Cô giáo Phan Thị Kim Tuyến, Trường Tiểu học An Lạc 1, quận Bình Tân:
Dạy học là hạnh phúc đời người
Hơn 18 năm đứng trên bục giảng cũng là ngần ấy thời gian cô giáo Phan Thị Kim Tuyến, Khối trưởng Khối 2, Trường Tiểu học An Lạc 1, quận Bình Tân, TPHCM, không ngừng học hỏi, say mê trong sáng tạo phương pháp dạy học và đã đạt được nhiều thành công về chuyên môn.
Tha thiết với nghề
“Ngay từ thời còn đi học, tôi đã mơ ước được đứng trên bục giảng trong tà áo dài thướt tha để truyền đạt những kinh nghiệm của bản thân tới các em học sinh sau này”, cô giáo Kim Tuyến vui vẻ mở đầu câu chuyện. Và không chỉ ước mơ, một nguyên nhân khác khiến nữ sinh Kim Tuyến ngày ấy thêm khát khao được trở thành người kỹ sư tâm hồn đó là sự kính trọng, tình cảm quý mến đặc biệt dành cho người thầy của mình. Đó là thầy Chu, dạy môn Lý thời Tuyến học cấp 2. Ngày đó thầy ngày ngày vẫn đến trường bằng chiếc xe đạp cọc cạch, bất chấp đường xa, nắng mưa vẫn không bỏ buổi dạy nào.
“Thầy rất yêu thương học trò, dạy học bằng tất cả tình thương và trách nhiệm. Mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, thầy nghiêm khắc nhưng độ lượng, tận tình khuyên răn, chỉ bảo những khuyết điểm. Đó là tất cả những đức tính cao đẹp của người thầy. Vậy nên tôi đã nguyện với lòng sẽ đi theo nghề giáo”, cô Kim Tuyến xúc động chia sẻ.
Năm 1995, sau khi nhận bằng tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục tiểu học Trường Trung học Sư phạm TPHCM, cô giáo trẻ Phan Thị Kim Tuyến nhận công tác tại Trường Tiểu học Cầu Xáng, huyện Bình Chánh. Đến năm 2003, vì lý do riêng cô xin chuyển về dạy tại Trường Tiểu học An Lạc 1 và gắn bó với ngôi trường này suốt từ đó đến nay.
Trải qua hơn 18 năm dạy học ở 2 ngôi trường, cô giáo Kim Tuyến đã để lại trong lòng đồng nghiệp, học sinh hình ảnh một cô giáo tận tâm với học trò, trách nhiệm với nghề. Và chính sự tận tâm đó đã giúp cô Kim Tuyến nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi tại các hội thi nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm.
Sáng tạo, tư duy mở trong dạy học
Hơn 18 năm đứng trên bục giảng cũng là ngần ấy thời gian cô giáo Kim Tuyến không ngừng học hỏi, say mê trong sáng tạo phương pháp dạy học và đạt được những thành công nhất định trong chuyên môn. Điển hình như các đề tài sáng kiến kinh nghiệm: dạy học theo hướng cá thể hóa, một số biện pháp giúp học sinh thích đi học, một số biện pháp giúp học sinh học tốt môn chính tả. Cô Kim Tuyến lý giải: “Dạy học theo hướng cá thể hóa, học sinh sẽ được phân loại như linh hoạt, kém linh hoạt trong vận động; khả năng tiếp thu chậm hay nhanh. Nắm được điểm yếu, điểm mạnh của học sinh, người thầy sẽ dễ dàng tìm ra phương pháp dạy học thích hợp. Nếu học sinh tiếp thu tốt bài giảng, tư duy cao trong bài làm thì thầy cô giáo có thể cho thêm nhiều bài tập nâng cao; còn học sinh chậm tiếp thu thì cho ít bài tập lại, giảng giải thật cặn kẽ để các em hiểu vấn đề cơ bản của bài học. Tôi luôn kết hợp giữa học và chơi hài hòa, tạo không khí sinh động nên các em đều học tốt, phụ huynh rất phấn khởi. Cần tạo cho các em thật thoải mái, không áp lực là các em yếu cũng sẽ dần tiến bộ”.
Cô giáo Kim Tuyến nhớ lại rằng chính những sáng kiến nho nhỏ nhưng hiệu quả trong phương pháp dạy học của mình mà lớp học thuộc dạng yếu kém, cá biệt thời cô còn dạy tại Trường Tiểu học Cầu Xáng, không những cuối năm thi lên lớp đạt 100% mà còn “ẵm” luôn giải nhất khối 3 tại Hội thi đố em của trường.
Ngoài việc sáng tạo, yêu nghề, cô Phan Thị Kim Tuyến còn nổi bật trong ngành giáo dục TPHCM với thành tích giáo viên có nhiều học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” cấp trường, quận, thành phố suốt nhiều năm liền. Cũng ít ai biết rằng dù rất bận rộn với công việc dạy học, chăm sóc gia đình nhưng cô Kim Tuyến vẫn dành thời gian tham gia công tác từ thiện xã hội như làm tình nguyện viên phát cơm từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, các khu dân cư lao động nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bình Chánh; cùng tham gia và vận động bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ vật chất (quần áo, sách vở, bút viết), trợ cấp cho học sinh nghèo để các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học tập tốt, không phải nghỉ học giữa chừng.
