Hội thảo “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện ở Việt Nam” vừa kết thúc. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, những định hướng Bộ GD-ĐT đưa ra về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 mới chỉ là phác thảo ban đầu, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến để hoàn thiện. Tuy nhiên, đã có thể thấy rõ một số nét cơ bản của hình hài giáo dục phổ thông sau năm 2015…
Giảm các môn học
Về chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) sau năm 2015, GS Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, một trong những người tham gia soạn thảo đề án đổi mới chương trình SGK GDPT sau năm 2015 cho biết, việc xây dựng chương trình hướng đến quá trình giáo dục hình thành năng lực chung; năng lực chuyên biệt để con người có tiềm lực phát triển, thích nghi với hoàn cảnh sống, học tập, làm việc luôn biến đổi trong cả cuộc đời. Điều đó có nghĩa, chương trình GDPT sau năm 2015 sẽ được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực người học thay vì chủ yếu tiếp cận nội dung trên ghế nhà trường như hiện nay.
Để đạt tới mục tiêu đó, chương trình sẽ được thiết kế thuận lợi cho việc tổ chức quá trình giáo dục bằng các hoạt động của chính người học, hoạt động của tích hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị vốn là cơ sở để hình thành năng lực. “Giáo dục tích hợp được quán triệt khi thiết kế và thực hiện chương trình. Khi đó tích hợp nhuần nhuyễn kết hợp với phân hóa sâu dần để có một chương trình giảm số đầu môn học bắt buộc, tăng các môn học - chủ đề tự chọn nhưng học sinh lại có được vốn tri thức rộng, gắn với thực tiễn, kiến thức sẽ trở lên hữu dụng hơn”, GS Đinh Quang Báo cho biết.
Như vậy, dự kiến sau năm 2015, hệ thống chương trình GDPT sẽ giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn. Cấu trúc chương trình phổ thông vẫn sẽ được giữ nguyên 12 năm như hiện nay nhưng chương trình có trọng số cho một số môn cốt lõi. Theo đó, toán học, ngôn ngữ (tiếng Việt, ngoại ngữ) và công nghệ thông tin sẽ được coi là những môn học cốt lõi. Các cấp học (từ tiểu học đến THPT) đều sẽ giảm các môn học bắt buộc nhưng tăng các hoạt động giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực và thực hiện hướng nghiệp cho từng đối tượng học sinh.
Có nhiều bộ sách giáo khoa
Vì chương trình GDPT sau năm 2015 được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực học sinh, vì vậy Ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, SGK GDPT sau năm 2015 cũng đưa ra phương án thay đổi toàn diện cách kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục để phù hợp với việc đánh giá năng lực học sinh. Theo đó, thang đo đánh giá năng lực được quy chuẩn theo mức độ phát triển năng lực người học mà không quy về một nội dung đã học. Việc đánh giá năng lực tập trung vào sự tiến bộ của người học hơn là mục tiêu đánh giá để xếp hạng giữa những người học với nhau.
Cụ thể, hệ thống đánh giá trong chương trình GDPT sau năm 2015 bao gồm đánh giá trong quá trình học (kiểm tra trên lớp); các kỳ thi. Về các kỳ thi, Ban soạn thảo dự kiến sau năm 2015, kỳ thi tuyển sinh đầu vào THCS, THPT sẽ giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường. Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT chỉ ban hành quy chế thi, phôi bằng và xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập. Còn sở GD-ĐT sẽ tổ chức và xử lý kết quả thi. Bằng tốt nghiệp THPT được cấp cho học sinh trên sơ sở kết quả đánh giá cả quá trình học và kết quả thi.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tổ chức đánh giá trên diện rộng chất lượng GDPT bằng cách tổ chức đánh giá định kỳ quốc gia ở lớp cuối mỗi cấp học với các lớp 5, 9, 12. Kết quả đánh giá này sẽ so sánh được sự tăng trưởng chất lượng giáo dục theo thời gian của từng huyện, tỉnh.
Một vấn đề khá mới mẻ mà Ban soạn thảo đưa ra, đó là đánh giá chương trình và SGK GDPT sau năm 2015. Dự kiến, từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2021 - 2022, chương trình, SGK phổ thông sau 2015 sẽ được tiến hành thử nghiệm và dạy đại trà. “Sẽ có một chương trình quốc gia thống nhất do Bộ GD-ĐT tổ chức, xây dựng thẩm định và ban hành. Trên cơ sở đó, có thể có một hoặc nhiều bộ SGK khác nhau, hoặc một số quyển SGK khác nhau được biên soạn theo chương trình quốc gia. Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định và phê duyệt SGK”, GS Đinh Quang Báo cho biết.
Tuy chỉ mới là phác thảo, nhưng hình hài của chương trình SGK GDPT sau năm 2015 đã cơ bản rõ nét. Điều đáng nói là Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến mà các nhà khoa học, nhà giáo dục và xã hội góp ý trong thời gian qua, ví dụ như việc GDPT phải hướng đến phát triển năng lực học sinh thay vì nhồi nhét kiến thức như hiện nay; có nhiều bộ SGK thay vì một bộ SGK như hiện nay; thực hiện tích hợp để giảm đầu số môn học; thay đổi cách đánh giá kết quả học tập để giảm sức ép các kỳ thi...
Dự thảo đề án sẽ còn tiếp tục phải lấy ý kiến nhiều chiều trước khi hoàn thiện trình lên Chính phủ.
Phan Thảo