Giải quyết người lang thang xin ăn - Cần giải pháp căn cơ

Theo Quyết định 2606/QĐ-UB (QĐ2606) ngày 27-5-2009 của UBND TPHCM, đến cuối năm 2010, thành phố phải giải quyết cơ bản tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Tuy nhiên, đến nay - giữa năm 2011 - chúng ta vẫn bắt gặp người lang thang xin ăn ở mọi nơi, mọi lúc trên địa bàn TP.
Giải quyết người lang thang xin ăn - Cần giải pháp căn cơ

Theo Quyết định 2606/QĐ-UB (QĐ2606) ngày 27-5-2009 của UBND TPHCM, đến cuối năm 2010, thành phố phải giải quyết cơ bản tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Tuy nhiên, đến nay - giữa năm 2011 - chúng ta vẫn bắt gặp người lang thang xin ăn ở mọi nơi, mọi lúc trên địa bàn TP.

  • Giảm một số nơi, phức tạp nhiều nơi

Thực tế, theo ghi nhận, những “điểm nóng” được thống kê trước đây đã giảm hẳn. Người xin ăn không đi thành từng tốp 3-4 người hoặc nằm vạ ven đường như trước, tuy nhiên phương thức lại được thay đổi.

Tại cây xăng góc đường Nguyễn Trãi – Nguyễn Văn Cừ, khu vực giáp ranh quận 1 – quận 5, ban ngày thường có một nữ thanh niên da ngăm ngăm, vẻ mặt cau có, lì lợm và đau khổ, tay trái đeo vòng đá xanh, mang nón vải màu vàng xin tiền; ban đêm, một bà già dắt theo một em nhỏ giả dạng bán vé số để xin tiền khách đến đây đổ xăng.

Kịch bản “xin tiền đổ xăng” thường diễn ra ở khu vực quận 5 TPHCM.

Kịch bản “xin tiền đổ xăng” thường diễn ra ở khu vực quận 5 TPHCM.

Ở chân cầu Nguyễn Văn Cừ hay khu vực những tiệm photo gần ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, thỉnh thoảng vẫn có các em bé lượn lờ xin tiền. Tương tự, tại Công viên 23-9 (quận 1), gần 21 giờ mỗi ngày, một phụ nữ gầy còm, đen đúa đội nón vải rộng vành che kín gần cả khuôn mặt thường nhắm đến các cặp tình nhân trò chuyện tại khu vực trong và ngoài công viên.

Trong khi đó, hầu hết các khu vực khác, khắp nội - ngoại thành, lượng người lang thang xin ăn vẫn nhiều. Tại chùa Việt Nam Quốc Tự (đường 3-2, quận 10), mới tờ mờ sáng, một nhóm người lang thang đã kéo về đây. Một thanh niên với cánh tay trái khòng khoèo, miệng toe toét cười làm thân để lộ hàm răng lỉa chỉa vài cái rồi năn nỉ ỉ ôi xin khách vãn chùa bố thí.

Gần đó, một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, mắt líp díp như bị mù, tay cầm lon nhựa giơ qua giơ lại khi “thấy” khách đến viếng chùa. Cách đó không xa, một phụ nữ chống nạng, dù vẫn đi đứng bình thường, chĩa chiếc rổ nhựa màu đỏ về phía các “thí chủ” xin tiền.

Với kịch bản “xin tiền đi xe về quê ở Tây Ninh”, ở bến xe An Sương (huyện Hóc Môn), một nam thanh niên tóc chẻ ngôi giữa, mặt hốc hác, áo sơ mi rách vai, quần tây xoăn ống cao ống thấp thường xuyên xuất hiện tại đây xin tiền khách đi xe. Sau đó, anh ta nhảy hẳn lên xe buýt (tuyến Bến xe An Sương – Bến xe Củ Chi), tiếp tục khều vai các hành khách trên xe xin tiền. Gom tiền được một lượt của hành khách trên xe, anh ta liền xuống xe, đón tuyến xe buýt ngược lại về Bến xe An Sương, tiếp tục kịch bản cũ!

Còn với kịch bản “xin tiền đổ xăng”, một nam thanh niên dong dỏng, quần áo bám nhiều tầng dầu nhớt, dắt chiếc xe Honda đời cũ, biển số đục lỗ chỗ thường “hành nghề” từ trưa đến chiều tối mỗi ngày ở các cây xăng nằm góc đường Lý Thường Kiệt – Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Chí Thanh – Ngô Quyền!

Còn trên cầu Chữ Y (quận 5, quận 8), hàng đêm, thường có một người đàn ông trung niên, tay trái băng trắng, tay phải cầm nón vải và cách chừng 10 bước chân là một phụ nữ chít khăn mỏ quạ giơ nón lá chờ khách đi đường dừng lại cho tiền.

Tại ngã tư 3-2 – Lê Đại Hành (quận 11) thường có một thanh niên chân tay co quắp túc trực; đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2) là một cặp già - trẻ vừa đánh đàn vừa xin tiền…

  • “Chiến đấu” dài hơi

Phải công tâm nhìn nhận, thời gian qua, đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động người dân TPHCM không cho tiền, tránh vô tình tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng xin ăn để trục lợi, Sở LĐTB-XH TPHCM đã có nhiều cách làm rốt ráo nhằm giải quyết tình trạng trên.

Mỗi năm, Sở LĐTB-XH TPHCM tập trung khoảng 3.500 lượt người (chủ yếu từ các tỉnh, thành khác) lang thang xin ăn ở TP vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Sở LĐTB-XH). Sau khi tập trung 3 tháng (hoặc 6 tháng đối với người tái lang thang), khoảng 2.000 người có gia đình bảo lãnh sẽ được hồi gia. Còn lại, sở phân loại (người già, tàn tật, trả em…) đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để tổ chức chăm sóc, dạy văn hóa, dạy nghề…

Người lang thang ăn xin vẫn còn nhiều tại TPHCM.

Người lang thang ăn xin vẫn còn nhiều tại TPHCM.

Mỗi khi nhận được phản ánh của người dân có người lang thang xin ăn qua đường dây nóng 083.5533258, Sở hoặc Phòng LĐTB-XH đều cử tổ công tác nhanh chóng xác minh, tập trung. Nhiều trường hợp nằm thiêm thiếp lề đường xin tiền chữa bệnh, cán bộ LĐTB-XH đưa vào bệnh viện để “chữa bệnh”, ai có bệnh thật thì nằm điều trị, đồng thời làm rõ những người giả bệnh để xin ăn. Quyết tâm trên còn được thể hiện qua việc tập trung người lang thang xin ăn được coi là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của quận, huyện.

Tuy nhiên, dường như chừng đó vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng này. Thời gian qua, ngành LĐTB-XH chỉ mới giải quyết được phần nào bề nổi – tập trung người lang thang xin ăn – chứ chưa phối hợp với các ban, ngành để bóc gỡ được các đường dây chăn dắt người ăn xin từ các tỉnh, thành đưa vào TPHCM.

Hiện nay, các tỉnh thành khác chưa có các chính sách hỗ trợ các gia đình khó khăn, có nguy cơ dẫn tới lang thang xin ăn hay chưa có hệ thống trung tâm bảo trợ xã hội để tiếp nhận các đối tượng lang thang nên một phần những người đã hồi gia về các địa phương lại tiếp tục trở lại TP “hành nghề”. Điều đó đồng nghĩa, việc một mình TPHCM nỗ lực để ngăn chặn hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” là không xuể!  

HỒNG NHUNG – ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục