Giáo viên - Càng tuyển càng thiếu!

Trong buổi tổng kết công tác chuẩn bị năm học mới 2011-2012, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đã tuyên bố đủ nguồn cung giáo viên (GV) cho tất cả bậc học. Bằng chứng là con số 6.492 hồ sơ đăng ký dự tuyển qua mạng mà sở nhận được so với con số 4.905 GV theo nhu cầu của 24 quận, huyện. Chưa kể sau đợt xét tuyển đầu tiên, địa phương nào còn thiếu có thể tiếp tục tuyển người vào các đợt 2, 3 và 4 trong năm. Như vậy, phải chăng bài toán thiếu hụt GV nhiều năm qua của TP đã có lời giải? Vậy vì sao các trường vẫn liên tục kêu thiếu GV?
Giáo viên - Càng tuyển càng thiếu!

Trong buổi tổng kết công tác chuẩn bị năm học mới 2011-2012, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đã tuyên bố đủ nguồn cung giáo viên (GV) cho tất cả bậc học. Bằng chứng là con số 6.492 hồ sơ đăng ký dự tuyển qua mạng mà sở nhận được so với con số 4.905 GV theo nhu cầu của 24 quận, huyện. Chưa kể sau đợt xét tuyển đầu tiên, địa phương nào còn thiếu có thể tiếp tục tuyển người vào các đợt 2, 3 và 4 trong năm. Như vậy, phải chăng bài toán thiếu hụt GV nhiều năm qua của TP đã có lời giải? Vậy vì sao các trường vẫn liên tục kêu thiếu GV?

Nhiều trường ở ngoại thành TPHCM còn thiếu giáo viên. Ảnh: T.S.

Nhiều trường ở ngoại thành TPHCM còn thiếu giáo viên. Ảnh: T.S.

Tại huyện Bình Chánh, nhu cầu tuyển dụng GV năm nay ở bậc mầm non là 42 người nhưng mới tuyển được 27, tiểu học cần  thêm 150 GV nhưng mới có 67 hồ sơ dự tuyển. Hay quận Bình Tân, cần thêm 300 GV cho tất cả bậc học nhưng mới tuyển được 201.

Ngay cả quận 4, thuộc khu vực trung tâm TP, cũng thiếu hụt GV trầm trọng. Dự kiến nhu cầu GV ở các bậc học là 105 người nhưng sau đợt xét tuyển đầu tiên mới nhận được 54 hồ sơ. Phó phòng Giáo dục quận 4, bà Cao Thị Tuyết Mai, cho biết, tham gia ứng tuyển có rất nhiều người đến từ các huyện Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ. “Họ đến thì mình hoan nghênh, song không ai đảm bảo những GV này sẽ gắn bó lâu dài với quận vì khoảng cách địa lý quá xa, thuê nhà ở thấp nhất cũng 800.000-1.000.000 đồng/người/tháng trong khi đồng lương GV chỉ tròm trèm 2.000.000 đồng” - bà Mai cho biết.

Thầy Lê Đình Hoe, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, cho biết nhiều năm qua 100% GV sau khi hoàn thành niên hạn công tác theo quy định là 4 năm đối với nam và 3 năm đối với nữ đều xin chuyển về nội thành nên năm nào trường cũng tuyển người nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ngoại thành.

Lý giải điều này, đại diện phòng giáo dục của các quận, huyện đều cho biết do hiện nay, quy định về các khoản phụ cấp cho GV quá thấp, chưa có chế độ hỗ trợ GV công tác ở khu vực ngoại thành nên “đất lành” nhưng “chim vẫn không đậu”. Huyện Bình Chánh từ 2 năm qua đã áp dụng thêm chế độ phụ cấp xăng cho GV đi đến trường xa hơn 15km nhưng chẳng bõ bèn gì (chỉ bằng 0,3% lương tối thiểu). Hay như quận 4 nhiều năm qua áp dụng chế độ phụ cấp 15.000 đồng/giờ dạy (45 phút) cho GV dạy đủ 2 buổi/ngày, song với tốc độ trượt giá của đồng tiền và tình hình vật giá như hiện nay, nhiều GV vẫn không đủ sức bám trường, bám lớp như tâm nguyện.

Từ 1-9-2011, theo quy định mới, GV có thời gian công tác từ 5 năm trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên, bằng 5% lương hiện hữu. Song, với cách tính như thế, một GV công tác hơn 5 năm trong nghề lương 2,5 triệu đồng chỉ được phụ cấp 125.000 đồng (25.000 đồng/năm). “Phụ cấp như thế thì GV giàu tâm huyết đến mấy cũng khó lòng sống được với nghề. Do đó, năm nào các trường cũng rầm rộ xét tuyển nhưng thiếu GV vẫn hoàn thiếu”, một đại diện Phòng Giáo dục quận 8 cho biết.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục