Giải thoát 32 người dân tộc thiểu số bị lừa đi lao động trong rừng sâu

Giải thoát 32 người dân tộc thiểu số bị lừa đi lao động trong rừng sâu

(SGGPO).- Ngày 4-10, Công an huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa tìm kiếm, giải thoát và đưa những người dân dân tộc thiểu số Bh’noong của huyện Phước Sơn trở về địa phương sau 6 tháng bị “lừa” vào rừng sâu làm việc trong điều kiện cơ cực. Trong số 33 người này, có một người đã chết do sốt rét rừng và điều kiện sống và lao động quá cơ cực.

Giải thoát 32 người dân tộc thiểu số bị lừa đi lao động trong rừng sâu ảnh 1

Do điều kiện ăn ở, lao động quá cực khổ, đã có 1 người Bh’noong (Phước Sơn) bị chết.

Sau khi được giải thoát trở về, anh Hồ Văn Chân (1964) kể: Cách đây 6 tháng, thông qua ông Hồ Văn Xia - Trưởng thôn 4, xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn), ông Đỗ Ngọc Lân (1966, trú tại Đăk Tô, Kom Tum) đến tuyển người dân thôn 4, xã Phước Chánh đi trồng keo tại tỉnh Đăk Nông, với mức lương thỏa thuận từ 1,8 triệu đến 2,1 triệu/tháng/người và lo cơm ăn ngày ba buổi.

“Do tin vào người được Trưởng thôn giới thiệu, chúng tôi lên đường, trong lần đi này có khoảng 45 người của các thôn 2, thôn 3 và thôn 4 xã Phước Chánh. Xe đưa chúng tôi đi hơn 2 ngày, 1 đêm mới đến xã Đăk R’măng. Từ đây, chúng tôi đi bộ thêm 4 tiếng đồng hồ mới đến một khu vực rừng rậm, cả đoàn dừng chân, làm lán trại để ở. Nhưng làm được mấy tháng mà họ vẫn không trả lương, hỏi thì họ trả lời qua loa lấy lệ rồi bỏ đi” – anh Chân cho biết.

Chị Hồ Thị Bông (1992, thôn 4, xã Phước Chánh), nói thêm: “Không trả lương mà công việc họ giao cho chúng tôi làm rất nặng nhọc, ở thì trong những lán trại thấp lè tè, lúc mưa tạt, lúc nắng nóng. Còn ăn uống thì toàn cá khô và măng rừng, hiếm lắm mới có bữa thịt. Khu này cách biệt hoàn toàn với khu dân cư nên nhu cầu mua sắm các đồ dùng cá nhân, thuốc men, khám chữa bệnh hoàn toàn không có trong hơn 6 tháng chúng tôi ở đây”. 

Do sống tách biệt với dân cư, không có phương tiện thông tin liên lạc, hầu hết những người dân của Phước Sơn “mất” liên lạc hoàn toàn với gia đình. Giữa tháng 9-2010, sau khi nhận được thông tin có nhiều người dân xã Phước Chánh “mất tích”, UBND xã Phước Chánh có văn bản báo cáo lên huyện Phước Sơn. Ngay sau đó, UBND huyện Phước Sơn giao cho Công an huyện thành lập tổ điều tra đi xác minh và tìm kiếm tung tích của người dân. Trung úy Nguyễn Anh Chiến – Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Phước Sơn, cho biết: Ngay sau khi xác định được chỗ ở và nơi làm việc của số người dân bị cho là mất tích, chúng tôi đã lên kế hoạch đưa người dân trở về.  Những người này đã rất mừng rỡ khi thấy sự xuất hiện của công an huyện.

Ngày 28-9, Công an huyện Phước Sơn đã làm việc với với ông Đỗ Ngọc Lân – người đứng ra thuê những người dân Phước Sơn đi lao động trồng keo tại đây. Ông Lân cho biết, ông cùng với vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Nga (1965), đều trú tại huyện Đăk Tô, Kom Tum nhận hợp đồng với xí nghiệp nguyên liệu giấy Đăk Lăk về phát triển vùng nguyên liệu, nên ông và bà Nga đã nhiều lần đến xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn) để tuyển lao động làm việc tại xã Đăk R’măng (huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông).

Cũng trong ngày 28-9, nhận thấy tình hình sức khỏe của anh Hồ Văn Chương (1978, trú thôn 3, xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn) bị bệnh nặng và có phần xấu đi, Công an huyện Phước Sơn yêu cầu chuyển ra trạm xá xã Đăk Glong để cấp cứu. Tuy nhiên, anh Chương đã tử vong do sốt rét rừng lâu ngày cộng với điều kiện ăn uống kham khổ, lao động cực nhọc. Nghe thông tin Hồ Văn Chương chết, ông Đỗ Ngọc Lân đã bỏ trốn.

Ngay sau đó, Công an huyện Phước Sơn đã thuê hai xe khách để đưa 32 công dân Phước Sơn cùng thi thể anh Hồ Văn Chương về quê.

Hiện Công an huyện Phước Sơn đang tiếp tục điều tra, hoàn thành hồ sơ chuyển lên UBND huyện Phước Sơn tìm hướng xử lý.

Nguyên Khôi - Tấn Sỹ

Tin cùng chuyên mục