Là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, TPHCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho ngân sách quốc gia cao nhất Việt Nam, trở thành đầu mối giao lưu quốc tế, là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, đi cùng với tốc độ phát triển kinh tế, TPHCM cũng tiêu thụ một khối lượng khổng lồ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, đồng thời thải vào môi trường một lượng tương ứng các loại chất thải, trong đó có cả các chất gây “hiệu ứng nhà kính” (gọi tắt là các “khí nhà kính” -KNK). Đặc biệt, điện năng là lĩnh vực quan trọng nhất cho mọi hoạt động của đô thị và qua đó cũng phát thải KNK nhiều nhất.
Phát thải 28 triệu tấn CO2/năm do sử dụng điện
Theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM, từ năm 2010 đến năm 2013, TPHCM tiêu thụ trung bình khoảng 17 tỷ kWh/năm và phát thải trung bình khoảng 8,2 triệu tấn CO2/năm thông qua các hoạt động tiêu thụ điện năng. Theo quy hoạch phát triển điện lực TPHCM giai đoạn đến 2015 có xét tới 2020, nhu cầu điện năng thương phẩm bình quân đầu người năm 2015 là 3.130 kWh/người. Năm 2020 là 4.395 kWh/người. Và theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 thì nhu cầu điện năng thương phẩm bình quân đầu người năm 2025 là 5.000 kWh/người. Thông qua các thông số quy hoạch về nhu cầu điện năng, kết hợp với số liệu về mục tiêu phát triển dân số trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM và giả sử kịch bản phát triển bình thường với tỷ lệ thất thoát điện năng cố định là 4,96% (như năm 2013), có thể ước tính được lượng điện thương phẩm tương ứng với các năm 2015, 2020 và 2025 là khoảng 27 tỷ kWh/năm, 42,5 tỷ kWh/năm và 52,5 tỷ kWh/năm, tương đương với việc phát thải 14,5 triệu tấn CO2/năm, 23 triệu tấn CO2/năm và 28 triệu tấn CO2/năm. Như vậy, nếu TPHCM không thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong lĩnh vực điện năng thì mức độ phát thải sẽ ngày càng tăng theo nhu cầu tiêu thụ điện và dự báo đến năm 2025 lượng phát thải có thể gấp khoảng 2,5 lần so với năm 2013.
Ba nhóm giải pháp chính để giảm phát thải KNK trong lĩnh vực điện năng là: giảm tỷ lệ thất thoát điện năng; nâng cao hiệu quả sử dụng điện và đẩy mạnh sử dụng các loại năng lượng tái tạo. Đồng thời, thông qua các giải pháp giảm phát thải KNK thì chi phí điện năng cũng có thể được tiết kiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cho các đối tượng tiêu thụ điện.
Nhiều giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả
Sau nhiều năm hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý và tích cực triển khai các giải pháp quản lý năng lượng, TPHCM đã đạt được những kết quả khả quan trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả cung cấp và tiêu thụ điện, qua đó giảm được một lượng đáng kể phát thải KNK. Cụ thể, đối với tình trạng thất thoát điện năng, theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, tỷ lệ tổn thất điện năng đến năm 2015 giảm còn 5,2%, đến năm 2020 còn khoảng 5% và đến năm 2025 còn 4,8%. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tổn thất điện năng của TPHCM đã vượt chỉ tiêu năm 2015 với chỉ 4,96%. Do đó, giả sử tỷ lệ này được giữ đến năm 2015; đồng thời, cứ sau 5 năm thì giảm thêm được 0,2% như trong quy hoạch thì có thể đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2020 là 4,76%, và năm 2025 là 4,56%, tương ứng với việc giảm được khoảng 50.000 tấn CO2 trong năm 2020 và khoảng 124.000 tấn CO2 trong năm 2025 so với kịch bản giữ nguyên mức 4,96%.
Hệ thống đèn chiếu sáng LED tại cầu Thủ Thiêm giúp tiết kiệm điện. Ảnh: HUY ANH
Đối với chương trình năng lượng xanh, trong năm 2013, thông qua các chương trình tiết kiệm điện trong các lĩnh vực hoạt động của đô thị như tiêu dùng dân cư, cơ quan hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng… TPHCM đã tiết kiệm được khoảng 554 triệu kWh, tương đương với việc giảm được khoảng 345.000 tấn CO2/năm. Nếu ước tính theo các mục tiêu quy hoạch trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 và quy hoạch phát triển điện lực TPHCM giai đoạn đến 2015 có xét tới 2020, đồng thời giả sử có thể duy trì lượng điện tiết kiệm tối thiểu ở mức 2% so với sản lượng điện thương phẩm thì ước tính lượng KNK giảm được trong năm 2015 là khoảng 318.000 tấn CO2/năm, năm 2020 khoảng 500.000 tấn CO2/năm và khoảng 620.000 tấn CO2/năm trong năm 2025 so với kịch bản phát triển thông thường.
Một ví dụ điển hình cho các giải pháp tiết kiệm điện là giải pháp thay thế hệ thống đèn chiếu sáng các hẻm nhỏ hiện hữu bằng đèn LED. Theo ước tính, nếu thay thế toàn bộ 160.000 bóng đèn tiêu tốn nhiều điện năng hiện hữu bằng đèn LED thì có thể giảm xấp xỉ 360 tấn CO2. Không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng điện đối với các đối tượng tiêu thụ điện năng, công tác quản lý năng lượng cũng cần thiết trong chính các hoạt động cung cấp điện. Vì vậy, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã đề xuất phương án giảm điện tự dùng tại các trạm biến áp trên địa bàn TPHCM. Theo đó, nếu thực hiện phương án thay thế trang thiết bị để giảm lượng điện tự dùng tại các trạm biến áp thì trong năm 2015 sản lượng điện tự dùng tiết kiệm được dự kiến là xấp xỉ 230.000 kWh so với năm 2014, tương đương với việc giảm được khoảng 142 tấn CO2.
Bên cạnh các giải pháp giảm thất thoát và nâng cao hiệu quả sử dụng điện năng, phát triển các nguồn năng lượng mới cũng có thể đóng góp một phần quan trọng trong việc giảm phát thải KNK. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, tỷ lệ công suất điện từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo khoảng 2% - 3%. Nếu chọn mốc thấp là 2% thì lượng điện sản xuất theo phương pháp truyền thống có thể tiết kiệm trong năm 2020 khoảng 500.000 tấn CO2/năm.
Có rất nhiều giải pháp từ đơn giản đến phức tạp và ở nhiều quy mô khác nhau để giảm phát thải KNK trong lĩnh vực điện năng. Do đó, TPHCM có tiềm năng rất lớn và mục tiêu giảm từ 700.000 đến 1 triệu tấn CO2/năm so với lượng phát thải cơ sở có độ khả thi khá cao đối với điều kiện phát triển của TP. Hơn nữa, giảm phát thải KNK cũng đồng nghĩa với việc cải thiện hiệu quả cung cấp và tiêu thụ điện, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế chứ không đơn thuần là một vấn đề môi trường. Do đó, từng cá nhân, từng đơn vị nên trang bị một hướng tư duy mới trong việc ứng xử với các vấn đề môi trường: lợi ích về môi trường vẫn có thể đi đôi với lợi ích kinh tế.
QUẾ HƯƠNG
(Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM)