Giải thưởng Sáng chế 2014 (do Bộ KH-CN phối hợp Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO, các sở KH-CN Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng tổ chức) đã bước vào vòng chung khảo với 15 sản phẩm.
Đây là các kết quả sáng tạo được bảo hộ sáng chế (gọi chung là giải pháp kỹ thuật) thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật có thời điểm tạo ra lần đầu hoặc lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam sau ngày 31-12-2008 và chưa đăng ký cuộc thi sáng chế năm 2013.
Theo đánh giá của ban giám khảo, các sáng chế năm nay thể hiện sự chăm chút tỉ mỉ của các nhà nghiên cứu và đặc biệt, một số sáng chế xuất phát từ nhu cầu thực tế, không bỏ ra quá nhiều vốn nhưng đã và đang được ứng dụng tại doanh nghiệp hoặc địa phương của nhà nghiên cứu. Tiêu biểu như chiếc xe điện 4 bánh tự chế, chống lật cho người khuyết tật của nhà sáng chế trẻ Mai Sỹ Lâm, hiện đang sinh sống tại TPHCM. Hệ thống lái đặc biệt với 3 bánh trước cùng 4 cặp phuộc được thiết kế chính xác giúp xe ổn định khi vào cua, lên dốc hoặc qua những đoạn đường xấu. Xe còn có thể vận hành tốt với 3 bánh dưới lòng đường và 1 bánh bên hông trên vỉa hè, điều mà một số xe 3 và 4 bánh khác khó có thể làm được. Xe còn trang bị cả số lùi nên rất tiện dụng cho người sử dụng. Hiện một số khách hàng là người khuyết tật đã đặt mua và sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Trong khi đó, nhận thấy máy rửa chén, bát trên thị trường chủ yếu là hàng nhập khẩu với giá đắt đỏ, nhà sáng chế Trần Đình Huân, vốn xuất thân là một nhà giáo, đã sáng chế ra máy rửa chén bát sử dụng nguồn nước được đun nóng từ năng lượng mặt trời. Với nguyên lý sử dụng sức mạnh nước như tuốc-bin trong động cơ, dụng cụ được xếp vào máy đúng vị trí thiết kế, sẽ được tia nước với áp lực cao phun đúng vào vị trí chén, đĩa để trong giá quay. Sức mạnh của tia nước cùng với nước nóng sẽ làm sạch thức ăn, dầu mỡ, đồng thời thanh trùng chén, đĩa. Với giá bán cạnh tranh khoảng 5 - 6 triệu đồng/chiếc, hiện máy rửa chén, đĩa của anh Huân đã có mặt trong nhiều gia đình từ Gia Lai cho đến TPHCM.
Ngoài ra, các sáng chế khác như Hệ thống may bao tự động dùng PLC điều khiển của tác giả Đinh Phú Hiệp (An Giang); phương pháp sản xuất tấm chắn rác bằng bê tông tính năng cao của tác giả Nguyễn Biên Cương (Đà Nẵng); hay như sáng chế thiết bị cung cấp khí phụ của tác giả Nguyễn Văn Vĩnh (Long An)… cũng đã được đưa vào ứng dụng thực tế, thu lợi hàng chục triệu đồng cho các tác giả.
Theo ông Phan Minh Tân, nguyên Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, thành viên ban giám khảo giải thưởng, đánh giá 15 sáng chế có mặt tại vòng chung khảo đều có tính mới và có khả năng ứng dụng vào thực tế. Việc tham gia cuộc thi không chỉ là cơ hội để thể hiện năng lực sáng chế của chính tổ chức và cá nhân đó mà còn là cơ hội để quảng bá giải pháp kỹ thuật kết nối các cơ hội kinh doanh với các nhà đầu tư tiềm năng. Được biết, đây là lần thứ 2 một cuộc thi sáng chế được tổ chức và lần này được tổ chức quy mô toàn quốc…
TƯỜNG HÂN