Gian nan thầy trò ở điểm trường

Lội bộ đến trường
Gian nan thầy trò ở điểm trường

Chỉ cách thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) chưa tới 30km, song chuyện “gieo chữ” của các thầy cô ở xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) thật sự gian nan. Có lúc, mỗi thầy cô ở vùng đất này “bất đắc dĩ” trở thành... cán bộ dân vận, đưa học sinh người dân tộc thiểu số quay lại trường lớp.

Cô giáo Đinh Thị Thu Thủy đang chăm sóc một học sinh bị bệnh trong lớp học.

Lội bộ đến trường

Ấp Thạch Màng thuộc xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), xưa kia vốn là vùng rừng rậm nằm trong chiến khu D. Nói đến Thạch Màng cách nay chừng chục năm, nhiều người phải ngao ngán vì đường sá xa xôi, thiếu thốn trăm bề, dù chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước - thị xã Đồng Xoài hơn 20km. Ngày nay, Thạch Màng đã là khu dân cư khá đông và nổi lên như một “điểm nhấn” trên trục đường ĐT 753 từ thị xã Đồng Xoài đến bờ sông Mã Đà, giáp với huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Tuy vậy, so với nhiều địa phương khác, nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có chợ, cũng chưa có điện lưới quốc gia…

Chúng tôi đến điểm lẻ của Trường Tiểu học Tân Lợi, nằm sát con đường ĐT 753. Do con đường tại đây chưa được tráng nhựa nên mỗi khi có xe tải chạy qua là bụi đất bị thổi cuộn lên, ùa vào nhà dân và cả ngôi trường, khiến học trò đi đường áo quần đỏ quạch.

Trong căn phòng học nhuốm màu đất đỏ, các em học sinh lớp 1A vẫn đang miệt mài tập viết. Cô giáo Đinh Thị Thu Thủy, người gắn bó với trường đã hơn 12 năm cho hay, tại điểm trường này có 140 học sinh. Do đây là vùng kinh tế mới, người dân đa phần làm thuê, kinh tế còn khó khăn, thành thử học trò nơi đây cũng không có điều kiện được gia đình chăm chút, quan tâm như ở các vùng thành thị khác. Có em, do ba mẹ đi làm cả ngày, buổi trưa không về nên đến trường mà bụng vẫn “lép kẹp”, mặt mày buồn so… trong túi lại không có tiền.

Không thể cầm lòng khi thấy học trò “lỏng bụng” vào lớp, những lúc như vậy, các cô giáo lại chắt chiu từ đồng lương của mình lo cho các em ăn trưa, dù có khi chỉ là vài cái bánh, gói mì… Cô Đinh Thị Thu Thủy thổ lộ: “Học sinh nơi đây ở trong các vườn rẫy nằm rải rác trong các khu rừng cao su, điều ngút ngàn. Rất nhiều học sinh không có xe đạp, phải đi bộ đến trường, trong đó có những em nhà xa tới 5 - 6km. Trời nắng, con đường tới trường tuy bụi nhưng vẫn dễ đi, còn vào những ngày trời mưa, đường lầy lội và trơn nên các em đi học như đánh vật”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Trang (23 tuổi), quê ở tỉnh Đắk Lắk mới vào trường dạy 2 năm nhưng cũng thấm thía những khó khăn, vất vả của “sự nghiệp trồng người” ở vùng sâu. Là giáo viên duy nhất ở lại phòng tập thể tại điểm lẻ Thạch Màng, cô Trang kể, ngày tốt nghiệp Trung học Sư phạm, được phân công về dạy tại điểm lẻ ở vùng sâu này, cô đã bật khóc vì… buồn. Ở Thạch Màng không có những khu vui chơi giải trí, không có quán xá để xả stress và cũng chẳng có điện để xem truyền hình.

Cách điểm lẻ ấp Thạch Màng hơn 6km còn có một điểm trường còn nhọc nhằn hơn, cũng thuộc Trường Tiểu học Tân Lợi. Đó là điểm trường ở khu tái định cư của 61 hộ đồng bào S’tiêng, hay được các giáo viên gọi tóm tắt là điểm 61 hộ. Chỉ vỏn vẹn 30 học sinh nhưng điểm trường này có đủ 5 khối lớp, rải đều từ lớp 1 đến lớp 5. Hàng ngày có 3 giáo viên vào điểm trường đặc biệt này để dạy cho các em. Với khối lớp 1 sẽ có 1 giáo viên dạy riêng. Các em học lớp 2 và lớp 3 sẽ do một giáo viên phụ trách dạy lớp ghép. Tương tự, lớp 4 và 5 sẽ do giáo viên khác phụ trách. Với hình thức dạy lớp ghép, khi một lớp học Tiếng Việt thì lớp còn lại quay lưng làm bài tập Toán… Chia sẻ với chúng tôi, nhiều giáo viên ở điểm lẻ Thạch Màng nói rằng, điều lo ngại nhất là do nơi đây có nhiều hộ gia đình kinh tế khó khăn nên vào mùa mưa và các mùa thu hoạch điều, nhiều em học sinh đã bỏ học, theo cha mẹ đi làm thuê. Những lúc như vậy, thầy cô giáo lại phải đến tận nhà vận động các em đến lớp.

Nỗi niềm giáo viên vùng sâu

Cho đến cuối năm 2014, cùng với xã Đồng Tâm, xã Tân Lợi là một trong 2 xã cuối cùng của huyện Đồng Phú thuộc diện đặc biệt khó khăn; và Thạch Màng được xem là ấp vùng sâu, xa và khó khăn nhất của huyện. Trong khi đó, tại điểm trường lẻ ở ấp này, hầu hết các giáo viên đều có nhà ở cách trường hàng chục kilômét.

Thầy Trần Định, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lợi cho hay: Trước đây, khi chưa có đường đất đỏ nối từ điểm trường chính vào Thạch Màng, hàng ngày các giáo viên phải đi một quãng đường vòng 40km qua thị xã Đồng Xoài, vào xã Tân Phước của huyện Đồng Phú rồi theo đường ĐT 753 để vào đến ấp Thạch Màng. Bình quân mỗi ngày, giáo viên điểm lẻ phải đi hơn 80km, cả đi lẫn về. Thầy Võ Chí Thanh (36 tuổi), nhà ở gần UBND xã Tân Lợi nhớ lại: Những năm sau đó, khi con đường mòn đất đỏ đi tắt từ trung tâm xã đến Thạch Màng được mở thì giáo viên đến lớp gần hơn. Tuy nhiên, do thời điểm đó cây cầu bắc qua Rạch Bé chỉ là cầu tạm nên những ngày mưa to cầu bị ngập, giáo viên lại phải đi vòng ra thị xã Đồng Xoài để đến điểm dạy. Cũng do đường quá xa mà trời mưa nên có khi giáo viên vào đến lớp đã gần 9 giờ sáng. Hiện nay, dù đã có con đường tắt ngắn hơn, nhưng cũng phải đi gần 20km đường đất đỏ mới đến lớp. Để không bị trễ giờ, ngay từ sáng sớm tinh mơ, các giáo viên “cơm đùm, cơm nắm” đã tranh thủ lên đường đến trường.

Năm nay mới 38 tuổi, thầy Hiệu trưởng Trần Định đã có thâm niên hơn 7 năm làm giáo viên ở Trường Tiểu học Tân Lợi. Thầy Định cũng trực tiếp dạy ở điểm trường lẻ Thạch Màng được 3 năm. Mặc cho nhiều khó khăn “bủa vây” trường lớp, thầy Định và các giáo viên nơi đây đều quyết tâm bám trụ, “gieo” con chữ ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này.

TẤN NHẤT - ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục