Tình trạng sụp lún mặt đường đã trở thành vấn đề nóng trong buổi giám sát tình hình thực hiện nếp sống văn minh mỹ quan đô thị tại Sở GTVT TPHCM của đoàn giám sát Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM vào sáng 26-10.
Cống cũ, cống mới đều sụp
Báo cáo tại buổi làm việc, Sở GTVT TPHCM cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 30 điểm lún sụp mặt đường. ĐB Phạm Hiếu Nghĩa chất vấn: “Tình trạng sụp lún ở một chừng mực nào đó có trách nhiệm của Sở GTVT. Theo tôi cần đánh giá lại vấn đề để kiểm điểm trách nhiệm”.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Trần Thị Ngọc Anh đặt vấn đề: Biện pháp nào để khắc phục tình trạng này? Việc tái lập mặt đường cẩu thả có phải là một trong những nguyên nhân gây sụp lún? Trước hàng loạt câu hỏi đặt ra, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (Trung tâm chống ngập), trả lời khá thẳng thắn: Thật ra, việc sụp lún mặt đường không phải chỉ mới xảy ra bây giờ mà từ nhiều năm trước. Trước đây, sụp lún chỉ do mỗi nguyên nhân tuyến cống cũ mục (khoảng 1/2 số lượng cống thoát nước tại TPHCM cũ mục).
Bây giờ, cống cũ cũng sụp, cống mới cũng sụp! Theo tôi, trách nhiệm cũng đã rõ: sụp lún do ống cống cũ mục trách nhiệm thuộc về Trung tâm chống ngập; trường hợp công trình khi đang thi công bị sụp lún, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát, thiết kế. Giải pháp hiện nay không còn cách nào hơn là phải tăng cường kiểm tra giám sát. Còn nếu cho rằng tái lập mặt đường kém gây sụp lún, e rằng không chính xác”. ĐB Nguyễn Văn Minh đề xuất: Phải xử phạt thật nghiêm, thậm chí rút giấy phép thi công đối với nhà thầu để xảy ra sụp lún để tìm nhà thầu có năng lực thay thế.
Bất cập từ những chuyện nhỏ...
Ở một khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Văn Minh cho rằng: Đường phố hiện nay còn thiếu nhiều biển hướng dẫn giao thông. Tại các khu vực đang thi công có rào chắn, ví dụ như ở quận Tân Phú, đặt biển cấm lưu thông đối với ô tô nhưng lại không có biển hướng dẫn người dân lưu thông theo hướng nào. Những bất cập này cũng góp phần gây nên ùn tắc giao thông. Ngành GTVT phải tăng cường thêm các biển hướng dẫn giao thông, không chỉ ở khu vực thi công có rào chắn mà ở những khu vực thường xuyên bị kẹt xe.
| |
ĐB Nguyễn Văn Minh cũng đặt vấn đề, theo báo cáo Sở GTVT, hiện có 396 đơn vị thi công chưa đóng phạt với số tiền 8,5 tỷ đồng, phải chăng do quyết định xử phạt không nghiêm? Ngoài ra, còn một thực tế khác liên quan mỹ quan đô thị mà ngành GTVT cần khắc phục, đó là ngành phải quan tâm, chỉnh trang lại bên trong xe buýt.
Tình hình “bến cóc - xe dù” quanh khu vực Bến xe Miền Đông gây bức xúc nhiều trong dư luận nhưng vẫn chưa được khắc phục. Sở GTVT cần rà soát tất cả vị trí trạm dừng xe buýt trên địa bàn TP, vì hiện có nhiều trạm bố trí không phù hợp gây cản trở giao thông như điểm dừng xe buýt đặt ngay trước cổng Trường THCS Hai Bà Trưng, quận 3 (từng gây tai nạn cho học sinh).
Đối với việc triển khai Quyết định 74/2008/QĐ-UBND (chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, vỉa hè, chỉnh trang đô thị - PV) của UBND TP, ĐB Tăng Cẩm Vinh chỉ đồng tình với Sở GTVT về việc thực hiện quyết định ở mức “có kết quả” chứ không đồng ý với nhận định “có chiều sâu”. ĐB này còn cho rằng báo cáo mà Sở GTVT đưa ra có khoảng cách quá xa so với thực trạng xã hội, thế nên ông đề nghị lãnh đạo sở đánh giá kết quả thực hiện thực chất hơn, đừng đánh giá theo kiểu “tô hồng”.
Bà Trần Thị Ngọc Anh cho rằng, Sở GTVT nên rà soát, điều chỉnh lại danh mục các tuyến đường đã được cấp phép cho sử dụng một phần vỉa hè để tổ chức giữ xe, kinh doanh buôn bán theo Quyết định 74. Vì theo bà, có những tuyến đường đã được cấp phép không đúng với tinh thần Quyết định 74.
VÂN ANH