Giải phóng An Biên (Kiên Giang) là chiến công vẻ vang của quân và dân miền Tây Nam bộ trong Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược

Cách đây tròn 68 năm, từ tháng 2 đến cuối tháng 4-1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân An Biên (nay thuộc tỉnh Kiên Giang) phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực Tiểu đoàn 307 (Phân Liên khu miền Tây) mở nhiều đợt tiến công địch dồn dập, giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng toàn bộ huyện An Biên (lúc này thuộc tỉnh Bạc Liêu) vào ngày 25-4-1954.

Giải phóng An Biên không chỉ là chiến công của địa phương mà còn là sự kiện mang tầm khu vực lúc bấy giờ và đã đi vào lịch sử vẻ vang của quân và dân miền Tây Nam bộ trong Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược (1945 – 1954).

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 65 năm Giải phóng An Biên (25-4-1954 – 24-4-2019). Ảnh: ĐOÀN THẾ HẠNH
Đơn vị hành chính huyện An Biên, giai đoạn 1951 – 1954

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954), đơn vị hành chính huyện An Biên, bao gồm cả vùng U Minh Thượng và huyện Kiên Hải ngày nay cùng với một phần của huyện Thới Bình (xã Biển Bạch), tỉnh Cà Mau. Tháng 8-1951, chính quyền cách mạng quyết định phân chia chiến trường Nam bộ thành 2 phân liên khu (miền Đông và miền Tây) thì An Biên là một huyện, tạm thời thuộc tỉnh Bạc Liêu, nằm trong Phân Liên khu miền Tây. Về phía địch (Chính quyền tay sai của thực dân Pháp), gọi An Biên là quận Thứ Ba thuộc tỉnh Rạch Giá. Quận lỵ là Chi khu An Biên. Cơ quan đầu não của địch đặt tại thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang ngày nay.

An Biên dồn dập tiến công địch từ tháng 2 đến tháng 4-1954 

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953 – 1954 trên toàn chiến trường Đông Dương với phương châm chiến lược là đánh bại kế hoạch Navarre của thực Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào ngày 7-5-1954. Đối với Nam bộ và các tỉnh miền Tây, Trung ương Cục miền Nam chủ trương, đẩy mạnh hoạt động quân sự, đi đôi với “địch, ngụy vận”, vừa tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, vừa kêu gọi binh lính ngụy trở về, làm tan rã hàng ngũ địch. Bộ đội chủ lực Tiểu đoàn 307 thuộc Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây về tỉnh Bạc Liêu, phối hợp với quân dân địa phương tiến công, tiêu diệt đồn bót của địch tại huyện An Biên. 

Cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, trên chiến trường Tây Nam bộ, thực dân Pháp liên tiếp mở nhiều đợt càn quét, giành dân, lấn chiếm vùng giải phóng của Việt Minh. Thời điểm cao nhất, địch bố trí đến 168 đồn, bốt và đánh phá vùng căn cứ cách mạng. Tại địa bàn huyện An Biên, gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng ngày nay, địch xem là địa bàn trọng điểm để tấn công, càn quét, hòng tiêu diện căn cứ U Minh Thượng. 

Theo Diệp Hoàng Du, trong cuốn Kiên Giang kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954: Thời gian này, địch tổ chức một lực lượng lớn quân Pháp và ngụy, “chiếm đóng An Biên với cấp tiểu đoàn. Âm mưu của chúng ở đây nhằm tiến chiếm, lấn sâu vào căn cứ của ta”.

Trong bài tham luận tại Hội thảo 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (2014), Trung tướng Nguyễn Phương Nam, Tư lệnh Quân khu 9 có đoạn: "Cuối tháng 2-1954, Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây chủ trương mở đợt hoạt động tiến công quân sự nhằm tiêu diệt, làm tan rã hàng ngũ địch, hoạt động tác chiến kết hợp với ngụy địch vận để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ”.

Ngày 7-2-1954, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy An Biên, quân và dân An Biên phối hợp với bộ đội chủ lực bao vậy cứ điểm Xẻo Rô, đồng thời tấn công quận lỵ Thứ Ba, tiêu diệt nhiều tề ngụy, bắt sống tên quận trưởng Thái Ngươn Sáng. Sau trận này, địch hoang mang tan rã, lớp bỏ hàng ngũ địch, một số trở về vùng giải phóng ở nông thôn, trong đó có nhiều lính ngụy người Khmer… Cùng lúc này, địch đưa tên ác ôn Lâm Quang Thiệp về làm quận trưởng Thứ Ba thay Thái Ngươn Sáng vừa bị quân và dân An Biên bắt sống.

Ngày 1-3-1954, quân và dân An Biên tiếp tục mở đợt tấn công thứ hai vào quận lỵ tiêu diệt 20 tên địch của Tiểu đoàn 15 do Quách Sến cầm đầu. Đến ngày 4-3-1954, các chốt của địch từ Xẻo Rô đến Thứ Ba đều bị quân dân du kích huyện An Biên, phối hợp Tiểu đoàn 307 tiêu diệt, một số ra hàng, một số bỏ hàng ngũ… Tiếp đó, đêm ngày 5-3-1954, quân và dân An Biên tiêu diệt đồn Thứ Ba.

