Giao thông công cộng ở một số thành phố trên thế giới

Singapore

1. Singapore: Hệ thống giao thông công cộng (GTCC) được đánh giá là tốt nhất thế giới. Singapore có nhiều loại loại GTCC trong đó hai phương tiện phổ biến nhất là xe buýt và tàu điện ngầm mà người Singapore thường gọi là MRT (Mass Rapid Transit). Người đi xe buýt trả tiền mua vé cho từng chặng, trừ trường hợp họ có thẻ từ tự động EZlink (cho phép sử dụng dịch vụ của xe buýt giá rẻ trong một thời gian dài). Hệ thống tàu điện ngầm có 63 ga, hoạt động từ 6 giờ tới 24 giờ. Taxi cũng khá phổ biến và không quá đắt.

Do diện tích rất hẹp, Chính phủ Singapore thường có những biện pháp đặc biệt để tránh tình trạng nghẽn xe, tắc đường. Chẳng hạn họ đã thiết lập các “khu vực giao thông hạn chế” nhằm ngăn chặn các phương tiện giao thông chở dưới 4 hành khách trong các giờ cao điểm.

Singapore cũng có phương tiện giao thông đường thủy phổ biến là thuyền máy nhỏ, đa số được dùng cho du lịch. Du khách tới Singapore có thể tham quan thành phố bằng đường thủy trên sông trong những tour kéo dài khoảng 30 phút.

2. Paris, Pháp: Giống như các đô thị lớn trên thế giới, Paris cũng gặp phải những vấn đề như ùn tắc vào giờ cao điểm, thiếu chỗ đậu xe. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã góp phần hỗ trợ việc điều hành giao thông, giảm bớt ùn tắc. Chính quyền thành phố, vốn theo đuổi chính sách khuyến khích GTCC và xe đạp, đã giảm bớt các khu vực cho phép đậu xe trên phố, cho lắp đặt các máy tính tiền đậu xe tự động ở nhiều nơi. Giá tiền đậu xe phụ thuộc vào khu vực.

Paris có mạng lưới GTCC đặc biệt phát triển. Ngoài tàu điện ngầm, GTCC của Paris còn có RER, Transilien, Tramway và xe buýt.

Tàu điện ngầm – Métro: Có từ năm 1900, nay gồm 16 tuyến. Trong nội ô Paris, các trạm tàu điện ngầm khá dày đặc, khoảng cách giữa hai trạm thường dưới 500m. Hiện nay, một số tuyến tàu điện ngầm được kéo dài tới cả vùng ngoại ô gần.

RER: Được viết tắt từ Réseau express régional d’Ýle-de-France, có nghĩa mạng lưới tốc hành vùng Ýle-de-France. Các tàu RER có sức chuyên chở lớn hơn métro, nối Paris với ngoại ô. Hiện nay có 5 tuyến. Trong nội ô thành phố, cũng như métro, các RER phần lớn chạy ngầm dưới lòng đất, nhưng ngoài ngoại ô các đường RER thường được xây dựng trên mặt đất. Đây là hệ thống quan trọng của giao thông Ýle-de-France. Như tuyến RER B nối sân bay quốc tế Charles-de-Gaulle với trung tâm thành phố.

Buýt: Hệ thống xe buýt của Paris do Công ty Quản lý GTCC Paris RATP khai thác. Các xe buýt ngoại ô là hệ thống Optile, do một mạng lưới các công ty tư nhân quản lý.

Tàu – Transilien: Hệ thống tàu Paris và ngoại ô cùng cả vùng Ýle-de-France mang tên Transilien do Công ty Đường sắt quốc gia SNCF quản lý. Trong Paris có 6 nhà ga lớn nối Paris với các thành phố khác và cả châu Âu.

Tàu điện – Tramway: Hiện có 4 tuyến. Tramway có sức chuyên chở trung bình, hơn xe buýt nhưng kém métro và RER. Nhưng bù lại, chạy bằng đường ray trên mặt đất, hệ thống tramway không đòi hỏi đầu tư lớn. Hiện nay, 5 tuyến tramway khác đang được xây dựng hoặc đã lên kế hoạch. Các tramway của Paris mới được đưa vào sử dụng từ năm 1992. Hệ thống tramway cũ đã kết thúc vào năm 1937.

Taxi: Đầu năm 2007, Paris có 15.500 chiếc taxi. Trung bình mỗi ngày, mạng lưới taxi Paris phục vụ 200.000 chuyến.

Xe đạp: Từ cuối những năm 1990, một mạng lưới phần đường dành riêng cho xe đạp được thiết lập và vẫn được mở rộng đều đặn. Đến cuối năm 2006, thành phố có 371 km đường cho xe đạp, bao gồm cả những phần chạy chung với xe buýt. Hệ thống Vélib’ và do Tập đoàn JCDecaux quản lý có khoảng 20.600 xe và 1.451 trạm. Đây là một chính sách giảm giao thông xe hơi của Paris.

