Sau tết, lực lượng CSGT và thanh tra giao thông các tỉnh miền Trung quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo trật tự giao thông. Các bến xe, nhà ga tăng cường lượng tàu xe để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Dù vậy, tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, “cò vé” vẫn xuất hiện tràn lan dọc quốc lộ 1A và trước cổng các bến xe, nhà ga.
Nhiều người không mua được vé
Mấy ngày nay rất nhiều người đến bến xe và ga Quảng Ngãi để mua vé trở vào TPHCM đều phải thất vọng ra về, không mua được vé. Sau nhiều ngày không săn được vé ở bến xe và nhà ga, ngày nào cũng luôn có hàng trăm người ở các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) đang học tập hoặc làm việc tại TPHCM đổ về khu vực đầu cầu Trà Khúc 2, cây xăng Thanh Bình, cầu Bàu Giang để đón “xe dù” vào Nam.
Thấy hành khách tụ thành nhóm đứng dọc đường đón xe, các “xe dù” liên tục tấp vào bắt khách, tạo nên cảnh hỗn loạn, nguy hiểm. Sinh viên Đinh Tấn Cường (ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) than: “Trước tết không mua được vé, sau tết em lại túc trực 3 ngày mùng 6, 7, 8 ở bến xe và ga để mua vé tăng cường nhưng cũng không mua được nên phải ra quốc lộ đón “xe dù”. Biết đi “xe dù” dễ bị trấn lột, móc túi và rủi ro nhưng không còn cách nào khác”.
Trên quốc lộ 1A, đoạn qua khu vực ngã ba Huế (TP Đà Nẵng) và đoạn qua huyện Phù Mỹ, Phù Cát (tỉnh Bình Định) nạn “xe dù”, bến cóc cũng đang mặc sức hoành hành, từ sáng đến tối luôn tấp nập xe khách, tài xế và phụ xe chèo kéo khách. Các nhà xe, lái xe tranh giành khách nên thường xuyên xảy ra lớn tiếng, ẩu đả nhau, gây cảnh bát nháo. Lợi dụng nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân, nhiều nhà xe hét giá rất cao.
Thông thường giá vé xe từ Đà Nẵng vào TPHCM từ 680.000 - 750.000 đồng/vé, thế nhưng thời điểm này các nhà xe ra giá đến cả triệu đồng/vé. Để tránh bị chậm trễ công việc, nhiều người đành chấp nhận giá vé cao nhưng khi lên xe mới hay phải ngồi ghế phụ. Phía ngoài quốc lộ là vậy, ở bên trong ga Quảng Ngãi, nạn “cò vé” càng lộng hành hơn. Dù khách đến phòng vé liên hệ mua vé được nhân viên nhà ga thông báo hết vé nhưng “cò vé” khẳng định còn, tuy nhiên giá mỗi vé “cò” vé đưa ra “trên trời”: 1 triệu đồng/vé tuyến Quảng Ngãi - Bình Thuận, 1,2 triệu đồng tuyến Quảng Ngãi - TPHCM.
Sử dụng cả xe dự phòng
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng “cò vé”, ông Bùi Văn Hải, Trưởng ga Quảng Ngãi, khẳng định không có việc “cò vé” hoạt động trong nhà ga Quảng Ngãi. Trước tết, lãnh đạo nhà ga đã yêu cầu tất cả nhân viên viết cam kết không tổ chức móc nối với người bên ngoài để bán vé chợ đen. Nếu nhân viên nào thực hiện sai cam kết, phát hiện sẽ bị đuổi việc ngay.
Tuy nhiên, khi chúng tôi dẫn chứng một số chứng cứ “cò vé” hoạt động, người đứng đầu ga Quảng Ngãi phân trần: “Theo quy định của ngành đường sắt, hành khách sau khi mua vé nếu đổi, trả vé lại phải mất 30% giá trị vé. Do đó, để tránh bị mất 30% giá trị vé, hành khách đã bán vé cho “cò”, sau đó “cò” bán lại vé cho khách có nhu cầu”. Ông Hải cũng cho biết, hiện nay mỗi ngày ga Quảng Ngãi tiếp nhận khoảng 2.000 hành khách đi các tỉnh - thành trong nước, tập trung chủ yếu ở tuyến Quảng Ngãi - TPHCM, tăng 15% lượng khách so với cùng kỳ năm trước. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của lượng hành khách tăng nhanh, ngoài việc tăng 100 ghế phụ trên các đoàn tàu hiện hữu, từ ngày mùng 4 đến 14 tháng giêng ga Quảng Ngãi tăng cường 11 chuyến tàu SQ1 (mỗi chuyến 700 hành khách).
Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng ban chỉ đạo vận tải khách phục vụ tết của tỉnh, cũng cho biết các đơn vị vận tải khách tại Quảng Ngãi đã huy động tối đa phương tiện nhằm phục vụ vận tải khách đi lại sau tết. Trong đợt cao điểm này, Quảng Ngãi huy động thêm 93 đầu xe tăng cường, cộng với số phương tiện xe khách của các doanh nghiệp vận tải, đang có tổng cộng khoảng 250 đầu xe vận tải khách đi các tuyến, đặc biệt là trên tuyến Quảng Ngãi - TPHCM. Những ngày qua, do số lượng hành khách vào Nam tăng đột biến, tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải đưa vào hoạt động cả xe dự phòng và chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, CSGT tăng cường tuần tra, xử lý các vi phạm trong việc đón trả khách trên quốc lộ 1A.
Trong khi đó, tại TPHCM, ông Lê Việt Thanh, Phó đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 5 (Thanh tra Sở GTVT TPHCM), cho biết đội đang phối hợp cùng các đội CSGT Rạch Chiếc, Bình Triệu, công an quận Thủ Đức, quận 9 quyết liệt kiểm tra xử lý các xe khách nhồi nhét khách, trả khách không đúng nơi quy định ở khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố.
| |
NHÓM PV