Đi 1km mất 30 phút
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, dự kiến cả năm 2018 địa phương sẽ đón khoảng 6,5 triệu lượt du khách lưu trú. Để phục vụ hoạt động du lịch, hàng ngày có rất nhiều người từ các vùng ven đổ dồn về trung tâm TP Nha Trang.
Bên cạnh đó, rất nhiều ô tô chuyên chở khách đổ vào thành phố, khiến mọi nẻo đường đều kẹt cứng. Con đường ven biển Trần Phú là một trong những tuyến đường đẹp nhất nước, nhưng thường xuyên bị kẹt xe, vào giờ cao điểm, để đi hết 1km đường phải mất khoảng 30 phút.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho rằng nạn kẹt xe ở TP Nha Trang là hậu quả tất yếu của đô thị nén, với nhiều công trình cao tầng có mật độ xây dựng cao, dày đặc, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông lạc hậu, nhỏ hẹp.
Còn ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, phân tích: “Nạn ùn tắc giao thông đang là vấn đề bức xúc ở TP Nha Trang, nguyên nhân chủ yếu là lượng du khách đến Nha Trang tăng đột biến, chủ yếu dồn về phía ven biển. Ngoài ra, hệ thống giao thông cũ, đường chủ yếu là 2 làn hỗn hợp; quỹ đất cho giao thông quá thấp - chỉ 8%, trong khi tỷ trọng chuẩn phải 20% - 23%. Mỗi ngày Nha Trang phải tiếp nhận khoảng 1.800 xe từ 30 chỗ ngồi trở lên, khoảng 2.000 xe dưới 29 chỗ ngồi, hàng ngàn taxi, chưa tính các xe từ các địa phương khác đổ về”.
Bê tông vượt quá quy hoạch
Hiện TP Nha Trang có 131 cao ốc, 26 chung cư trên 5 tầng đã đi vào sử dụng, còn hàng loạt các dự án khác vẫn đang tiếp tục xây dựng. Theo ông Nguyễn Văn Dần, để giải quyết tình trạng kẹt xe, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh ủy quyền cho TP Nha Trang tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông, cắm biển cấm dừng đậu, đường một chiều…
Trước mắt, Sở GTVT không cho phát triển thêm taxi và quản lý chặt chẽ các loại hình vận tải, đặc biệt là xe khách. Về lâu dài, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như đường vành đai 2, nút giao thông Ngọc Hội, các nút giao và đường kết nối khu vực sân bay Nha Trang cũ.
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nạn kẹt xe là điều tất yếu của một đô thị nén. Để đáp ứng lượng du khách tăng cao, hàng loạt khách sạn cao tầng ra đời, đặc biệt hàng loạt dự án căn hộ du lịch đang tiếp tục được xây dựng.
Mỗi dự án có hàng trăm đến hàng ngàn căn hộ, sẽ kéo theo nhu cầu đi lại, ăn uống, vệ sinh, môi trường, học tập… tất cả dồn hết về trung tâm, sẽ khiến TP Nha Trang ngày càng ngột ngạt.
Mật độ xây dựng ở các dự án cao tầng này quá cao, trong khi theo quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9-2012, chiều cao xây dựng khu đô thị ven biển ở Nha Trang tối đa 40 tầng và mật độ xây dựng khoảng 40%.
Nếu tính về mật độ xây dựng thì hàng loạt các dự án cao ốc ở Nha Trang đều vi phạm. Dự án Napoleon Castle Nha Trang đang được xây dựng có diện tích gần 3.000m2 (đường Nguyễn Đình Chiểu) với quy mô 40 tầng, 824 căn hộ, mật độ xây dựng lên đến 63,67%.
Dự án căn hộ chung cư Hud Building Nha Trang (số 4 Nguyễn Thiện Thuật) diện tích 3.753m2, 490 căn hộ, mật độ xây dựng 51%. Dự án Gold Coast (số 1 Trần Hưng Đạo) diện tích 7.388m2, 920 căn hộ, mật độ xây dựng đến 60%.
Dự án Mường Thanh Viễn Triều với 6 khối nhà cao 40 tầng trên diện tích 2,2ha, mỗi khối nhà khoảng 700 căn hộ, dù chỉ mới đưa vào sử dụng khoảng 1.000 căn hộ, nhưng giao thông tại đây đã liên tục ùn tắc.
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa buộc phải điều chỉnh thiết kế, bỏ nhiều công trình tại dự án này để đảm bảo mặt thoáng. Tuy nhiên, đó là biện pháp “chữa cháy”, chưa căn cơ.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc nhận xét: “Dự án này chỉ 2,2ha mà xây dựng đến 6 tòa tháp cao 40 tầng là quá khủng khiếp. Chủ đầu tư không quan tâm đến hạ tầng hiện hữu, mật độ dân số khu vực xung quanh; còn cơ quan cấp phép không theo như quy hoạch đã duyệt. Do vậy, kẹt xe, ùn tắc giao thông là đương nhiên”.