Xăng lên giá, đồng lương giáo viên 2 triệu đồng vẫn sống tạm ổn nếu hạn chế đi lại. Giá điện tăng, lương vẫn “bình ổn”, gia đình chịu nóng, chịu tối thêm vài giờ cũng chưa đến nỗi nào. Đến lượt gạo muối đường bột ngọt ngoài chợ đua nhau tăng chóng mặt thế này thì thành chuyện lớn mất” - một cô giáo thở dài tâm sự. Và trong thời “bão giá”, giáo viên (GV) chỉ còn cách hạn chế chi tiêu sinh hoạt mới mong đủ sống với đồng lương hợp đồng tròm trèm vài triệu đồng…
Cầm cự
Chuyện đời sống GV vất vả đã trở thành chuyện cũ “biết rồi, khổ lắm”, nhưng nói mãi vẫn chưa thể cải tiến. Sau thời gian mỏi mòn chờ đợi lời hứa “GV sống được bằng lương”, những người trong cuộc cũng không còn dám hy vọng kỳ tích có thể biến thành hiện thực.
Thầy Đặng Công Vinh Bửu, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc, cảm thán: “Đó là câu chuyện muôn thuở khó lòng giải quyết! Là người đứng đầu một trường, tôi luôn trăn trở làm sao để cả trăm GV của trường sống tốt. Nhưng bằng cách nào? Nhà trường không thể làm gì thêm, tăng thu lại “vướng”, chỉ có thể vận dụng Nghị định 43 về tự chủ tài chính, tiết kiệm chi tiêu để mỗi GV có thêm vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. GV dạy các môn văn hóa chính thì dạy thêm ở trung tâm, người dạy môn phụ, buôn bán ở nhà hoặc làm thêm… Chèo chống đến một lúc nào đó hết chịu nổi rồi cũng bỏ ngành và khi đó không thể chỉ giữ họ bằng tình cảm được. Chúng ta phải chấp nhận quy luật tất yếu của cuộc sống”.
Mức lương của GV được tính theo hệ số thâm niên nên hầu hết GV trẻ mới ra trường vài năm cố gắng chịu thương chịu khó với mức lương 2 - 3 triệu đồng để chờ ngày lên thâm niên. Nhưng đến khi trở thành GV công tác trong ngành hơn 20 năm cũng chưa chắc có mức lương được… đóng thuế thu nhập. Bản thân thầy Đặng Công Vinh Bửu đã công tác 26 năm nhưng mức lương cũng chỉ tròm trèm 4 triệu đồng/tháng. Cả hai vợ chồng thầy đều sống bằng nghề giáo nên rất chật vật khi nuôi 2 con ăn học.
Thầy Trần Minh Thư, Hiệu trưởng Trường TH Điện Biên (quận 10), chia sẻ: Những giờ ra chơi, anh chị em GV ngồi lại tâm sự với nhau nghe mà chạnh lòng. Dù biết là theo nghề phải chấp nhận khó khăn nhưng đồng lương GV hiện nay quá thấp, không thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho gia đình, vợ chồng con cái được đủ đầy.
Điệp khúc “chờ”
Với điệp khúc “hứa thật nhiều”, trong nhiều năm qua, GV phải tự xoay xở bằng nhiều cách mới mong đủ sống. Nhưng đó là giải pháp của GV ở nội thành, những GV ở xa đến dạy tại các trường ngoại thành đành ngậm ngùi chịu đựng. Trước giá xăng tăng đến chóng mặt, nhiều GV dạy tại Trường THPT Long Thới (Nhà Bè) không dám về thăm nhà thường xuyên như trước, phải thuê phòng ở lại gần trường, cuối tuần mới về thăm nhà một lần.
Nhưng như thầy Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) lý giải, đời sống GV eo hẹp sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. “Tùy vào thâm niên mà GV có được mức lương từ 2 - 4 triệu đồng/tháng. Nhà trường vận dụng Nghị định 43 tiết kiệm chi tiêu cũng chẳng thấm vào đâu khi giá cả cứ tăng vùn vụt.
Một thực tế là đời sống GV khó đảm bảo, buộc họ phải phân sức cho việc kiếm sống thay vì tập trung 100% toàn lực cho việc giảng dạy. Hãy nhìn vào thực tế, chúng ta không thể đòi hỏi tăng chất lượng, dạy cá thể hóa khi mà đời sống GV eo hẹp, áp lực công việc lại cao. Không chỉ GV gặp khó khăn trong thời bão giá, với những mức thu theo quy định như hiện nay, những bữa ăn bán trú của trẻ cũng khó lòng cầm cự mãi được”.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch Công đoàn Sở GD-ĐT TPHCM cũng nhìn nhận chỉ có thể động viên GV an tâm làm việc, tập trung ôn tập tốt cho kỳ thi cuối năm; vận động các nhà hảo tâm chăm lo thêm cho những GV có hoàn cảnh khó khăn. Sắp tới, mỗi trường phải tiết kiệm 10% chi tiêu kéo theo việc chăm lo cho GV càng giảm. Ngành cũng chỉ có thể kiến nghị để hỗ trợ thêm đời sống GV rồi cũng phải… chờ. Nghị định 49/2010 đã “bật đèn xanh” để tăng học phí nhằm tăng chất lượng giáo dục, cải thiện đời sống GV nhưng đề án vẫn chưa được thông qua. Vì vậy, bài toán cải thiện đời sống GV vẫn là một câu hỏi lớn không lời đáp.
MỸ HẰNG