Giảm phát thải khí nhà kính: Việt Nam cần hỗ trợ gần 18 tỷ USD

Giảm phát thải khí nhà kính: Việt Nam cần hỗ trợ gần 18 tỷ USD

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo “Đóng góp của Việt Nam cho thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu” diễn ra tại TPHCM ngày 23-10-2015. Để thực hiện các mục tiêu giảm thải khí nhà kính, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam phải giảm khoảng 8% tổng lượng phát thải. Để đạt mục tiêu giảm 25% lượng phát thải trong tương lai, nhu cầu kinh phí để triển khai cần trên 21 tỷ USD.

Chỉ tính phần kinh phí cần thiết để triển khai các dự án nhằm giảm khoảng 8% tổng lượng phát thải vào năm 2030, Việt Nam cần khoảng 3,2 tỷ USD. Nhưng để đạt mức giảm lượng phát thải lên 25%, nguồn kinh phí cần có vào khoảng 21 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam chủ động được khoảng 3,2 tỷ USD; gần 18 tỷ USD còn lại cần sự hỗ trợ từ quốc tế thông qua các hợp tác song phương, đa phương.

Trồng rừng và tái tạo rừng, giúp TPHCM giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: CAO THĂNG

Vừa qua Việt Nam đã gửi báo cáo đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định (INDC) cho Ban thư ký Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu. INDC của Việt Nam gồm hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, xác định lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải so với kịch bản phát triển thông thường. INDC hiện là nhân tố chính để 195 nước cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính, giữ cho trái đất không tăng quá 20C vào cuối thế kỷ, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Vào tháng 12-2015, Việt Nam sẽ tham gia đàm phán về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris (Pháp).

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, thông tin, năm 2010 mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam khoảng 247 triệu tấn CO2 tương đương; dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên khoảng 787 triệu tấn CO2 tương đương. Trong 50 năm qua nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,50C, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai có xu hướng ngày một tăng cả về tần suất lẫn cường độ. Biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt. Số người chết và mất tích do thiên tai bình quân mỗi năm khoảng 500 người, hàng ngàn người bị thương, thiệt hại kinh tế mất khoảng 1,5% GDP cả nước.

Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM: “1/10 TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu”. Theo kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2012, đến năm 2100 nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng từ 2 đến 30C, mực nước biển dâng từ 78 - 100cm. Dự báo, nếu mực nước biển dâng 100cm, trên 20% diện tích của TPHCM có nguy cơ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 7% dân số thành phố.

Nhận định về một số khó khăn trong giai đoạn hiện tại, ông Nguyễn Khắc Hiếu cho rằng, nước ta đang thiếu hụt sự phối hợp liên vùng, liên ngành; thể chế, chính sách chưa hoàn thiện; thiếu cơ chế khuyến khích các thành phần tư nhân cùng tham gia giảm lượng phát thải nhà kính… Do vậy, để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần quan tâm đến nhiều yếu tố. Chẳng hạn như, tăng cường vai trò chủ đạo của nhà nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu; nỗ lực bảo vệ, trồng rừng và tái tạo rừng; nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức; tăng cường hợp tác quốc tế…

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục