Giáo dục thể chất – phần quan trọng của nguồn nhân lực mới

Giáo dục thể chất – phần quan trọng của nguồn nhân lực mới

Chương trình mục tiêu phát triển thể dục thể thao trường học (TDTH) của TPHCM từ năm 2007 đến 2025 đặt ra: đến cuối năm 2020 mục tiêu về chiều cao thân thể của nam thanh niên 18 tuổi phải đạt thấp nhất là 1,67m - 1,68m (hiện là 1,637m), và ở nữ đạt 1,57m - 1,58m (hiện là 1,53m).

Những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cũng đồng thời trực tiếp ảnh hưởng đến thể lực. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học Nhật Bản đưa ra các yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến chiều cao của thanh thiếu niên: dinh dưỡng: 31%; thể dục thể thao (TDTT): 20%; các yếu tố khác: 20% - 26%.

Từ giáo dục thể chất ở một số nước...

Giáo dục thể chất – phần quan trọng của nguồn nhân lực mới ảnh 1

Tập thể dục để phát triển thể lực. Ảnh: C.T.V.

Canada nhấn mạnh: TDTH góp phần làm tăng chất lượng dân số và là biện pháp quan trọng để tăng hệ miễn dịch, giảm bệnh tật trong học sinh (HS). Nhật Bản xem giáo dục thể chất cho HS là một trong những hoạt động chủ đạo và họ đã thành công trong chiến lược cải cách nòi giống trong 50 năm.

Năm 1964, Chính phủ Nhật ban hành chính sách tăng cường thể chất và sức khỏe cho toàn dân gồm 3 mặt: dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe và TDTT.

Tại Trung Quốc, năm 2000, họ ban hành đề án cải cách và phát triển TDTT giai đoạn 2001 - 2010. Trong đó, lấy TDTT và TDTH làm trọng điểm và tạo mọi điều kiện để cải cách TDTH: đảm bảo mỗi HS có giờ tập luyện mỗi ngày; phát triển các câu lạc bộ TDTH. Ở cấp 1, giáo dục thể dục được đưa lên trên cả giáo dục trí lực, tâm lực.

Định biên giáo viên TDTT ở trường phổ thông tại Trung Quốc là 1 giáo viên/150 HS. Gần đây, theo luật giáo dục, trường học mới mở phải có sân vận động (trường tiểu học phải có sân tập và tối thiểu phải có đường chạy 200m - 250m. Trường cấp 2 phải có thêm nhà tập cùng các thiết bị TDTT. Trường cấp 3 phải có thêm sân bóng đá, bể bơi và một đường chạy 400m).

Nhìn lại giáo dục thể chất ở VN

Theo nghiên cứu của PGS.TS Trịnh Trung Hiếu, TS Nguyễn Anh Tuấn và Th.S Trịnh Hữu Lộc - Trường ĐHSP TPHCM - những năm qua, TDTH ở TPHCM có nhiều tiến bộ, nhưng so với nhiều nước châu Á hay Đông Nam Á thì còn yếu kém rõ rệt.

Nhận thức của nhà trường, gia đình, xã hội và HS về TDTT còn chưa đúng mức; ít chú ý chăm sóc sức khỏe cho các em ở độ tuổi 3 - 6 và 6 - 18; bỏ lỡ thời kỳ thuận lợi để phát triển thể lực, chiều cao. Chưa chú ý nghiên cứu, phổ biến kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho các em.

Thể dục nội ngoại khóa chưa đảm bảo chất lượng; nội dung và hình thức thiếu hấp dẫn, HS không thích học. TDTT được dạy như là sự bắt buộc, thiếu phương pháp khoa học; thậm chí, nhiều nơi dạy “cho có”, chứ không nhằm chăm sóc sức khỏe cho HS.

Phần lớn GV chỉ chú ý dạy động tác chứ không xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, giới tính. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả chất lượng dựa trên kết quả bài tập chứ không dựa trên sự phát triển về thể lực và sức khỏe HS. Cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện, GV TD còn rất thiếu…

Một số nguyên tắc khi luyện tập cải thiện chiều cao

Dù thực trạng hoạt động TDTT cho thanh thiếu niên nói chung và hoạt động TDTH cho HS nói riêng hiện còn nhiều bất cập, tuy nhiên, chương trình mục tiêu phát triển TDTH ở TPHCM cũng là một dấu hiệu tốt (trong đó, có nhiều nội dung tập luyện đa dạng cho các chương trình nội khóa và ngoại khóa).

Các nhà sư phạm liên quan đến ngành TDTT đặc biệt lưu ý một số vấn đề liên quan đến việc luyện tập giúp cải thiện chiều cao (cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thể lực). Theo đó, các bài tập phát triển chiều cao cần chọn nội dung luyện tập phù hợp và đảm bảo các đặc tính:

Tính nhịp điệu:
Tất cả các bộ phận, cơ quan trong cơ thể người đều hoạt động theo quy luật có tính nhịp điệu sinh học tự nhiên. Nhịp sinh học có vai trò rất quan trọng trong điều tiết các hoạt động sống của cơ thể.

Vì vậy bài tập TD phát triển chiều cao phải có tiết tấu rõ rệt, thể hiện rõ tính nhịp điệu phù hợp với quy luật này, nhằm kích thích và cường hóa nhịp sinh học của cơ thể, tạo sự phát triển hài hòa của các chức năng. Bài tập không nên rườm rà, đơn điệu.

Tính toàn diện:
Cơ thể con người là một chỉnh thể thống nhất. Nội dung, phương pháp và thời lượng của bài tập TD phải đạt mục tiêu phát triển toàn diện các chức năng của cơ thể, giúp cơ thể trẻ em phát triển toàn diện và lành mạnh, không bị quá sức do lượng vận động không thích hợp. Thực hiện bài tập chiều cao cũng là quá trình chủ động điều chỉnh sự cân bằng các chức năng sinh lý của cơ thể.

Tính thuận nghịch:
Kết hợp khéo léo các động tác thuận chiều và ngược chiều (sau khi co gập thì phải có vươn duỗi; sau khi nghiêng bên phải cần phải nghiêng bên trái…).

Tính hứng thú và tự giác tích cực:
Một buổi học gây hứng thú cho người tập sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với buổi học khô khan, nặng nề và bắt buộc. Vì vậy, HS cần nhận thức được ý nghĩa, nội dung bài học và mục đích học để có tinh thần tự giác học tập.

Các động tác có tính thẩm mỹ cao, sinh động và luôn cải tiến; những trò chơi vận động có lượng vận động trung bình kết hợp với các bài tập nhịp điệu, thể dục thẩm mỹ, các môn bóng… là những môn nhằm đạt mục đích trên.

Tính vừa sức:
Chỉ có lượng vận động thích hợp mới có khả năng thúc đẩy chiều cao tăng trưởng. Cần căn cứ vào giới tính, lứa tuổi để có nội dung tập luyện thích hợp.

– Tính hệ thống và liên tục:
Đây là một trong những nguyên tắc sư phạm cơ bản và kinh điển của giáo dục thể chất. Bài tập cũng cần thông dụng, không đòi hỏi nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ; phù hợp với nhiều đối tượng học HS để có thể dễ dàng tập luyện mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều; thời gian tập luyện mỗi lần khoảng 7 - 8 phút và có thể điều chỉnh tùy thể trạng của các em. 

TOÀN THI

Tin cùng chuyên mục