Công trình xanh
Quá trình đô thị hóa tại TPHCM, ngoài những thành quả đạt được, hiện TP đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Những vấn đề về ô nhiễm môi trường, ngập lụt, biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, áp lực tăng dân số, sự tập trung và quá tải về cơ sở hạ tầng… đang đặt ra vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của TPHCM. Trong bối cảnh TPHCM đang hướng đến mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, TP cần đẩy mạnh các giải pháp để phát triển nhanh các công trình xanh nhằm giảm khí thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng điện hiện đang được sử dụng với khối lượng rất lớn trong các tòa nhà cao tầng.
Hướng đến công trình tiết kiệm năng lượng
Tại hội thảo “Giải pháp bền vững cho công trình - hướng đến xây dựng TP thông minh” do Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức cuối tuần qua, nhằm đề xuất những kiến nghị về xây dựng đáp ứng những tiêu chuẩn công trình xanh và sử dụng vật liệu năng lượng hiệu quả, phục vụ cho quá trình đô thị hóa bền vững tại TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, cho biết, TP đang tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để phấn đấu xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Hiện TP đang có kế hoạch tổ chức khảo sát để xây dựng Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, trong thời gian tới, TP sẽ ưu tiên khảo sát các lĩnh vực thuộc 7 chương trình đột phá; những vấn đề bức xúc dân sinh để thí điểm trước. Chính vì thế, TP rất quan tâm đến sự hợp tác, hỗ trợ của các DN nước ngoài, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ xanh, các giải pháp thông minh và quản lý năng lượng hiệu quả.
Tòa nhà tại trung tâm quận 1 xây dựng bằng vật liệu xanh góp phần giúp giảm phát thải nhà kính. Ảnh: HUY ANH
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cũng cho rằng, cùng với quá trình mở rộng đô thị, phát triển nhanh các ngành công nghiệp xây dựng, nhu cầu sử dụng năng lượng, tài nguyên ngày càng gia tăng. Chính vì thế, các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành phải có những kế hoạch, công cụ, chính sách và chương trình hành động thực sự phù hợp nhằm xây dựng TPHCM hướng đến một thành phố thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông Hưng, một trong 7 chương trình đột phá của TP trong nhiệm kỳ 2016-2020 là công tác cải tạo chỉnh trang và phát triển đô thị. Chương trình này bao gồm các công tác liên quan đến việc cải tạo nhà ở khu vực ven, trên kênh rạch và xây dựng, cải tạo các khu chung cư cũ. Những giải pháp chiến lược trong kế hoạch xây dựng nhà ở, cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của cộng đồng dân cư, tạo điều kiện sống và tiện ích hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho đời sống của người dân đang trở nên rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Song song với đó là yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và hiệu quả trong xây dựng nhằm tiết kiệm năng lượng trong các công trình, giảm thiểu chi phí vận hành bảo dưỡng từ đó cũng làm tăng hiệu quả đầu tư.
Từ những yêu cầu trên, trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hiệu quả và chủ động hướng tới xây dựng mô hình phát triển đô thị thông minh, những định hướng chiến lược về công cụ, giải pháp quản lý quy hoạch, thiết kế không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị… luôn cần đến tính bền vững, tiết kiệm và hiệu quả. “Để đạt được mục tiêu này, có thể chọn những giải pháp thiết kế tối ưu trong xây dựng hoặc những máy móc, thiết bị vận hành hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà; hoặc những giải pháp sử dụng vật liệu xây dựng xanh, áp dụng xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh… cũng có thể giúp tiết kiệm trong việc sử dụng các nguồn năng lượng. Tất cả đòi hỏi cơ chế phải có khả năng hỗ trợ sự lựa chọn, đánh giá phương án tối ưu, hợp lý nhất. Việc này đáp ứng tính kịp thời, vừa có tính dự báo lại có tác dụng kích thích và định hướng quá trình đầu tư, phát triển đô thị tại TPHCM. “Hiện sở đang phối hợp với các sở-ngành, các chuyên gia xây dựng và kiến nghị các cơ chế chính sách để các công trình xây dựng bền vững, thân thiện môi trường đi vào cuộc sống. Đảm bảo xây dựng các công trình đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật, các giải pháp kiến trúc quy hoạch thông minh phù hợp hướng đến các công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng phù hợp với bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước xây dựng TPHCM trở thành một đô thị thông minh và bền vững”, ông Hưng cho hay.
