Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, TPHCM sẽ đột phá như thế nào để sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng cao cho TP thời kỳ hội nhập sâu với quốc tế? Nhân dịp đầu xuân Giáp Ngọ 2014, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM xung quanh vấn đề này.
° Phóng viên: Thưa ông, trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cấp bách đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, TPHCM xác định các giải pháp chiến lược, quan trọng nào để tạo sự đột phá, sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống?
° Ông LÊ HỒNG SƠN: Đón nhận nội dung, tinh thần Nghị quyết số 29/NQ/TW của Trung ương sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa 11, ngành GD-ĐT TPHCM vui mừng nhưng cũng nhận thấy nhiệm vụ này vô cùng quan trọng, nhiều thách thức. Để đưa nội dung nghị quyết vào cuộc sống, Thành ủy, UBND TPHCM không chỉ ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí lớn mà còn chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể từng năm 2014, 2015 và những năm tiếp theo những công việc phải làm để tạo sự chuyển biến, đột phá trong sự nghiệp phát triển giáo dục của TP.
Từ đòn bẩy cơ chế đặc thù, TPHCM sẽ tiếp tục tập trung đầu tư mạnh hơn cho các đề án nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường sư phạm thực thụ, chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân lực ngành giáo dục… Để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với môi trường lao động đa văn hóa, hội nhập quốc tế, ngành GD-ĐT TP chú trọng trang bị kiến thức nền tảng, kỹ năng ngoại ngữ, tin học cần thiết cho học sinh phổ thông.
° Với cơ chế đặc thù, TPHCM ưu tiên đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đã tạo được dấu ấn như thế nào?
° TPHCM tiếp tục ưu tiên nguồn ngân sách cho các đề án phát triển giáo dục bền vững, tiếp cận chuẩn giáo dục tiên tiến trên thế giới. Trước tiên, đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp quy mô, tạo môi trường học đường khang trang nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho trẻ em ở độ tuổi đi học đến phổ thông, giảm dần sĩ số lớp học. Cụ thể, năm 2014, TPHCM sẽ xây thêm trên 2.000 phòng học, năm 2015: trên 4.000 phòng học. Xác định 2 môn ngoại ngữ và tin học là quan trọng - chìa khóa dẫn đến thành công cho giới trẻ thời hội nhập quốc tế, TPHCM đã đầu tư nguồn kinh phí lớn cho đề án nâng cao trình độ ngoại ngữ đến năm 2020. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TPHCM sắp trình Thành ủy, UBND TP đề án về chiến lược phát triển công nghệ thông tin toàn ngành.
Chúng tôi có thể tự hào là địa phương đi đầu trong việc áp dụng các chuẩn tiên tiến của quốc tế để đánh giá trình độ, kiến thức về ngoại ngữ, tin học cho học sinh. Không những thế, TPHCM cũng tiên phong trong việc áp dụng mô hình trường tiên tiến hội nhập quốc tế, đầu tư trang thiết bị trường học theo hướng hiện đại hóa. Ngoài kết nối internet, dạy học bằng giáo trình điện tử, nhiều trường đã trang bị màn hình 3D, bảng tương tác thông minh… Đây cũng là bước đổi mới mang tính đột phá của TPHCM. Trên tinh thần đổi mới giáo dục, thấy những gì tốt nhất có thể làm được để cải thiện môi trường dạy và học theo hướng tiên tiến, hiện đại thì TPHCM đều nghiên cứu, áp dụng ngay. Bởi lẽ chậm trễ một ngày là lạc hậu, thiệt thòi cho học sinh.
° Bước vào “trận đánh lớn” do Bộ GD-ĐT chủ trì, điều gì khiến ông trăn trở nhất?
° Theo tôi, vấn đề cốt lõi của đổi mới giáo dục - đào tạo chính là cải tiến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy. Và để đi đến đích thành công, vai trò người thầy là then chốt, quyết định thành bại. Vì thế, trăn trở lớn nhất của tôi là đội ngũ nhân lực ngành giáo dục, từ cán bộ quản lý đến đội ngũ giáo viên, các chức danh khác trong nhà trường như giáo viên tư vấn học đường, giám thị, nhân viên thư viện… chưa đáp ứng yêu cầu tiên phong, đổi mới giáo dục. Điều này bắt nguồn từ việc đào tạo ngành sư phạm của “cỗ máy cái” còn nhiều bất cập, chưa sát yêu cầu thực tiễn, kiến thức và phương pháp đào tạo giáo viên lạc hậu…
Tuy ở TPHCM có nhiều giáo viên đã chủ động nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền đạt kiến thức tốt hơn, kích thích học sinh học tập say mê hơn nhưng số này cũng chưa nhiều. Về đội ngũ cán bộ quản lý - đầu tàu kéo con tàu đổi mới giáo dục ở TP, dù có nhiều chuyển biến, được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhưng cũng chưa đạt yêu cầu cao. Đây là cái khó và TP còn thiếu giải pháp căn cơ để tạo sự đột phá đúng nghĩa.
° Với vai trò tham mưu, ngành GD-ĐT TPHCM đề xuất giải pháp cải thiện thu nhập, đời sống giáo viên ra sao để họ yên tâm, dành hết tâm huyết cho nghề?
° Đây là vấn đề nan giải và ngành GD-ĐT TP đang tham mưu cho UBND TP các giải pháp nhằm cải tiện thu nhập, tăng phụ cấp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của ngành. Cụ thể, ngoài nguồn ngân sách, TP sẽ có thêm chính sách hỗ trợ cho giáo viên, thực hiện cơ chế xã hội hóa để tạo thêm nguồn thu cho nhà trường. Trước mắt, Sở GD-ĐT TP đã tham mưu để TP thực hiện ngay chính sách cải thiện tiền lương cho giáo viên từ bậc mầm non, tiểu học và tiếp theo là những bậc học khác nhằm đảm bảo lương, thu nhập đủ sống, yên tâm gắn bó với nghề.
Theo tôi việc đầu tư cho trường lớp, giảm sĩ số lớp học, nâng cao chất lượng và cải thiện thu nhập cho đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển năng lực cá nhân của học sinh… là những việc cần làm ngay để đưa nội dung nghị quyết đổi mới giáo dục vào cuộc sống, tạo bước đột phá trong phát triển sự nghiệp giáo dục của TPHCM
Khánh Bình