Bệnh không lây nhiễm: Kẻ "giết người số một"
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BKLN (tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp…) đang là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho khoảng 380 nghìn người, chiếm 73% tổng số người chết mỗi năm (khoảng 520 nghìn người). Trong đó, bệnh tim mạch là BKLN phổ biến nhất ở Việt Nam, là kẻ "giết người số một" chịu trách nhiệm cho hơn 30% số ca tử vong trên cả nước. Tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ÐTÐ) là nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch. Ðáng lo ngại, cứ năm người trưởng thành ở Việt Nam thì có một người bị THA và cứ hơn 20 người thì có một người ÐTÐ. Như vậy, tính đến nay, ở nước ta có khoảng 12 triệu người THA và khoảng ba triệu người ÐTÐ. Tuy nhiên, hiện số người được chẩn đoán bệnh ÐTÐ trong độ tuổi từ 18 đến 69 tuổi mới đạt 31,1%, THA là 43,1%; số người được quản lý tại các cơ sở y tế về bệnh ÐTÐ mới đạt 28,9% và bệnh THA là 13,6%... và 70% số người bệnh nằm điều trị tại các cơ sở y tế là mắc các BKLN.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời từng bước nâng cao hơn nữa vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hơn 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh KLN. Ðến năm 2030, phấn đấu hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số BKLN. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, ÐTÐ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các BKLN khác giai đoạn 2015 - 2025. Năm 2018, Bộ Y tế đã Quyết định số 2559/QÐ- BYT ban hành kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý THA, ÐTÐ theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018- 2020, với các mục tiêu cụ thể như: Ðến năm 2019, 100% số trạm y tế được đào tạo về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý tăng THA và ÐTÐ theo nguyên lý y học gia đình. Ðến năm 2020, ít nhất 70% trạm y tế thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý THA theo nguyên lý y học gia đình; ít nhất 40% trạm y tế thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và quản lý ÐTÐ theo nguyên lý y học gia đình. Ðến năm 2020, ít nhất 40% người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên được đo huyết áp và đánh giá nguy cơ ÐTÐ...
Ðể thực hiện các mục tiêu nêu trên, Bộ Y tế đã tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để phát huy vai trò bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình trong thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý THA, ÐTÐ; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy để bảo đảm người bệnh THA, ÐTÐ khi các cơ sở KCB tuyến trên kê đơn điều trị, sẽ được tiếp tục tiếp cận các thuốc này tại cơ sở KCB tuyến huyện và trạm y tế xã. Ngành y tế cũng đang xây dựng tài liệu hướng dẫn về giám sát, báo cáo hoạt động điều trị, quản lý THA và ÐTÐ theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã. Tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ y tế tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn về quản lý lồng ghép THA và ÐTÐ tại trạm y tế; dinh dưỡng và hoạt động thể lực trong quản lý điều trị THA và ÐTÐ; triển khai hoạt động dự phòng, quản lý điều trị BKLN tại tuyến y tế cơ sở...
Theo PGS, TS Trần Khánh Toàn (Bộ môn Y học gia đình, Trường đại học Y Hà Nội), Bộ Y tế cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung đào tạo cán bộ y tế tuyến cơ sở về quản lý các BKLN theo nguyên lý y học gia đình; triển khai danh mục kỹ thuật cho tuyến huyện, xã áp dụng nguyên lý y học gia đình. Tiến hành khám sàng lọc người bệnh, với sự hỗ trợ của tuyến trên; lập hồ sơ theo dõi, quản lý, điều trị người bệnh nhẹ, chưa có biến chứng và người bệnh đang điều trị tại các sở y tế trên địa bàn. Ðối với các cán bộ y tế tại trạm y tế xã, cần thực hiện tốt việc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý THA, ÐTÐ không có biến chứng; điều trị, quản lý THA, ÐTÐ đối với những trường hợp được tuyến trên chuyển về; xử trí và chuyển người bệnh lên tuyến trên khi vượt quá khả năng chuyên môn. Tư vấn, lập danh sách quản lý các trường hợp nguy cơ cao, tiền ÐTÐ; phối hợp y tế thôn bản, các ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, tư vấn cho người bệnh và cộng đồng về tuân thủ điều trị bệnh, cũng như những biện pháp, phòng, chống THA, ÐTÐ.