Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo “Quy định đánh giá học sinh tiểu học”, trong đó có việc không chấm điểm thường xuyên đối với học sinh tiểu học (hiện nay mới thực hiện ở lớp 1). Thay vào đó, giáo viên sẽ tăng cường nhận xét trong suốt năm học, chỉ chấm điểm bài kiểm tra cuối học kỳ 1 và kiểm tra cuối năm. Dù nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của dư luận nhưng nhiều giáo viên vẫn kêu “khó” thực hiện. Làm thế nào giảm áp lực cho giáo viên tiểu học?
Quan trọng ở cách làm
Trao đổi với chúng tôi vào chiều 17-7, một ngày sau khi dự thảo “Quy định đánh giá học sinh tiểu học” được ban hành, giáo viên của một trường tiểu học ở quận 4 TPHCM cho biết: Ngay khi biết nội dung của dự thảo, giáo viên của trường đã chia làm hai phía. Hầu hết giáo viên trẻ đều ủng hộ, cho đây là cơ hội tốt phát huy khả năng sáng tạo của giáo viên, tuy nhiên nếu không có vốn từ vựng tốt rất khó thực hiện.
Ở chiều ngược lại, những giáo viên già có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy sẽ dễ dàng đưa ra nhận xét phù hợp với từng học sinh, nhưng điều khiến họ lo lắng là quỹ thời gian có đủ cho họ làm điều đó.
Thực tế năm học 2013 - 2014, nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện chủ trương không chấm điểm học sinh lớp 1. Mặc dù kết quả thực hiện giữa các nơi chưa đồng đều nhưng nhìn chung phản hồi từ phụ huynh và học sinh rất tốt. Thay cho việc ấn định một điểm số, giáo viên có thể dùng nhiều hình thức nhận xét khác nhau như khen ngợi, động viên bằng từ ngữ, sử dụng các biểu tượng mặt cười.
Nhiều trường còn sáng tạo ra quy định bảng màu sắc phân loại của các ngôi sao, bông hoa để nhận xét mức độ hoàn thành bài viết của học sinh: Màu đỏ tượng trưng cho bài làm tốt, màu xanh cho bài trung bình và màu vàng cho những bài cần cố gắng.
Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều giáo viên, độ tuổi học sinh lớp 1 còn khá nhỏ, các em đã quen với không gian lớp học nhiều màu sắc ở bậc mẫu giáo, cộng với việc chưa biết đọc chữ thành thạo nên việc sử dụng biểu tượng, màu sắc nhận xét là phù hợp. Nhưng đối với các khối lớn hơn, học sinh đã có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ thành thạo, yêu cầu phân loại các em cũng cao hơn nên nếu chỉ nhận xét bằng từ ngữ, giáo viên sẽ rất “đuối”.
Giải tỏa băn khoăn này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Từ đầu năm học 2013 - 2014, Sở GD-ĐT TP đã ban hành văn bản hướng dẫn không chấm điểm đối với học sinh lớp 1. Theo đó không yêu cầu giáo viên phải nhận xét tất cả bài làm của học sinh trong cùng một ngày. Thay vào đó, các thầy cô có thể nhận xét luân phiên, mỗi ngày chọn một tổ hoặc một nhóm lớp tiến hành cho nhận xét, hoặc nhận xét chi tiết bài làm của tổ này, tổ khác chỉ chọn ra một số em tiêu biểu…”.
Ngoài ra, có thể kết hợp thêm nhiều hình thức nhận xét khác như nhận xét của phụ huynh, nhận xét nhóm (học sinh trong cùng tổ, nhóm trao đổi bài làm và nhận xét chéo lẫn nhau) để giảm áp lực cho giáo viên.
“Nếu đã thực hiện được ở lớp 1 thì với các khối lớp lớn hơn cũng không quá khó khăn. Chỉ cần giáo viên xác định rõ nhận xét của mình chính là sự thể hiện sự quan tâm, theo dõi và giúp đỡ học sinh, giúp ích rất nhiều cho quá trình tiến bộ của các em thì tôi tin các thầy cô sẽ làm được”, ông Vinh bày tỏ.
Nỗ lực thu hút giáo viên
Thời điểm này đang là cao điểm mùa tuyển dụng giáo viên ở các quận, huyện. Thống kê từ Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến ngày 19-7 đã có 12/24 quận, huyện trên địa bàn TP nhận đủ hoặc dư số lượng hồ sơ ứng viên đăng ký ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, vẫn còn 11 quận, huyện chưa nhận đủ hồ sơ. Mới có 983 người nộp hồ sơ trên tổng số 1.694 chỉ tiêu đăng ký của 24 quận, huyện. Trong đó, thiếu nhiều nhất ở bậc tiểu học vẫn là giáo viên đứng lớp (dạy nhiều môn).
Đơn cử quận 8 còn thiếu 72 giáo viên đứng lớp nhưng mới nhận 28 hồ sơ. Huyện Nhà Bè thiếu 61 giáo viên đứng lớp nhưng mới có 18 người đăng ký. Quận Bình Tân thiếu 164 giáo viên nhưng trầy trật lắm cũng mới nhận được 127 người… Riêng đối với một số môn học khác như thủ công, thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, các địa phương đang khó tìm đủ số lượng hồ sơ.
Năm học 2014 - 2015, quận 1 cần tuyển thêm 8 giáo viên thủ công - kỹ thuật, nhưng hiện chưa nhận được hồ sơ nào. Quận 8 có nhu cầu bổ sung thêm 14 giáo viên mỹ thuật nhưng vị trí này chưa có ai đăng ký. Một số quận, huyện khác có nhu cầu tuyển dụng giáo viên dạy các lớp khuyết tật như quận 11, 12, Bình Tân và Tân Phú với tổng chỉ tiêu đăng ký 20 người nhưng hiện nay mới nhận được 6 hồ sơ.
Qua đó cho thấy, song song với việc làm thế nào giải tỏa áp lực công việc cho giáo viên tiểu học, việc thu hút, bồi dưỡng lòng yêu nghề cho các giáo sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hết sức quan trọng. Nguyên lãnh đạo phòng GD-ĐT một quận vùng ven bày tỏ, đa phần các ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển vào vị trí giáo viên tiểu học đều không phải người có nguyên quán ở TPHCM. Nhiều em vì để bổ túc hồ sơ xin việc phải “chạy” hộ khẩu lên đến hàng chục triệu đồng. Cuộc sống hành nghề sau đó với gánh nặng tìm nhà trọ, đời sống kinh tế khó khăn khiến tâm huyết với nghề cũng giảm đi nhiều.
Do đó, để nâng chất đội ngũ giáo viên tiểu học, cần có sự đầu tư, các chính sách thu hút người học từ các trường sư phạm. Bên cạnh đó, việc xem xét lại chế độ lương bổng, trợ cấp cho giáo viên đứng lớp cũng là một trong những giải pháp giúp họ toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.
THU TÂM