Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết có thể sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào chính phủ của ông Bashar al-Assad được đưa ra trong thời gian tới.
Đạo luật Caesar cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài nào tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng hoặc kỹ thuật của Syria cũng như bất cứ tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính cho chính quyền Damascus. Chính phủ Syria chỉ trích đây là “một sự vi phạm trắng trợn” luật pháp quốc tế cũng như quyền con người, nhấn mạnh đạo luật này sẽ gây thêm sự đau khổ cho người dân Syria trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Không chỉ Mỹ, Le Monde cho biết Liên minh châu Âu hôm 28-5 cũng đã gia hạn các biện pháp trừng phạt Syria. Một số nhân vật, các ngân hàng, công ty và cơ quan nhà nước cũng bị trừng phạt theo danh sách đen của Brussels, thậm chí các lĩnh vực chủ chốt như dầu mỏ cũng bị cấm vận. Mỹ và châu Âu cho rằng đây là những biện pháp cần thiết chỉ nhắm vào chế độ của Tổng thống Assad và vẫn có những miễn trừ nhân đạo. Tuy nhiên, sự thật là nền kinh tế của Syria đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn khi tỷ giá quy đổi đồng bảng Syria sang đồng USD đang rơi ở mức thấp kỷ lục, khi 1.800 bảng Syria mới đổi được 1 USD trong khi hồi tháng 3-2020, 47 bảng Syria đã đổi được 1 USD.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Đạo luật Caesar không bảo vệ người Syria mà gây tổn hại tới họ. Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Washington hoàn toàn nhận thức được rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đã có hiệu lực trong một vài năm, cùng với những hạn chế mới được bổ sung, dẫn tới sự mất giá đồng tiền Syria, tăng giá nhiên liệu, thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Đã đến lúc thừa nhận những thiệt hại mà các biện pháp trừng phạt được coi là có mục đích “tốt” này gây ra cho người dân nghiêm trọng đến mức nào. Phạm vi miễn trừ nhân đạo chỉ giới hạn trong y tế và thực phẩm. Khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện đang làm giá cả tăng chóng mặt, khiến người dân không có đủ khả năng chi trả cho các nhu cầu hàng ngày. Theo thống kê, có tới 80% người dân Syria sống dưới mức nghèo; 9,3 triệu người đang thiếu lương thực. Môi trường và cơ sở hạ tầng ở Syria cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau gần 1 thập niên xung đột. Việc chuyển hàng cứu trợ qua biên giới vẫn chỉ là giải pháp tạm thời do gặp quá nhiều trở ngại. Trong khi đó, đối tác kinh tế nước ngoài có xu hướng quay lưng với Syria do chi phí tài chính và các rắc rối hành chính liên quan đến khách hàng có khả năng gặp rủi ro.
Các lệnh trừng phạt, dù vì bất cứ mục đích gì, e rằng cũng nên có giới hạn. Thay vì cứ mãi đòi hỏi một sự chuyển đổi chính trị, Brussels và Washington nên nới lỏng dần một số biện pháp để đổi lấy những nhượng bộ dễ chấp nhận hơn, tạo điều kiện cho cuộc sống của dân thường dễ thở hơn. Suy cho cùng, cho dù trên sàn đấu chính trị hay ngoại giao, người dân vẫn luôn là đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất.