Ngày 25-9, tại Cần Thơ, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ LĐTB-XH và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị tổng kết phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2015. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì và chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Quyết định 1033/QĐ-TTg ngày 30-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh vùng ĐBSCL đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về giáo dục phổ thông.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, khó khăn, hạn chế của giáo dục phổ thông vùng ĐBSCL là tỷ lệ bỏ học cao, trong đó ở cấp tiểu học là 0,45% (cả nước 0,16%), cấp THCS 3,26% (cả nước 1,37%), cấp THPT 3,94% (cả nước 1,79%). Cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều phòng học xuống cấp, toàn vùng còn 1.233 phòng học tạm, hệ thống phòng chức năng thiếu và yếu. Hiện tỷ lệ trẻ 5 tuổi đạt phổ cập mầm non chưa đạt được 100% theo kế hoạch do thiếu nguồn lực đầu tư, công tác phân luồng học sinh sau cấp THCS, tuyển sinh trung học chuyên nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn có bất cập, số lượng và cơ cấu chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới giáo dục, thiếu giảng viên sư phạm có trình độ chuyên môn cao, một số cơ chế tài chính, chính sách chậm được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của thực tế.
Cơ sở vật chất, trường lớp ở ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Một điểm trường ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) Ảnh: HIỀN TRANG
Tại hội nghị, ông Võ Minh Chiến, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nêu thực trạng: ĐBSCL mới đạt 190 sinh viên/vạn dân, thấp hơn bình quân cả nước (240 sinh viên/vạn dân), tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân là 4,8 bác sĩ/vạn dân (bình quân cả nước 7,5 bác sĩ/vạn dân)…Vì vậy, ông Chiến đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành quyết định thay thế Quyết định 1033 cho giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế thời gian qua. Ngoài ra nên có chủ trương khuyến khích các trường đại học trọng điểm quốc gia hoặc đại học đào tạo có chất lượng mở phân hiệu ở các tỉnh nhằm tạo điều kiện cho sinh viên ĐBSCL có điều kiện học tập tại địa phương, giảm áp lực cho TPHCM…
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải nhìn thẳng vào những khó khăn để giải quyết, nhất là tỷ lệ học sinh vào các trường mẫu giáo còn thấp. Đây là vấn đề khó nhất và cũng là nét đặc thù của vùng, vì vậy chương trình xây dựng trường lớp cho mẫu giáo cần phải được ưu tiên đầu tư từ cơ sở trường lớp và đội ngũ giáo viên. Phó Thủ tướng cũng đề nghị xã hội hóa giáo dục bằng cách nhà nước đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, sau đó chuyển sang cho tư nhân thuê, hoặc chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính để giảm áp lực ngân sách.
Đối với các trường đại học và cao đẳng trong vùng hiện nay, Phó Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu mô hình liên kết, mở phân hiệu ở các tỉnh hoặc dùng chung chỉ tiêu tuyển sinh... Các trường lớn, trường điểm phải hỗ trợ cho các trường khác, không nên xem trường khác là đối thủ cạnh tranh. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng rà soát lại các văn bản hiện hành để có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh trường hợp gây vướng cho các địa phương, nhất là nhanh chóng xây dựng quyết định mới để thực hiện nối tiếp theo Quyết định 1033 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, với các mục tiêu thiết thực, khả thi.
MINH TRƯỜNG