Mới đây, 24 học sinh có thành tích học tập xuất sắc, thường xuyên tham gia hoạt động phong trào của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1 TPHCM) đã đại diện hàng trăm học sinh ở đây tham gia chuyến đi thực tế, giao lưu và trao học bổng cho 77 học sinh nghèo vượt khó ở 8 trường tiểu học thuộc huyện Cần Giờ.
Đây là một trong những hoạt động khuyến học thường niên của nhà trường. Kinh phí lấy từ nguồn tiền thu được từ hội chợ “Xuân yêu thương” và sự đóng góp của chính giáo viên, học sinh trong trường. Nếu những năm trước đây chỉ có đại diện giáo viên và phụ huynh tham dự chuyến đi thực tế thì năm nay, lần đầu tiên trường cử học sinh tham dự. Chính các em sẽ là người trực tiếp trao quà cho các bạn, được tận mắt chứng kiến điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, được tận tai lắng nghe những tâm tư, tình cảm của các bạn để qua đó bồi đắp thêm lòng tương thân tương ái, biết chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đáng tiếc là hiện nay chưa có nhiều đơn vị tổ chức những chuyến đi thực tế bổ ích và giàu ý nghĩa như thế cho học sinh.
Học sinh trải nghiệm thực tế ở một viện dưỡng lão. Ảnh: KHÁNH BÌNH
Người viết từng không ít lần chứng kiến các đơn vị trường học trên địa bàn TPHCM hô hào, kêu gọi giáo viên, phụ huynh và học sinh tham gia đóng góp cho các hoạt động khuyến học, trao quà từ thiện của nhà trường. Tuy nhiên, khi kêu gọi khua chiêng, gióng trống bao nhiêu thì lúc trao quà lại lặng lẽ, im ắng bấy nhiêu. Không ít trường hợp học sinh sau khi đóng góp đã lên hỏi giáo viên chủ nhiệm “Cô ơi, trường mình trao quà cho các bạn học sinh nghèo chưa ạ?”, “Chắc các bạn ấy vui lắm đúng không cô?”; hay tự mình đặt câu hỏi với ba mẹ “Không biết quần áo, đồ chơi con gởi các bạn ấy có mặc vừa không, chơi thích không?”. Thậm chí có trường hợp, đơn vị chọn cách giao toàn bộ số tiền thu được cho các hội bảo trợ, mái ấm từ thiện hoặc phòng giáo dục ở các huyện vùng sâu, vùng xa để những đơn vị này toàn quyền quyết định hình thức sử dụng số tiền sao cho phù hợp…
Không thể phủ nhận đó là giải pháp lưỡng toàn trước tình trạng quỹ thời gian có hạn, đỡ tốn kém chi phí tổ chức đi lại cho giáo viên, học sinh. Song ngay chính những người đứng ra tổ chức cũng thừa nhận cách làm như vậy chỉ có tác dụng giáo dục một nửa vì đã dạy học sinh cách quan tâm, chia sẻ với người khác nhưng lại vô tình biến các em thành những người hời hợt, không hiểu rõ hoàn cảnh của những người được mình giúp đỡ, quen với suy nghĩ “tiền là tất cả”, chỉ cần bỏ tiền ra là hoàn thành một việc tốt. Theo một chuyên gia giáo dục, đây là cách làm hết sức tai hại. Bởi lòng tốt, sự chia sẻ chỉ có giá trị trên thực tế khi “người cho đi” cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của hành động. Ở phía ngược lại, “người được nhận” cũng thấy được sự chân thành, ấm áp từ những món quà, số tiền hay đơn giản chỉ là một lời chia sẻ, một cái ôm của người khác. Thêm vào đó, từng xảy ra trường hợp phòng GD-ĐT quận nọ gởi đơn tố cáo một tổ chức từ thiện vì đã sử dụng lấp liếm, cắt xén tiền từ thiện vào những mục đích cá nhân, không có trong hợp đồng hai bên đã ký kết. Qua đó đã một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của những hoạt động kêu gọi lòng tốt một nửa, bởi nếu làm không khéo sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, dung túng sai phạm.
Xã hội càng phát triển cũng là lúc những giá trị đạo đức càng được đề cao. Song chỉ cần một chút lười biếng, sơ sẩy, ý nghĩa giáo dục tốt đẹp mà trường học đang hướng đến sẽ không còn nữa…
THANH THU