Vừa qua, tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã trả lời chất vấn về việc nhiều thương lái nước ngoài mua gom nông sản trái phép, lừa đảo. Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng cần lưu ý hơn về vấn đề này để có giải pháp thích hợp.
- Nông sản bán ra thường bị thua thiệt
Mới đây, thương lái nước ngoài mua gom cua mang đi mà không hẹn ngày trở lại khiến nhiều chủ vựa cua ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn (Cà Mau) khốn đốn. Dư luận hoang mang, các chủ vựa cua kêu khổ và giới truyền thông phải lên tiếng cảnh báo chuyện hợp đồng mua bán với thương lái nước ngoài. Ngoài vụ mua gom cua ở Vĩnh Long, Cần Thơ, người trồng và người thu mua khoai lang cũng gặp cảnh thương lái nước ngoài ép giá, vạt bỏ những củ khoai lớn (loại củ lớn từ 3 củ/kg) một cách phi lý, khiến đa số nông dân trồng khoai lang Tím Nhật lỗ nặng. Và cũng đang có thông tin thương lái nước ngoài luồn sâu về vùng dứa Tiền Giang, Kiên Giang trực tiếp mua dứa trái loại lớn giá cao, khiến dư luận lại phải lên tiếng cảnh giác nông dân.
Trước đây, từng xảy ra tình trạng cứ tới mùa thu hoạch tôm, hay vào vụ cạo mủ cao su, thu hoạch sắn lát hay khoai lang…, lại có nhiều thương nhân nước ngoài với sự tiếp tay của thương lái xuống tận các trang trại hay cơ sở chế biến để ứng tiền tranh mua nông hải sản ngay tại chỗ và trực tiếp với nông dân khiến nhiều nhà máy thủy sản, xưởng sơ chế phải khốn khó vì thiếu nguyên liệu. Kiểm lại, đã có rất nhiều vụ hợp tác làm ăn kinh doanh “không chính thức” với người nước ngoài đã để lại hậu quả cho dân ta phải gánh chịu, từ trồng rừng ở các tỉnh biên giới đến việc mua bán dừa khô, dưa hấu, thanh long, nhãn, vải, heo, cá… từ nhiều năm qua, tất cả ta đều bị lệ thuộc thương lái nước ngoài. Để xảy ra như thế là do trên đất liền từ lâu chúng ta đã cho họ vào tận các vùng sản xuất hàng hóa, họ biết rõ diện tích, sản lượng, mùa vụ thu hoạch rộ, nên đến thời điểm “nhạy cảm” sẽ xuống tay ép giá, phá vỡ hợp đồng hoặc ngưng mua, thế là nông dân đành “chịu chết” mà không làm gì được.
Muốn khắc phục tình trạng lũng đoạn thị trường nông sản, các ngành các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền nhận thức, phát động quần chúng nâng cao cảnh giác về mặt an ninh kinh tế. Và nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các vùng miền chủ động tìm những thị trường khác nữa để nông dân không bị bắt chẹt khi đến mùa thu hoạch.
NGUYỄN VĂN THƯỚC (Liên hiệp Hội KHKT Cà Mau)
- Cảnh giác những bất thường trong việc thu gom
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, một số thương lái nước ngoài vào Việt Nam thu mua nông sản và sản vật ở các địa phương, gây thiệt hại sản xuất và đời sống nông dân, ảnh hưởng xấu an ninh lương thực, hủy hoại môi trường sinh thái. Các thương lái này rao thu mua một số nông sản với giá cao ngất ngưởng, khiến nhiều nông dân đổ xô nuôi trồng, nhưng rồi sau đó không thấy ai thu mua; cơ cấu phát triển cây trồng - vật nuôi ở các địa phương bị phá vỡ. Đối tượng bị lừa phần lớn là những nông dân nghèo khó. Theo tôi, đây là một hiện tượng rất đáng lo ngại, các ngành chức năng liên quan như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Công an cần quan tâm chấn chỉnh một cách có hiệu quả.
Sau những vụ thu mua móng trâu bò, dược liệu, gỗ sưa…, gần đây, một số thương lái nước ngoài lại thu mua đỉa sống với giá 180.000 - 200.000 đồng/kg. Do giá thu mua cao nên nhiều nông dân bỏ việc đồng áng, lo lùng sục bắt đỉa và còn… nuôi đỉa để bán. Chỉ mua gom đỉa một thời gian ngắn, các thương lái này biến mất, để lại hậu quả là khắp ao hồ, sông ngòi xuất hiện đầy đỉa - do đỉa có khả năng sản sinh rất nhanh.
Cần phải cảnh giác ngăn chặn việc thu mua hàng hóa có biểu hiện phá hoại, chủ động phát hiện, cảnh báo cho nông dân để không tiếp tay và không bị lừa; tuyên truyền cho nông dân hết sức cảnh giác trước những vụ việc có yếu tố bất thường về giá cả, hàng hóa nông sản, nếu không, hậu quả sẽ ngày càng xấu trên mặt trận nông nghiệp - nông thôn nói riêng và các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
NGUYỄN TIẾN ĐẠT (Giám đốc BHXH Đức Trọng, Lâm Đồng)
- Phải có chính sách bảo hộ nông sản
Tôi còn nhớ khoảng năm 1970 ở miền Nam rộ lên cơn sốt nuôi chim cút. Chim cút thực chất chỉ là loài gia cầm bình thường, nhưng những kẻ muốn trục lợi đã tung tin thu mua trứng cút với giá cao ngất ngưởng khiến nhiều người đổ xô đầu tư nuôi chim cút, mặc dù lúc đó giá mua con giống rất đắt. Thực tế cơn sốt nuôi chim cút nhanh chóng tàn lụi, nhiều người sau khi bán nhà để đầu tư nuôi chim cút đã bị phá sản, thậm chí có không ít người cùng quẫn đến nỗi tự tử. Trong những năm gần đây, cũng đã xuất hiện nhiều cơn sốt tương tự do những thương lái nước ngoài tung tin thu mua các loại cây trồng, vật nuôi và cả các sản vật trong thiên nhiên với giá cao. Các hành vi đó gây tổn thất công sức và tiền vốn nhàn rỗi trong dân và làm suy giảm niềm tin của người dân với chính quyền.
Muốn giữ vững chủ quyền quốc gia, không chỉ chú trọng lĩnh vực chính trị, quân sự, mà còn cả kinh tế nữa. Đã bao lần xuất hiện các vụ thương lái nước ngoài rỉ tai nông dân thu mua nông sản và các sản vật trong thiên nhiên với giá ngất ngưởng, rồi sau đó họ biến mất tăm, để lại cho nông dân một đống nợ trên những sản phẩm hư thối.
Giải pháp quan trọng nhất đối với nạn lũng đoạn kinh tế này là có chính sách bảo hộ sản phẩm của nông dân làm ra, dù được mùa hay thất mùa, dù giá cả trên thị trường có lên hay xuống. Đó là cách giữ niềm tin của nông dân để họ an tâm chí thú sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần giáo dục nâng cao ý thức cho người dân không dễ lung lay trước những lời khuyến dụ làm xáo trộn thị trường trong nước.
NGUYỄN NGỌC HÀ (Phường 9, quận 3, TPHCM)