Trong những ngày qua, Báo SGGP đăng tải loạt bài phỏng vấn, ghi ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia đầu ngành về đổi mới giáo dục. Sau khi đăng, chúng tôi tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, giáo sư đầu ngành về những vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
- GS Nguyễn Lân Dũng: Phải có cạnh tranh về sách giáo khoa
Việc in sách giáo khoa (SGK) phải là chuyện của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản trên cơ sở chương trình của Bộ GD-ĐT. Bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in, nhưng trình bày có thể rất khác nhau (như nhiều nước khác). Lựa chọn bộ sách nào để dạy và học là tùy thầy cô giáo và học sinh. Chỉ có cạnh tranh như vậy thì mới mong sớm có được những bộ SGK tốt. Đây là một sự cạnh tranh rất khoa học, rất lành mạnh. Nếu đến năm 2015 mới bàn lại chương trình giáo dục phổ thông, sau đó là thí điểm chương trình, rồi thí điểm viết lại bộ SGK, sau đó lại thí điểm sử dụng SGK thì sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể đến lúc đó những người như tôi đã không còn tồn tại.
Đâu cần nhiều tiền bạc như các dự án vừa qua. Bộ nên dựa vào các hội khoa học chuyên ngành, các hội này sẽ lựa chọn ra các chuyên gia giỏi, kết hợp với các thầy cô giáo có kinh nghiệm lâu năm để biên soạn ngay một chương trình mới. Chương trình mới sau khi biên soạn xong cần đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi trước khi thông qua một Hội đồng quốc gia đầy đủ tín nhiệm. Sau đó để cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả cạnh tranh thông qua chất lượng các bộ SGK (nhà nước không cần tốn kinh phí cho chuyện này). Bộ sách nào hay sẽ được tái bản nhiều lần và ngược lại. Tôi mong điều này có thể làm ngay mà không cần đợi đến sau năm 2015.
- PGS Mạc Văn Trang: Không được thu tiền giáo dục phổ cập
Đổi mới giáo dục là đòi hỏi bức thiết của giáo dục, nhưng vấn đề khó khăn là với những con người đó, bộ máy đó, những điều kiện đó thì chúng ta có thể làm gì và bắt đầu từ đâu để đạt được những mục tiêu trong vòng 3-5 năm trước mắt và tạo cơ sở cho phát triển bền vững giáo dục Việt Nam.
Có 2 cách làm, một là dỡ ra làm lại từ đầu. Nhưng điều này vô cùng khó khăn và phải tính làm sao để chắc chắn, an dân. Cách làm thứ 2 là phân tích toàn bộ hệ thống giáo dục và những tác động từ bên ngoài (chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội…) làm biến dạng bản chất giáo dục, từ đó chấn chỉnh lại một cách căn bản và toàn diện những chỗ hỏng hóc, sai lệch, yếu kém để hệ thống giáo dục trở về với đúng bản chất của nó, tạo đà cho tiếp tục đổi mới và phát triển bền vững. Có nghĩa, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là một quá trình lâu dài 10-15 năm, trong đó 3-5 năm đầu phải làm cho giáo dục trở về đúng bản chất của nó.
Tôi chọn cách làm thứ 2 và có 5 kiến nghị. Một là phải lo đủ trường lớp, chỗ học cho tất cả học sinh từ mầm non đến đại học. Hai là giáo viên từ mầm non đến đại học phải đủ sống ở mức trung lưu của xã hội để không được làm những việc tổn hại đến uy tín nhà giáo trước xã hội. Ba là trò phải ra trò, tức là phải xác định rõ yêu cầu, tính chất, mục tiêu của từng cấp học, bậc học, ngành học và các chuẩn chất lượng phải đạt được. Bốn là hệ thống giáo dục hiện hành phải thay đổi, cần nhập Tổng cục dạy nghề bên Bộ LĐTB-XH về Bộ GD-ĐT để quy về một mối, tạo điều kiện cho liên thông, quản lý thống nhất.
Mạng lưới các trường học từ mầm non đến đại học phải phân bố hợp lý, theo tầm nhìn trung và dài hạn, bảo đảm ai cũng được học hành và đáp ứng nhu cầu nhân lực vùng kinh tế. Thứ năm là thay đổi về công tác quản lý giáo dục. Phải đủ luật và quản nghiêm theo luật thì giáo dục mới đi vào nề nếp; phân cấp quản lý phải rõ trách nhiệm, không thể buông lỏng như hiện nay. Đặc biệt, giáo dục phổ cập (bắt buộc) thì không được thu tiền nữa, ngược lại còn phải lo trợ cấp cho trẻ nghèo đến trường.
- PGS Đặng Quốc Bảo: Nâng cao vị thế và đời sống của người thầy trong xã hội
Lần này Đảng xác định đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục có thể coi về bản chất là thực hiện một cuộc cải cách giáo dục mới trên các lĩnh vực, quan điểm, chương trình, SGK, thể chế, cách dạy, cách học và cách quản lý… Để cuộc đổi mới lần này đưa nền giáo dục đất nước khắc phục được những lạc hậu lạc điệu so với động thái của thời đại, tôi có 3 điều mong ước. Đầu tiên, luận điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” sẽ được quán triệt sâu rộng hơn. Khi Việt Nam tham gia vào WTO, cựu Tổng thống Singapore Lý Quang Diệu đã chân thành khuyên “muốn thắng trong kinh tế, trước hết phải thắng trong giáo dục”.
Giáo dục đối với Việt Nam không chỉ là động lực cho kinh tế, mà còn là nhân tố để chấn hưng văn hóa, gìn giữ và phát huy các giá trị nhân cách cho thế hệ trẻ. Tiếp đến tôi mong vị thế và đời sống của người thầy trong xã hội phải thực sự được nâng cao trong lần đổi mới lần này. Không có những thầy cô tâm huyết, sẽ không có nhân cách, nhân lực cho đất nước. Đổi mới giáo dục lần này cần lấy khâu giáo viên, cải cách sư phạm làm ưu tiên.
Điều cuối cùng tôi mong, Đảng và Nhà nước đã lo cho nhân dân “được đi học”, thì những người có trách nhiệm quản lý nền giáo dục, quản lý hệ thống giáo dục, lãnh đạo các trường học, các thầy cô phải lo cho con em nhân dân “học được - học có kết quả”, bởi hiện nay vẫn còn đó mối lo về một kiểu sư phạm quyền uy ban ơn.
| |
Phan Thảo