Chia sẻ niềm vui lớn trong cuộc đời đi dạy của mình, cô giáo Kim Tuyến xúc động nói: “Tôi rất vinh dự khi được đề cử nhận giải thưởng cao quý Võ Trường Toản. Đây là giải thưởng mà bất kỳ người giáo viên nào cũng mơ ước đạt được. Nhân đây tôi cũng xin nhắn nhủ với các thầy cô giáo trẻ hãy tiếp tục phấn đấu và rèn luyện, hãy thương yêu học trò và cống hiến hết những khả năng của mình cho nền giáo dục, chắc chắn một ngày không xa các bạn cũng sẽ nhận lại một điều gì đó xứng đáng với công sức của mình. Và lời nhắn nhủ tới các em học sinh thân yêu là các em hãy luôn là chính mình, hãy tự tin bộc lộ những cảm xúc, tâm tư tình cảm, nguyện vọng, để những người giáo viên như chúng tôi có thể hiểu được và chia sẻ những khó khăn mà các em đang gặp phải, để có thể cùng đồng hành với các em đi đến cuối chặng đường học tập của mình”.
MAI NGUYỄN
Cô giáo Lê Thị Nguyệt, Trường Mầm non Hoa Hồng, quận Tân Phú:
Nốt nhạc thăng hoa tâm hồn trẻ thơ
Chúng tôi đến thăm Trường Mầm non Hoa Hồng ở quận Tân Phú, TPHCM vào một ngày của tháng 11 tràn đầy ý nghĩa đối với những người làm công tác giáo dục. Trên một khoảnh vườn nhỏ xinh ở góc sân thượng của trường, cô Lê Thị Nguyệt đang tỉ mỉ hướng dẫn cho các học trò nhỏ của mình cách chăm sóc cây rau.
Nhiệt huyết và bền bỉ với nghề
Cô Nguyệt bắt đầu chuyện nghề của mình bằng kỷ niệm những ngày đầu đứng lớp. Ngày ấy, cô được phân công về dạy ở Trường Mầm non Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM). Dạo ấy, khu phố này là xóm lao động nghèo, đất nước lại vừa mới thống nhất, bao gian khó chồng chất, cô và các đồng nghiệp phải tự mày mò, làm dụng cụ giảng dạy minh họa cho các bé. Những ngày đầu đi dạy, vẫn biết học trò của mình toàn các bé nhưng cô giáo trẻ ngày ấy cũng không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng, nào là lo các bé không thương mình, lo mình không đủ khả năng quản được lớp...
“Sau một thời gian, thấy các bé thích quấn quít bên cô giáo, phụ huynh lại quý mến, tôi biết những cố gắng của mình đã được đền đáp. Đời người giáo viên mầm non, có lẽ đó là điều hạnh phúc nhất”, cô Nguyệt kể. Hơn nửa đời người gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, áp lực không nhỏ nhưng niềm vui khi được nghe các trò nhỏ trìu mến gọi tên cô vẫn không gì thay đổi.
Cô giáo Nguyệt tâm sự: “Làm nghề này ngoài tình thương với con trẻ, còn phải có sự bình tĩnh và nhẫn nại. Lắm lúc cô nói khan cổ rồi mà trò vẫn bướng, không chịu nghe lời, tôi và đồng nghiệp của mình bực mình, giận ghê lắm. Nhưng rồi lại nghĩ mình nóng giận lúc này chẳng khác nào làm gương xấu cho trẻ. Vậy là phải cố gắng bình tĩnh lại, dạy dỗ học trò từng chút một, đến khi các em khoanh tay thỏ thẻ xin lỗi cô, cũng là lúc cơn giận của mình bay đi đâu hết, lại thấy bọn trẻ đáng yêu biết nhường nào”.
Nắn nót nốt nhạc dạy trẻ
Đến Trường Mầm non Hoa Hồng, nhiều phụ huynh ngạc nhiên khi nghe các bé ở đây biểu diễn những bài hát “lạ”. Nói lạ bởi trước đó họ chưa bao giờ nghe thấy ở đâu cả, bởi những ca từ tuy đơn giản, dễ thuộc nhưng lại vô cùng ý nghĩa với các bé trong những năm tháng đầu đời. Trò chuyện cùng chúng tôi, cô Trần Thị Năm, Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ niềm tự hào khi giới thiệu cô Lê Thị Nguyệt, tác giả của những bài hát trên, như một nhạc sĩ của trường. Xuất phát từ mong muốn truyền tải đến các bé những bài học về cuộc sống xung quanh sao cho đơn giản, dễ nhớ, phù hợp với độ tuổi các bé nhất, vậy là những bài hát như Ăn gì để lớn, Cơ thể của tôi, Trời nắng, trời mưa… cứ lần lượt ra đời.
Ít ai biết rằng những bài hát ấy được cô sáng tác ngay trong những giờ dạy của mình. 34 năm đứng lớp, biết bao thế hệ học trò đã lớn lên cùng những giai điệu của cô. Nhìn cô say sưa bắt nhịp hát cho các cô cậu học trò nhỏ xinh xắn, nghịch ngợm của mình, chúng ta mới thấy hết được tấm lòng của một người yêu trẻ. Cô Nguyệt chia sẻ: “Hầu hết quỹ thời gian trong ngày, tôi đều dành cho các học trò nhỏ ở trường. Nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, tôi không thể toàn tâm hoàn thành tốt công việc được.”. Một điều thú vị là bố mẹ và chị em của cô giáo Nguyệt đều làm trong ngành giáo dục. Có lẽ vì vậy mà tình yêu nghề của cô giáo Lê Thị Nguyệt càng được thêm hun đúc.
BẢO UYÊN