Để giữ được cái tên, sống trọn vẹn, xứng đáng với cái tên ấy, ông ngoại chị, ba má chị và hơn ai hết là chính bản thân chị đã vượt qua không ít trở ngại, khó khăn kể từ ngày chị cất tiếng khóc chào đời.
Chị mở bóp lấy giấy chứng minh nhân dân cho chúng tôi xem. Trên tấm chứng minh nhân dân mới làm, in rõ họ và tên: Nguyễn Thị Minh Khai, trú tại Bà Điểm, Hóc Môn, TPHCM. Chị cười: “Chính vì cái tên đặc biệt này mà ba má mình cũng khổ lắm đó”.
Năm 1930, chi bộ Đảng đầu tiên tại Tân Thới Nhứt, Bà Điểm được thành lập do đồng chí Phan Văn Đối làm bí thư. Sự ra đời chi bộ Đảng là do sự đóng góp công sức của các đồng chí Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần khi các đồng chí về hoạt động tại Bà Điểm.
Sau khi khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, giặc tiến hành khủng bố trắng, truy bắt gắt gao đảng viên. Tổ chức Đảng nhiều nơi tan rã, đảng viên bị bắt, bị xử tử. Một số đảng viên ở Bà Điểm vẫn kiên trì bám trụ, gầy dựng lại cơ sở và tiếp tục hoạt động cách mạng.
Đến khoảng năm 1960, đồng chí Nguyễn Văn Quýt - một trong 7 thành viên của cấp ủy chi bộ Tân Thới Nhứt, Bà Điểm thời kỳ đầu tiên - bị địch bắt. Trong thời gian ông bị giam cầm, con gái ông là bà Nguyễn Thị Bưng tìm cách xin vào thăm cha. Lúc này, bà Bưng đang mang thai. Biết mình đã sa vào tay giặc thì khó có ngày trở về, ông Quýt dặn con: “Nếu sinh con trai thì đặt tên là Trường Chinh, nếu sinh con gái thì đặt tên là Minh Khai để sau này lớn lên, cháu học được khí phách của các anh, các chị mà sống có ích cho dân, cho nước”.
Đó cũng là lần sau cùng bà Bưng gặp cha. Một thời gian sau, gia đình được tin ông Quýt đã chết nhưng không biết chôn ở đâu. Đau thương tột cùng, bà Bưng chỉ còn biết ghi nhớ và làm đúng lời cha dặn. Năm 1961, chị sinh con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Minh Khai.
Vợ vừa hạ sinh con gái bụ bẫm, ông Nguyễn Văn Phấn, chồng bà Bưng ra chính quyền xã làm khai sinh cho con. Vừa nghe anh nông dân khai tên con là Nguyễn Thị Minh Khai, tay cán bộ xã hết sức bất ngờ, trợn mắt hỏi:
- Bộ hết tên hay sao mà lựa tên này đặt? Anh đặt tên này là có ý đồ gì?
- Thì Minh là sáng, Khai là mở. Tôi đặt tên con vậy, mong cho nó sau này lớn lên sáng sủa dễ coi, thông minh học giỏi, có gì đâu mà mấy anh bắt bẻ?
Ông nói hết lý hết lẽ mà cán bộ xã vẫn không đồng ý. Hai vợ chồng trở về bàn với nhau: “Đổi tên khác thì khai sinh được ngay nhưng còn tâm nguyện của cha trước khi mất, làm sao mà quên được. Những đứa con trước của hai vợ chồng, ông cụ cũng có ý đặt theo tên của những anh hùng nhưng cuối cùng rồi cũng không trọn vẹn. Đứa con trai định đặt tên Trường Chinh thì sau lại đổi thành Văn Chinh, đứa nữa định đặt là Nguyễn Tri Phương thì cuối cùng cũng phải đổi thành Nguyễn An Phương. Giờ còn đứa con gái này, nhất định phải thực hiện đúng như ước nguyện của ông cụ”. Nghĩ vậy, hai vợ chồng không đi làm khai sanh nữa. Thế nhưng, đâu phải cứ vậy là được yên thân. Ít ngày sau, chính quyền xã có lệnh bắt giam ông Nguyễn Văn Phấn vì cái tội dám đặt tên con theo tên phản loạn. Tra hỏi không xong, chúng còn đưa ông Phấn ra bót giam kèm theo lời hăm dọa: “Từ nay, tên mày bị ghi vào sổ bìa đen, là thành phần ngoan cố, chống đối, cần quản thúc, theo dõi chặt”.
Tới tuổi đi học, cô bé Nguyễn Thị Minh Khai không được tới trường như chúng bạn vì không có giấy khai sinh. Thèm được đi học, cô bé ở nhà lấy cành cây, mẩu gạch vạch lên nền đất để tập viết chữ, tập làm toán. Thương cháu, một người dì ruột của Minh Khai, vốn là giáo viên của một trường cấp 1 đã xin cho cháu vào học ké. Dù nằm ngoài danh sách học sinh nhưng cô bé Minh Khai thông minh sáng dạ vẫn theo kịp bạn bè và lên lớp đều đều. Học hết cấp 1, phải chuyển sang trường khác, lúc này, người dì phải đưa Minh Khai đi nhờ một người quen biết với cán bộ địa phương đút lót làm cho cháu một giấy khai sinh giả để có thể tiếp tục đi học.
Sau ngày thống nhất đất nước, chị Nguyễn Thị Minh Khai mới được làm giấy khai sinh. Đến năm 1983, chị được xếp vào diện cảm tình Đảng. Thế nhưng sau đó, hồ sơ của chị bị xếp lại vì một lý do rất tế nhị, không ai nói ra: Có cái tên “phạm húy”. Không nản chí, chị tiếp tục công tác, tiếp tục phấn đấu. Đến năm 1998, sau 3 lần viết lại lý lịch và đơn xin vào Đảng, chị Nguyễn Thị Minh Khai đã vinh dự trở thành đảng viên.
Hiện chị là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hóc Môn. Chị chia sẻ: Mấy chục năm trời, chưa bao giờ ba mẹ tôi và bản thân tôi có ý nghĩ sẽ thay tên để mọi sự được dễ dàng. Là con cháu sinh ra trên mảnh đất 18 thôn Vườn Trầu, dù chưa làm được gì lớn lao như các anh hùng đã ngã xuống tại nơi đây nhưng tôi vẫn tâm niệm giữ lấy cái tên, cũng là giữ lấy ước mong của ông ngoại, của bố mẹ, giữ lấy ngọn lửa trong lòng mình để sống sao cho xứng với cái tên mình đang mang.
Hồ Việt - Mai Hương