Từ đầu tháng 2-1954 đến đầu tháng 3-1954, quân dân An Biên tiến công dồn dập vào đồn, bốt của ngụy và đầu não của quận lỵ Thứ Ba, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, bắt sống 2 tên quận trưởng (tên ác ôn Thái Ngươn Sáng và Lâm Quang Thiệp), thu nhiều vũ khí, khí tài của địch, trang bị cho lực lượng vũ trang và dân quân du kích, vùng giải phóng từng bước được mở rộng, nhân dân vô cùng phấn khởi, địch hoang mang, hoảng sợ, tan rã từng ngày.

Để cứu vãn tình thế, địch điều Tiểu đoàn 15 của ngụy từ thị xã Rạch Giá và Tiểu đoàn 221 Hòa Hảo gồm 227 tên từ Chợ Mới (An Giang) đến chi viện, phản công hòng chiếm lại các đồn, bốt đã bị quân và dân An Biên tiêu diệt. Ngày 6-3-1954, Tiểu đoàn 221 Hòa Hảo lọt vào ổ phục kích của ta, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ đánh giáp la cà, quân và dân An Biên tiêu diệt và bắt sống trên 300 tên dịch, thu toàn bộ vũ khí. 

Sau trận đánh này, tên Phạm Văn Phát, một trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 221 Hòa Hảo, bị quân và dân An Biên bắt sống, đã thừa nhận “Riêng tiểu đoàn của chúng tôi bị chết và bị bắt sống cả thảy là 217 người, chỉ còn 10 người chạy thoát. Tôi bị thương vào chân vì bị mã tấu của Việt Minh chém trúng và bị bắt đem về rạch Xẻo Xu…” 

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 tháng đầu năm 1954 (từ 7-2 đến 25-4-1954) quân và dân An Biên phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực Tiểu đoàn 307 đã dồn dập tiến công địch, giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng toàn bộ huyện An Biên (cả vùng U Minh Thượng ngày nay). Đây cũng là huyện đầu tiên của khu vực miền Tây Nam bộ (lúc này gồm 6 tỉnh: Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Trà, Bạc Liêu, Sóc Trăng và tỉnh Long Châu Hà) được hoàn toàn giải phóng trong Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược 1945 – 1954. Vùng căn cứ U Minh Thượng tiếp tục mở rộng và được bảo vệ vững chắc. Ngày 28-4-1954, Ủy ban kháng chiến hành chánh huyện An Biên tổ chức mít tinh mừng chiến thắng, hơn 3.000 quần chúng nhân dân địa phương tham dự. 

Theo quyển Lịch sử Nam bộ kháng chiến (Tập 1) 1945 – 1954 do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia – Sự thật, ấn hành năm 2010: An Biên là huyện đầu tiên trong Phân Liên khu miền Tây được hoàn toàn giải phóng trong Cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954). Đó không chỉ là niềm tự hào của quân dân An Biên mà còn là niềm tự hào của các tỉnh trong Phân Liên khu miền Tây (hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay). Có thể nói, giải phóng An Biên không chỉ là chiến công của địa phương, một sự kiện mang tầm khu vực lúc bấy giờ mà đã đi vào lịch sử vẻ vang của quân và dân miền Tây Nam bộ trong Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử

Giải phóng An Biên năm 1954, trước hết là tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, ý chí quật cường của nhân dân ta, được kết tinh từ truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam trải qua 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước; khẳng định vai trò lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là BCH Đảng bộ huyện An Biên và Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc bấy giờ. Ở thời điểm 1954, huyện An Biên có hơn 1.000 đảng viên (số liệu của đồng chí Trần Quang Quýt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá cung cấp) với một Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có bản lĩnh chính trị vững vàng, đã lãnh đạo nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946), bằng vũ khí thô sơ, tầm vông vạc nhọn, gậy gọc… đứng lên chống Pháp xâm lược bằng “gan sắc, gan vàng” đến thắng lợi hoàn toàn trong Cuộc Kháng chiến chống Pháp vào ngày 25-4-1954.

Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 1954, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy An Biên, chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, như: Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây, của Tỉnh ủy Bạc Liêu, của Trung ương cục miền Nam; biết vận dụng sáng tạo địa hình, địa thế và hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực (Tiểu đoàn 307 thuộc BTL Phân Liên khu miền Tây) mở nhiều đợt tấn công liên tục, dũng cảm, táo bạo vào đầu não của địch, bằng chứng là qua 2 trận đánh bắt sống 2 tên quận trưởng An Biên và trận ngày 6-3-1954, quân dân An Biên tiêu diệt và bắt sống trên 300 tên địch của Tiểu đoàn 221 Hòa Hảo từ Chợ Mới (An Giang) xuống chi viện cho Chi khu An Biên để cứu vãn tình thế.

Về quân sự, nếu tính về tương quan lực lượng thì 2 bên có sự chênh lệch quá lớn về lực lượng và khí tài. Một bên là thực dân Pháp và tay sai (ở Rạch Giá và An Biên) có một đội quân khổng lồ với vũ khí hiện đại và nguồn tài chính dồi dào. Các trận càn quét mà chúng tấn công Việt Minh tại huyện An Biên là từ cấp tiểu đoàn, có cả tàu chiến, máy bay… Về phía quân và dân An Biên, chỉ có vũ khí thô sơ tự chế, nguồn tài chính không có gì ngoài sự cưu mang, đùm bọc, chở che của nhân dân địa phương. Những yếu tố của Việt Minh mà địch không bao giờ có được là quân và dân An Biên có lòng yêu nước nồng nàn, có tinh thần đoàn kết cao độ, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có ý chí căm thù giặc sâu sắc, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu với kẻ thù, đã giành thắng lợi hoàn toàn. 

Tin cùng chuyên mục