Cần cơ chế khuyến khích áp công trình xanh
Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Phó Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh (Eurocham) cho biết, với khuynh hướng di dân đến các TP lớn như Hà Nội, TPHCM và xu hướng này tăng gấp đôi trong quá trình đô thị hóa và ngày càng nhiều công trình được xây dựng mới thì giải pháp xây dựng “xanh” là những giải pháp xây dựng tối ưu để xây dựng TP bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vì hiện các nhà tiêu thụ điện năng rất lớn.
Mặc dù vậy, hiện Việt Nam mới có hơn 40 công trình được cấp Chứng nhận xanh. Con số này nên được tăng thêm càng nhiều càng tốt, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thành phố lớn tại Việt Nam đang hướng đến xây dựng một thành phố thông minh. Khi áp dụng các tiêu chuẩn để được cấp các Chứng nhận xanh, công trình được thiết kế, xây dựng, vận hành thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng điện, nước và những tài nguyên khác; giảm rác thải và ô nhiễm môi trường; bảo vệ sức khỏe người sử dụng và cải thiện năng suất lao động của nhân viên làm việc tại tòa nhà. Theo ông Yannich Millet, chuyên gia tư vấn về xây dựng bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả, hiện có nhiều chứng nhận xanh khác nhau mà doanh nghiệp có thể lựa chọn để đăng ký áp dụng cho công trình của mình như Lotus, Leed, Green Mark, HQE hay EDGE... Theo ông Yannich Millet, tại Việt Nam, hệ thống chứng chỉ EDGE do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) xây dựng là một chứng nhận có thể tiếp cận dễ dàng mà các DN nên tìm hiểu.
Để minh chứng lợi ích khi sử dụng những giải pháp này trong quá trình xây dựng ban đầu không hề phát sinh chi phí xây dựng, nhưng đảm bảo được tính “xanh” cho công trình và giảm thiểu chi phí vận hành của công trình, ông Huỳnh Trung Hiếu, chuyên gia tư vấn từ Công ty TNHH Indochine Engineering Việt Nam, chia sẻ, về những dự án đã được cấp các chứng chỉ xanh, triển khai thành công tại Việt Nam như trung tâm thương mại Big C - Green Square tại Bình Dương. Công trình này chứng nhận Leed và chứng nhận Lotus. Để đạt các chứng nhận này, công trình bắt buộc phải thỏa mãn các yêu cầu trong thiết kế và xây dựng, ví dụ như gắn hệ thống các tấm pin mặt trời trên tầng mái, xây dựng các thiết bị trữ lạnh để tiết kiệm điện... Theo ông Hiếu, để đáp ứng các tiêu chuẩn trên có làm chi phí xây dựng công trình tăng lên so với phương pháp truyền thống. Nhưng nhờ có các thiết bị này, khi vận hành, tòa nhà sẽ tiết kiệm được 21% về năng lượng, 42% lượng nước và thời gian hoàn vốn cho khoản chi phí đầu tư khoảng 7 năm. Ông Hiếu cho biết, mặc dù xây dựng xanh và bền vững đem lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư cũng như người dùng nhưng hiện Việt Nam chưa có nhiều công trình được cấp Chứng chỉ xanh là vì nhiều nhà đầu tư chưa biết về những chứng nhận xanh trong xây dựng. Ngoài ra, họ không áp dụng vì sợ đội chi phí đầu tư ban đầu cao hơn trong khi nghi ngờ về hiệu quả mang lại.
Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, mặc dù Việt Nam đã có các quy định chung về phát triển công trình xanh, sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng và hệ thống pháp lý đã tương đối hoàn chỉnh nhưng việc thực thi các quy định này vẫn chưa hiệu quả. Chính vì thế, bên cạnh việc ban hành các quy định, Việt Nam cần có những chính sách nhằm khuyến khích các bên liên quan áp dụng những quy định này vào thực tế. Cùng với đó, Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích các DN quan tâm đến việc đạt những chứng chỉ xanh, chẳng hạn như rút ngắn thời gian phê duyệt, cấp chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép xây dựng công trình xanh.
VI QUÂN - AN YÊN