Giữ trẻ mùa lũ - Giảm nguy cơ chết đuối

Hiện ĐBSCL đã có hàng chục người bị chết đuối nước; trong đó phần lớn là trẻ em. Ở hai tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp hàng trăm điểm giữ trẻ đang được lập ra để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Giữ trẻ mùa lũ - Giảm nguy cơ chết đuối

Hiện ĐBSCL đã có hàng chục người bị chết đuối nước; trong đó phần lớn là trẻ em. Ở hai tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp hàng trăm điểm giữ trẻ đang được lập ra để đảm bảo an toàn cho trẻ.

  • An toàn cho trẻ

Tại tỉnh An Giang, mấy ngày qua đã có hàng trăm điểm giữ trẻ ở các huyện đầu nguồn như An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên… đi vào hoạt động; trong đó nhiều nhất là huyện An Phú có 20 điểm với gần 1.000 trẻ được chăm sóc, bảo vệ.

Ở xã Phú Hội là nơi có nhiều điểm giữ trẻ tập trung nhất ở huyện An Phú. Mấy ngày qua nhiều con đường trên địa bàn xã này đã ngập sâu trong nước, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. UBND xã Phú Hội và Phòng LĐ-TB-XH huyện An Phú đã vận động người dân lập 3 điểm trông giữ trên 120 trẻ từ 1 đến 8 tuổi.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng phòng LĐTB-XH huyện An Phú, hầu hết các cháu được vận động đến điểm giữ trẻ đều là con nhà nghèo, cận nghèo sống trong vùng ngập lũ; nhiều cháu chưa đủ tuổi hoặc cha mẹ không có điều kiện đưa các cháu đến trường mẫu giáo. Tại các điểm giữ trẻ, mỗi ngày các cháu sẽ được hỗ trợ 10.000 đồng tiền ăn. Riêng các bảo mẫu được nhận lương 700.000 đồng/tháng.

Tại Đồng Tháp, UBND tỉnh cũng đã cấp kinh phí cho các địa phương trong tỉnh 13 tỷ đồng để thuê mướn giáo viên, thuê nhà dân... tổ chức nên 400 điểm giữ trẻ và thu hút khoảng 4.000 trẻ em độ tuổi mầm non trong vùng lũ đến học. Nhờ gửi con em tại các điểm giữ trẻ mà các gia đình sống trong vùng lũ an tâm hơn trong lao động, sản xuất.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Hồng Ngự, trong mùa lũ năm nay huyện Hồng Ngự tổ chức 25 điểm, nhóm giữ trẻ trong cộng đồng thu hút hơn 400 trẻ em theo học.

Tuy nhiên, do nước lũ lên cao, một số nhà dân được thuê mướn làm điểm giữ trẻ bị ngập nên huyện Hồng Ngự cho 4 điểm, nhóm tạm nghỉ. Hiện địa phương chỉ còn 21 điểm, nhóm giữ trẻ hoạt động với 306 trẻ em theo học.

Ông Nguyễn Công Danh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hồng Ngự, nói: “Để đảm bảo an toàn cho các cháu nghỉ học ở các điểm, nhóm giữ trẻ, chúng tôi căn dặn các phụ huynh phải giữ con em cẩn thận, không để các cháu đi đến các điểm nước lũ nguy hiểm”.

Huyện Tân Hồng tổ chức được 20 điểm, nhóm giữ trẻ trong mùa lũ thu hút 271 trẻ em theo học nhưng trước tình hình nước lũ đang dâng cao ảnh hưởng đến hoạt động của những điểm, nhóm giữ trẻ xã Tân Thành A, Phòng GD-ĐT huyện đã cho 3 điểm, nhóm giữ trẻ xã ngưng hoạt động. Có 35 trẻ ở các điểm, nhóm này được giao về gia đình quản lý.

Tương tự, để đảm bảo an toàn cho trẻ em vùng bị ngập sâu của địa phương, đến nay thị xã Hồng Ngự quyết định tạm ngưng hoạt động một số điểm, nhóm giữ trẻ cộng đồng ở các xã: An Bình A, An Bình B, Tân Hội, Bình Thạnh...

Cần trang bị áo phao cho học sinh khi đưa đón trong mùa lũ.

Cần trang bị áo phao cho học sinh khi đưa đón trong mùa lũ.

  • Gian nan “cô giáo mùa nước nổi”

Ghé thăm điểm giữ trẻ tại nhà chị Huỳnh Thị Liên, ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội (An Phú, An Giang), nơi đang trông giữ 40 cháu từ 1 đến 8 tuổi; chị Liên cho biết, từ năm 2006 đến nay, năm nào chị và mấy người trong xóm cũng tình nguyện nhận làm bảo mẫu giữ trẻ và được người dân gọi là “cô giáo mùa nước nổi”. Căn nhà sàn rộng chừng 60m² của chị Liên nằm ngay phía sau tuyến đê bao khá an toàn. Tuy nhiên, việc trông giữ 40 cháu bé vào mùa lũ dâng cao gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Liên chia sẻ: “Quanh đây nước đã ngập mênh mông, trông các cháu vất vả lắm, các cháu nhỏ thì hay quấy khóc, rồi phải làm vệ sinh, tắm rửa cho các cháu… Còn những cháu 4 - 8 tuổi thì rất hiếu động, rất thích nghịch nước nên không dám rời mắt khỏi chúng”.

Hiện điểm giữ trẻ của chị Liên có 3 “cô giáo”, đều là những người dân cùng xóm tự nguyện tham gia giúp chị Liên. Dù chỉ hoạt động trong 3 tháng mùa lũ nhưng các cô đều được đi tập huấn để vừa giữ các cháu an toàn vừa có thể dạy các cháu ca hát và tập đọc, tập viết. Nhìn các “cô giáo mùa nước nổi” tất tả đổ mồ hôi hột mới thấy khoản tiền lương 700.000 đồng/tháng chẳng thấm vào đâu.

Chúng tôi đến thăm một điểm giữ trẻ cộng đồng khác tại xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), nhóm trẻ này được tổ chức tại nhà riêng của gia đình chị Trần Thị Hoa. Chị Hoa và người thân trong gia đình mình tình nguyện phụ giúp với cô giáo để lo tiếp nhận và chăm sóc, nuôi giữ các cháu suốt ngày.

Theo chị Hoa, hiện nay số trẻ được gửi đến tăng cao hơn mùa khô. Cũng theo chị Hoa, do đặc điểm vùng nông thôn, phụ huynh thường xuyên không ở nhà mà phải lo bươn chải kiếm sống, không có giờ giấc cố định nên ở đây cũng không quy định thời gian, giữ đến khi nào cha mẹ rước. Do vậy, ngoài việc trông giữ, chăm sóc trẻ, các “cô giáo” còn phải kiêm luôn việc đưa rước các cháu.

Chị Đỗ Thị Tiền, một “cô giáo giữ trẻ”, tâm sự: “Trong số 40 cháu ở đây có hơn phân nửa là ở bên kia sông, nhiều nhà không có ghe nên sáng nào chúng tôi cũng phải mướn ghe đến từng nhà “gom” cháu đến lớp, chiều lại đưa về”.

Tương tự, ở điểm giữ trẻ của chị Nguyễn Thị Nhẹ, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, các cô cũng đang phải đưa rước hàng chục cháu ở cồn Vĩnh Trường. Chị Nhẹ cho biết: “Hiện tại ngày nào cũng đưa các cháu qua lại sông mà chưa có áo phao, chỉ mong ngành chức năng sớm cấp áo phao để đưa đón các cháu an toàn hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, từ bao đời nay lũ đã trở thành quy luật đến hẹn lại lên. Ngoài trách nhiệm xây dựng các tuyến, cụm dân cư để tạo chỗ ở cho người dân vùng lũ, xây dựng điểm giữ trẻ mùa lũ, người dân, nhất là các gia đình có con nhỏ cũng cần nâng cao ý thức, không chủ quan, lơ là. Đó là cách tốt nhất bảo vệ trẻ em an toàn trong mùa lũ. 

ĐÌNH TUYỂN

- Thông tin liên quan:

>> Đồng bằng sông Cửu Long: Lũ đang lên trở lại

Tin cùng chuyên mục