Gian truân kết nối bạn đọc

Mỗi khi có bạn đọc phản ánh thông tin nóng, các phóng viên chuyên trách công tác bạn đọc của Báo SGGP lại tức tốc lên đường đi xác minh, bất kể thời tiết, giờ giấc. 
Gian truân kết nối bạn đọc
Chủ thuê bao… di động
Do công việc thường xuyên tìm đến các địa chỉ lạ, nên tôi vẫn dùng đến sự trợ giúp chỉ đường của Google Map. Vậy mà nhiều lúc tôi cũng phải bó tay khi đi tìm gặp bạn đọc hoặc tìm đến hiện trường để lấy thông tin. Cách nay không lâu, để xác minh về hành vi kinh doanh không minh bạch của một doanh nghiệp, tôi tìm đến địa chỉ của một bạn đọc ở quận 2 (TPHCM) đã gửi đơn phản ánh. Địa chỉ liên lạc ghi rõ: chú Bon, nhà ở hẻm 70 đường Nguyễn Duy Trinh, và số ĐTDĐ. Tôi liền gọi ĐTDĐ để xin cái hẹn, chú Bon đồng ý. Phóng xe một mạch đến đường Nguyễn Duy Trinh, nắng gay gắt lóa cả mắt, tôi tìm đến đúng số nhà cần tìm, nhưng một cô gái ở đó cho hay tại nhà này không có ai tên Bon. Tôi lại phải chạy loanh quanh trong hẻm tìm. Ban trưa, đường hẻm vắng hoe, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, không gặp ai để hỏi. 
Tôi quành xe ra đầu hẻm, lấy ĐTDĐ ra gọi. Gọi liên tiếp cả chục cuộc, nhưng đầu dây bên kia không trả lời. Lạ vậy! Mới trước đó hơn 1 giờ đồng hồ chú Bon đã nghe máy và hẹn gặp mà! Đến nơi rồi, không lẽ về, tôi lại quay xe chạy trở vào hẻm. Đến giữa hẻm, gặp một thanh niên vừa trong nhà bước ra, tôi liền hỏi nhà chú Bon, anh thanh niên chỉ tay về phía cuối hẻm, nơi có cánh cổng bằng tôn khép hờ hững. Gặp chú Bon, tôi hỏi: “Sao con gọi điện thoại cả chục cuộc cho chú, mà chú không bắt máy?”. Chú Bon nghiêng người sát vào tôi: “Hả?... À, điện thoại đâu có hư. Chú để trên bàn kìa!”. Tôi móc điện thoại ra bấm gọi lại. Chuông điện thoại của chú Bon reo inh ỏi, nhưng chú tỉnh bơ, đưa tay kéo cái ghế sắt mời tôi ngồi. Tôi nhìn quanh, hai người, nhưng chỉ có một cái ghế, nên xua tay: “Khỏi chú! Con ngồi dưới đất cũng được”. Tiếng chuông điện thoại vẫn reo ầm ĩ. Tôi chỉ cái điện thoại trên bàn và nói: “Chú có điện thoại kìa!”. “Vậy hả! Tôi bị lãng tai, không nghe rõ. Điện thoại bỏ trong túi, khi nó rung còn biết. Nãy giờ tôi để trên bàn, rồi đi vòng vòng làm việc nhà, nên không nghe tiếng chuông. Điện thoại di động, nhưng để một chỗ; còn chủ thuê bao thì di động nên không hay có cuộc gọi”. 
Kỷ niệm đáng nhớ
Lần khác, chúng tôi nhận được thư của một bạn đọc ở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TPHCM) là chú Thành, phản ánh về một trại nuôi heo gây ô nhiễm khu dân cư. Trước khi đi xác minh, tôi gọi điện thoại cho chú Thành để hẹn gặp. Chú Thành cho biết mình luôn quanh quẩn ở nhà nên cứ đến gặp lúc nào cũng được. Chú nhiệt tình chỉ đường: “Chú em đừng đi lên thị trấn Củ Chi, xa lắm! Cứ vô chợ Hóc Môn, rồi chạy miết theo Tỉnh lộ 15. Đường mới làm tốt lắm. Đến xã Phú Hòa Đông, tới nhà máy điện là đường 437. Nhà tôi ở số 47”. Vậy cũng dễ tìm, tôi miệt mài lần theo Tỉnh lộ 15, đến đường 437 ung dung chạy một mạch. Nhưng số nhà nhảy múa, số cũ, số mới lẫn lộn. Qua mấy ngã ba, tôi ra đến đường Phú Mỹ. Lấy ĐTDĐ ra xem bản đồ thì bản đồ chưa cập nhật đường 437. Tôi lật đật điện thoại lại cho chú Thành và nghe chú nói: “Chú em đi đâu xa vậy! Quay lại đi, để tôi ra đứng ngay trước cửa nhà đợi chú nha!”. Quay ngược lại, ra đến Tỉnh lộ 15 vẫn không thấy ai đứng trước cửa nhà, tôi lại tấp xe vô lề, gọi cho chú Thành, rồi đi theo đúng hướng dẫn, nhưng chạy mải miết trên con đường làng vắng lặng vẫn không thấy ai đón. Nông thôn đất rộng, nhà nào cũng chừa khoảng sân rộng cả chục mét, bảng số nhà thì nhà có nhà không, đã vậy các số còn “nhảy múa” lung tung. Đi gần 2 cây số, gặp ngã ba, tôi lại lấy ĐTDĐ ra gọi cho chú Thành. “Quành lại chú em ơi! Huốt rồi!”. Quành đi, quành lại vài lần, tôi lại lấy ĐTDĐ  gọi lại. Bỗng nhiên, thấy từ trong cánh cửa ven đường, một người đàn ông gầy gò, mặc quần đùi, chống 2 cây nạng vẫy vẫy tay, tôi phóng xe tới. 
Chú Thành cười cười nói: “Tôi bị vôi hóa khớp háng, mổ thay rồi, mới ở bệnh viện về hơn chục ngày. Đi đứng còn khó khăn lắm. Tôi ra đứng trước cổng chờ chú em, nhưng nắng quá nên phải đứng sau bụi rậm. Thấy chú em chạy qua, chạy lại mấy lần, tôi kêu mà chú em không hay”. “Sao chú không gọi điện thoại cho con?”. Chú Thành giơ cái ĐTDĐ lên trả lời tỉnh bơ: “Chú đâu có biết sử dụng ĐTDĐ, học hoài mà không nhớ. Mấy đứa nhỏ đưa cho chú để tụi nó tiện gọi cho chú. Ai gọi thì chú nghe, chớ đâu biết cách tìm số gọi cho ai đâu!”. 
Vậy đó! Có nhiều khi phải mệt, vì đi tìm gặp bạn đọc không dễ, nhưng rồi cũng thành những kỷ niệm vui vui, đáng nhớ trong nghề.

Tin cùng chuyên mục