xã hội, dân cư, lợi ích từ cấp tỉnh, huyện, xã, cộng đồng nên cần xây dựng Ban quản lý với cơ chế rõ ràng để bảo vệ di tích theo luật di sản. Ông cũng lưu ý, việc bảo vệ phải dựa trên nguyên tắc không can thiệp, không phục dựng công trình và chỉ nên bảo vệ hiện trạng. Muốn vậy, người dân phải được tham gia, được hưởng lợi từ chính công tác bảo vệ.

Tin cùng chuyên mục