Nạn khai thác than trái phép mà từ năm 1986 được gọi là “than thổ phỉ” (TTP) bắt nguồn từ một chủ trương rất đúng đắn của ngành than, là tận thu than ở những chỗ đầu thừa đuôi thẹo, không đủ điều kiện để mở mỏ, vừa lấy được than với giá thành rất thấp, chất lượng than lại rất cao, vừa bố trí được việc làm cho những người lao động thuộc diện dôi dư. Từ đó, việc tận thu than được “xã hội hóa” rất nhanh không ai kiểm soát được.
Hậu quả nghiêm trọng của việc khai thác TTP là sự tàn phá môi trường không thương tiếc, bất chấp mọi giá trị và luật lệ miễn là kiếm được nhiều tiền rồi lại dùng tiền để vô hiệu hóa tất cả mọi luật lệ.
Năm 1993, đích thân Thủ tướng Chính phủ phải xuống dẹp. Bớt được một vài năm, TTP lại phát triển rầm rộ. Khi tình hình nghiêm trọng đến mức không chịu được nữa thì các cấp chính quyền lại vào cuộc cũng rất rầm rộ trong một vài tháng với những kết quả nhất định rồi sau đó đâu lại vào đấy. Hiện nay, tình hình khai thác TTP cũng vẫn như vậy.
Việc các công ty than mua than tận thu là cần, nhưng cũng cần phải biết than ấy từ đâu ra? Rồi các chủ lò TTP lấy đâu ra bản đồ khai thác, thuốc nổ; lấy đâu ra xe gạt, máy xúc, xe tải... Họ thuê ư? Thuê ở các mỏ than hay thuê ở đâu? Thử đi đến tận cùng chắc chắn sẽ tìm ra câu trả lời… Mà thực ra không cần phải đi đến tận cùng, bởi câu trả lời đã ở ngay trong câu hỏi và ai cũng đã biết. Cũng như ngành giáo dục – đào tạo, nếu Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam nói KHÔNG với TTP, thì nạn khai thác TTP cùng với sự tàn phá môi trường nặng nề và dường như không còn cách cứu vãn, không cần ai dẹp bỏ cũng sẽ tự tiêu tan...
Vương Môn Thủy