Những nghiên cứu ban đầu
Một số nghiên cứu cho thấy, việc tiêm 2 mũi vaccine làm giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng hậu Covid-19 khoảng 41% ở hơn 3.000 người mắc Covid-19. Nhưng điều đó có nghĩa là số còn lại vẫn có nguy cơ bị các triệu chứng hậu Covid-19.
Ngoài tiêm chủng, vẫn chưa rõ liệu pháp nào có khả năng giảm các triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài. Về lý thuyết, một loại thuốc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân mắc Covid-19 có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lâu dài. Nhưng các triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài không phải lúc nào cũng liên quan đến tình trạng nặng hay nhẹ khi mắc Covid-19.
Gần đây, tại Anh và Mỹ, người ta đã xem xét tác động của việc điều trị sớm bằng thuốc kháng virus đối với các triệu chứng hậu Covid-19. Một thử nghiệm lâm sàng có tên Panoramic đã kiểm tra tác dụng của thuốc uống kháng virus Molnupiravir với các triệu chứng hậu Covid-19. Các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu từ những người tham gia vào thời điểm 3 tháng và 6 tháng sau khi điều trị bằng Molnupiravir. Điều này có thể xác định liệu thuốc có làm giảm nguy cơ các triệu chứng hậu Covid-19 hay không. Các bác sĩ cũng tiến hành thử nghiệm tương tự với thuốc kháng virus Paxlovid và Remdesivir.
Ngoài ra, giới nghiên cứu cũng đang tìm hiểu thêm nhiều phương pháp điều trị có thể làm giảm nguy cơ mắc triệu chứng hậu Covid-19. Các nhà khoa học Anh đang thực hiện chương trình tên là Heal-Covid, thử nghiệm 2 loại thuốc nhắm vào hệ thống tim mạch ở những người đã nhập viện vì Covid-19. Một loại được gọi là Apixaban, là một chất chống đông máu. Loại còn lại là Atorvastatin, là thuốc giảm cholesterol, được cho là có tác dụng giảm viêm trong các mạch máu. Nghiên cứu sẽ tìm hiểu xem liệu một trong 2 phương pháp điều trị có làm giảm số lần nhập viện và tử vong sau khi người tham gia xuất viện lần đầu tiên hay không. Gần 1/3 số người xuất viện sau khi điều trị Covid-19 phải nhập viện trở lại trong vòng 6 tháng, và 12% tử vong trong vòng 6 tháng kể từ lần xuất viện đầu tiên.
Tại Đại học Chicago ở Illinois, nhà nghiên cứu bệnh học và bác sĩ chuyên khoa chăm sóc tích cực Ayodeji Adegunsoye nhận thấy, sự gia tăng khả năng tích tụ mô sẹo, được gọi là xơ hóa, trong phổi sau đợt nhiễm trùng cấp tính ở những người nhập viện do Covid-19 và được yêu cầu thở oxy. Hiện ông đang thử nghiệm thuốc Sirolimus - một loại thuốc ức chế miễn dịch đôi khi được dùng cho những người ghép tạng - ở bệnh nhân như vậy, với hy vọng thuốc sẽ ngăn chặn sự di chuyển của các tế bào thúc đẩy quá trình xơ hóa trong phổi.
Duy trì lối sống lành mạnh
Theo các bác sĩ, một trong những triệu chứng hậu Covid-19 là ho. Nếu cơn ho dẫn đến khó ngủ hoặc khó chịu, thuốc ho có thể giúp giảm triệu chứng. Dược sĩ hoặc bác sĩ có thể giới thiệu loại thuốc thích hợp dựa trên nguyên nhân gây ho, thời gian kéo dài và các dấu hiệu lâm sàng khác như sốt hoặc đau cơ. Nếu bệnh nhân ho nhiều hơn khi nằm, có thể do dịch nhầy chảy xuống thành họng. Trong những trường hợp như vậy, hãy kê thêm một chiếc gối để nâng đỡ đầu hoặc uống thuốc kháng histamine, thường được sử dụng để trị sổ mũi.
Với những người có triệu chứng hụt hơi, theo các bác sĩ, nên tập hít thở sâu bằng cơ hoành, căng ngực và thở bằng mũi thay vì bằng miệng sẽ giúp giảm triệu chứng. Cách thở này bổ sung tới 50ml không khí cho mỗi lần thở, hoặc khoảng 10% lượng khí nạp vào bình thường của một người. Khi bệnh nhân bắt đầu thở tốt hơn, hãy tập các bài tập cơ bắp để giúp lấy lại sức chịu đựng và làm tăng khả năng trao đổi oxy.
Với các triệu chứng tim, quan trọng nhất là phải chắc chắn rằng không có tình trạng nghiêm trọng nào về tim ở những bệnh nhân có các triệu chứng hậu Covid-19 dai dẳng. Một số bệnh nhân có bệnh tim từ trước khi mắc Covid-19 cũng có thể có nhiều triệu chứng hậu Covid-19 hơn. Vì vậy, bệnh nhân nên theo dõi kỹ bất kỳ cơn đau ngực nào mới khởi phát. Đau ngực, khó thở hoặc bất kỳ triệu chứng mới nào tồi tệ hơn thì nên đến bệnh viện.
Nhìn chung, các bác sĩ thuộc Tổ chức Y tế thế giới cho biết, hầu hết bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 sẽ hồi phục theo thời gian, nhưng bệnh nhân nên kiểm soát các triệu chứng của mình và chất lượng cuộc sống trong thời gian có các triệu chứng kéo dài. Các biện pháp này có thể bao gồm các bài tập thở, dần dần trở lại các hoạt động thể chất hoặc thuốc để điều trị các triệu chứng đường hô hấp trên. Nên duy trì lối sống năng động và lành mạnh để có khả năng miễn dịch tốt hơn và thời gian phục hồi dễ dàng hơn; tiêm ngừa vaccine Covid-19 đầy đủ, bao gồm mũi tiêm nhắc lại.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, các triệu chứng hậu Covid-19 bao gồm khó thở, mệt mỏi, khó ngủ, ho, đau ngực và dạ dày, đau đầu, tim đập nhanh và các vấn đề về tim khác, huyết áp cao, đau khớp và cơ, cảm giác có kim châm dưới da, sốt, chóng mặt, phát ban, tiêu chảy, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, mắc bệnh tiểu đường type 2, rụng tóc, phát ban, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, tiếp tục mất khứu giác hoặc vị giác, các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng kéo dài. Các triệu chứng có thể đến và biến mất theo thời gian, nhưng cũng có thể cực đoan đến mức gây suy nhược cơ thể. |