Vừa qua, Tổ chức Thương mại thế Giới (WTO) đã xử Boeing thắng kiện trong khuôn khổ đơn kiện đầu tiên được đưa ra cách đây 15 năm. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là mức phạt Mỹ đưa ra đối với tập đoàn máy bay của châu Âu chỉ là 10%, bắt đầu từ hôm nay 8-10.
Vì sao Mỹ lại “giơ cao đánh khẽ” đối với Airbus? Theo tờ Les Echos, phía Mỹ đã từng dọa áp thuế đến 100% trên giá bán các loại máy bay và linh kiện rời nhập khẩu từ châu Âu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cấm Airbus bán các sản phẩm của mình ở Mỹ. Biện pháp này cũng có thể đe dọa đến sự tồn tại của các chuỗi dây chuyền lắp ráp dòng A320 tại bang Alabama (Mỹ). Thực tế, mức thuế 10% cũng đã làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động của nhiều hãng hàng không Mỹ, vốn đã đặt hàng 700 chiếc máy bay với Airbus. Hiện nhu cầu sắm mới máy bay của các hãng hàng không Mỹ lớn đến mức Boeing khó có thể một mình đáp ứng, trong khi hiện nay Boeing còn đang gặp khó khăn trong việc bàn giao các máy bay 737 Max.
Ngoài ra, Les Echos cho rằng Boeing cũng phải nhập khẩu nhiều trang thiết bị và các linh kiện hàng không từ châu Âu để chế tạo và lắp ráp máy bay của mình như thân máy bay Boeing 787 do hãng Leonard của Italy cung cấp hay như một nửa các động cơ 737 là do tập đoàn Safran của Pháp chế tạo. Do vậy, áp thuế các mặt hàng hàng không của châu Âu chẳng khác gì tự đánh thuế vào chính Boeing của Mỹ.
Có điều, khi đánh khẽ Airbus, khoảng 150 mặt hàng nông sản hay công nghiệp của châu Âu lại phải lãnh đòn phạt thay. Mỹ thông báo một danh sách dài các mặt hàng của từng nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị áp thêm 25% thuế như rượu vang (Pháp và Tây Ban Nha), phô mai (Pháp và Itlay), rượu whisky (Scotland), các loại dụng cụ công nghiệp (Đức)... Sự việc cho thấy Mỹ đang gia tăng sức ép với EU, một đối tác mà Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng cáo buộc là còn “tệ hơn cả Trung Quốc nhưng quy mô nhỏ hơn”. Quyết định trên được Mỹ đưa ra trong bối cảnh các mặt hàng nhôm và thép của EU đang bị áp thêm thuế. Do đó, ông Donald Trump tính rằng Washington lợi được 9 tháng trước khi WTO cho phép đến lượt Brussels trừng phạt Washington vì đã hỗ trợ Boeing. Đến ngày 13-11 tới, Chính phủ Mỹ còn sẽ quyết định có áp thuế đối với mặt hàng xe hơi của châu Âu hay không.
Từ nay đến thời điểm WTO cho phép Brussels trừng phạt Washington, tình hình kinh tế của châu Âu thể sẽ còn xấu đi nhiều, nhất là với vụ Anh rời khỏi EU (Brexit), nhưng châu Âu vẫn muốn tránh một cuộc leo thang căng thẳng với Mỹ bởi điều này chỉ có lợi cho Trung Quốc. Ông Sebastien Jean, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về kinh tế quốc tế của Pháp (CEPII), cho rằng cuộc chiến này giữa Mỹ và châu Âu thật khó hiểu, trong khi mối đe dọa thật sự, trên phương diện hàng không, đến từ đối thủ Trung Quốc hiện đang rình rập thâm nhập thị trường. Bắc Kinh sắp đưa ra thị trường dòng máy bay Comac C919 với đường bay trung bình, tương đương B737 và A320, 2 dòng sản phẩm chính của Boeing và Airbus.