Lâu nay, cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao do vào mùa cao điểm sản xuất - kinh doanh - dịch vụ. Thế nhưng, năm nay đã cuối tháng 11 mà thông tin tuyển dụng lao động trên các trang mạng tìm việc làm hay trên trang quảng cáo của các báo lại rất thưa thớt, đến mức hiếm hoi.
Nhiều lao động trẻ mất việc
Nguyễn Văn Tâm, quê ở Đắk Lắk, thuê trọ ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TPHCM) vừa tốt nghiệp cao đẳng ngành tài chính ngân hàng đầu năm 2011, được tuyển dụng vào làm cho một công ty bất động sản với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Nhưng gần một năm sau, công ty gặp khó khăn, Tâm nằm trong số những người bị công ty cho nghỉ việc trước tiên.
Từ khi thất nghiệp, Tâm thường xuyên lên mạng tìm kiếm thông tin việc làm, xem thông tin tuyển dụng trên chuyên trang quảng cáo của các tờ báo và đến đăng ký thông tin cần việc rao trên một tờ báo, nộp nhiều hồ sơ đăng ký tuyển dụng…, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc làm. Tâm than: “Em đã nộp hồ sơ nhiều nơi rồi, nhưng chưa thấy họ kêu đi làm hoặc đến phỏng vấn. Chờ đợi, không có việc, làm em thấy nản quá. Nhiều lúc cha mẹ bảo về quê dễ xin việc làm hơn, nhưng em muốn làm việc ở TPHCM”.
Huỳnh Văn Đông, quê ở Kiên Giang, đang thuê trọ trên đường Trần Phú (quận 5, TPHCM), cũng rơi vào tình cảnh bế tắc khi tìm việc làm. Đông tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin đầu năm 2012, những tưởng đó là ngành nghề thời thượng, dễ kiếm việc làm, nhưng gần cả năm cố gắng tìm kiếm, tận dụng mọi cơ hội để có việc làm, đến giờ Đông vẫn thất nghiệp. Đông tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình em ở quê hết sức khó khăn. Cha mẹ làm mấy sào ruộng, nuôi em ăn học gần 5 năm trời, cũng đã “đuối”. Em vẫn mơ khi ra trường nhanh chóng có việc làm để nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình. Thế nhưng nhiều tháng nay em vẫn chưa tìm được việc làm, khiến cha mẹ ở quê càng thêm buồn rầu, lo lắng. Hiện em phải đi làm phục vụ ở nhà hàng, cố gắng bám trụ lại TPHCM chờ qua thời kinh tế suy thoái, may ra tìm được việc. Chứ nếu về quê, ngành của em học khó có “đất dụng võ”, không có nhiều cơ hội để tìm việc làm”.
Nộp đơn vô vọng
Còn rất nhiều người đang lâm vào tình cảnh thất nghiệp như Tâm, Đông… Mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng mong muốn cháy bỏng của họ lúc này là làm sao có được việc làm ổn định để nuôi thân, giúp đỡ gia đình, để cha mẹ ở quê nhà nhẹ bớt gánh lo. Mỗi sớm, những người lao động kiếm việc làm thường giở trang quảng cáo trên các báo để tìm thông báo tuyển dụng lao động, nhưng rồi lại thở dài vì chỉ thấy lác đác vài ba thông tin tuyển dụng với những công việc bấp bênh, không hứa hẹn gì. Đôi khi thấy rao tuyển lao động với công việc hợp chuyên môn, nhưng người cần việc mang hồ sơ xin việc đến nộp đã hiểu ngay rằng khó được tuyển dụng, vì thực ra người ta đăng thông báo tuyển dụng cho hợp lệ, tuân thủ theo quy định, chứ đã có đủ hồ sơ gửi gắm, “xí chỗ” hết rồi.
Có rất nhiều sinh viên mới ra trường đang bị rơi vào tình cảnh thất nghiệp hết tháng này qua tháng khác, vì không nơi nào tuyển dụng. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc thu hẹp sản xuất - kinh doanh, buộc cắt giảm nhân sự, do vậy không có chỗ cho những kỹ sư, cử nhân mới ra trường, thiếu kinh nghiệm thực tiễn có thể tìm được việc làm.
Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình ổn định phát triển sản xuất - kinh doanh. Khả năng giảm việc làm, tinh gọn nhân sự tại nhiều doanh nghiệp có thể diễn ra, dẫn đến một số người lao động kém tay nghề và năng suất lao động thấp có thể tiếp tục mất việc làm, phải tìm việc làm khác. Vì vậy, thị trường lao động vẫn phát sinh nhiều nghịch lý, mất cân đối. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe đối với ứng viên tìm việc.
Về mặt quản lý nhà nước, rất cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo việc làm cho người lao động, đưa ra các giải pháp thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, tái đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu việc làm mới… Như vậy mới có thể giảm bớt những khó khăn, nghịch lý, ổn định thị trường lao động và tạo điều kiện để thị trường phát triển khả quan hơn.
Hiện nay, người lao động bị thôi việc, mất việc được nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp; ngoài ra, còn được giới thiệu việc làm, đào tạo nghề miễn phí, được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian thất nghiệp. Thế nhưng với khoản trợ cấp thất nghiệp ít ỏi, ngay khi mất việc, người lao động phải bươn chải kiếm sống nên cũng không mấy ai tranh thủ đi học nâng cao tay nghề trong thời gian thất nghiệp. Vì vậy, cần thiết có những chính sách thiết thực hỗ trợ, khuyến khích người lao động nâng cao tay nghề để có thêm cơ hội tìm việc làm.
NGUYỄN ĐƯỚC