3. Tokyo, Nhật Bản: Thành phố thuộc hàng đông dân nhất thế giới với trên 12,5 triệu dân. GTCC chủ yếu là hệ thống xe lửa và tàu điện ngầm. Xe buýt, xe lửa một ray và xe điện cũng đóng vai trò quan trọng. Đường sắt là loại hình giao thông chủ yếu với hệ thống đường sắt đô thị lớn nhất thế giới. Hệ thống đường cao tốc nối thủ đô tới các điểm khác trong vùng đại Tokyo, vùng Kanto và các đảo Kyushu và Shikoku.

Đối với mạng lưới GTCC, vị trí nhà ga hoặc trạm đỗ xe phải thuận tiện cho hành khách, thuận tiện trung chuyển giữa các loại tàu, gần hệ thống công trình công cộng như công viên, siêu thị, bãi đỗ xe... Tại Tokyo, tuyến đường mô nô ray bánh cao su (Tokyo - Haneda monorail) hoặc tuyến đường tàu không người lái bánh lốp (Auto guide Train) có khối lượng vận chuyển hành khách nhỏ nên chỉ có ý nghĩa thu gom hành khách cho các tuyến đường sắt.

Việc thu phí giao thông đối với ô tô hoàn toàn bằng thẻ tự động. Tokyo cũng có tình trạng ùn tắc giao thông, những giờ cao điểm ô tô quá nhiều phải xếp hàng chờ đèn xanh đi qua giao lộ. Hệ thống cầu vượt dành cho ô tô, tàu hỏa, người đi bộ đều hợp lý. Số người đi bộ trên các hè phố chính rất ít, vì người dân quen sử dụng tàu điện ngầm. Có tất cả 119 tuyến đường phục vụ việc di chuyển trong đô thị Tokyo. Tàu điện ngầm cứ 5 phút và tàu hỏa 6 phút có một chuyến dừng tại các ga. Vận tốc tàu điện ngầm, tàu hỏa cao tốc hiện là 300 km/giờ.

KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI - KTS LÊ THANH THOẠI - ThS. KTS KHƯƠNG NGỌC HUY


Tăng cường buýt chạy đêm

Hiện nay xe buýt chưa có tuyến nào chạy tới 10 giờ đêm. Công nhân thường phải đi làm theo ca nên thời gian đi về thất thường có khi phải vào ca 6 giờ sáng và về 10 giờ đêm. Nhưng các tuyến chạy sớm rất hiếm, còn khi tan ca 10 giờ khuya thì không thể bắt được xe nào nữa. Còn đối với sinh viên và học sinh, đi học giờ chính khóa thì thường phải chen lấn khi lên xe buýt hoặc đứng đợi cả tiếng đồng hồ để đón xe như tuyến 50 từ Trường ĐH KHXH-NV về làng Đại học Thủ Đức. Sinh viên thường đi học đi làm thêm rất nhiều, đi xe buýt là lựa chọn số 1 vì rất an toàn và đỡ mệt thay vì đi bộ và đạp xe. Giá như xe buýt chạy tới 10 giờ đêm thì tốt biết mấy.

THU HƯƠNG

Cải tiến nhà chờ

Một trong những yêu cầu cải tổ hệ thống xe buýt chính là việc nâng cấp, sửa sang và bố trí hợp lý các nhà chờ, điểm chờ xe buýt. Hiện nay ở nhiều nơi chất lượng nhà chờ kém khiến hành khách cảm thấy mình đang bị “hành hạ” khi chờ xe buýt. Nhiều nơi, như ở đường Trường Chinh, đoạn cổng KCN Tân Bình, rất đông công nhân và có cả học sinh cũng như người già đứng chờ nhưng lại không có nhà chờ xe buýt. Những trưa nắng rất nhiều em học sinh đứng dưới nắng chang chang để chờ xe buýt. Mùa mưa, đón xe buýt ở đây khách chẳng biết trú mưa ở đâu?

Việc nâng cấp, cải tiến, trang bị thêm cho những nhà chờ xe buýt rất cần thiết, cấp bách. Nếu còn tồn tại mãi cái cảnh hành khách vừa đứng, vừa ngồi nhếch nhách ngay vỉa hè, lề đường để đón xe buýt thì có lẽ còn rất lâu nữa xe buýt mới trở nên phổ biến được. 

 XUYÊN MỘC

Không thu tiền giữ xe máy

Từ năm 2005 đến 2009, tại bến xe buýt Củ Chi có bãi giữ xe gắn máy không thu tiền giữ xe của khách nhằm khuyến khích mọi người đi xe buýt. Việc làm này được nhiều người đồng tình và hưởng ứng vì góp phần hạn chế lưu lượng xe làm nghẽn tắc giao thông khi vào thành phố. Đầu năm 2010 khi bến xe Củ Chi được nâng cấp rộng rãi, thoáng, nhà để xe được xây lại và mở rộng thêm thì nhà giữ xe thu lệ phí gởi xe gắn máy 2.000 đồng/lượt. Số tiền không lớn nhưng theo tôi, tại bãi gởi xe ở các bến xe Sở Giao thông vận tải nên có chủ trương không thu tiền gởi xe gắn máy, coi như thêm một biện pháp giúp mọi người chọn buýt làm phương tiện đi lại.

TRẦN VĂN TÁM (Trường Trung Lập Hạ- Củ Chi-TPHCM)

>> Diễn đàn: Làm thế nào để "mọi người cùng buýt" - Cần tiếp tục cải tiến

Tin cùng chuyên mục