Với diện tích hơn 30.470ha, rừng ngập mặn Cần Giờ là khu rừng tập trung lớn nhất và ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối TPHCM. Thế nhưng, đây cũng là vị trí đầu tiên bị tác động của biến đối khí hậu (BĐKH) và chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề…
Lá chắn phía Đông Nam
Nghiên cứu của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ cho thấy, 64% diện tích rừng Cần Giờ là rừng trồng, 36% là rừng tự nhiên. Trong diện tích rừng trồng, 97% là cây đước thuần loại được trồng từ năm 1978 - 1998 theo nhiều cấp tuổi 10 - 20 - 25 - 30. PGS-TS Phạm Thế Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ, đánh giá diện tích lớn và trữ lượng rừng này cho thấy khả năng tích trữ carbon của rừng là vô cùng to lớn, góp phần giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính. Do đó, rừng Cần Giờ có vai trò “lá phổi xanh”, đặc biệt đối với môi trường của TP. Đây cũng là nơi sinh sản và cư trú của nhiều loài động vật, sinh vật thủy sinh dưới tán rừng. Từ đó, cung cấp nguồn thủy hải sản, góp phần vào sự phát triển kinh tế của TP. Quan trọng hơn, với dải phân bố rộng và dài từ ven biển tỉnh Đồng Nai qua tỉnh Long An, rừng Cần Giờ như là bức tường thành có vai trò giảm thiểu tác động của nước biển dâng cũng như che chắn cho TP trước những hiện tượng thiên tai với cường độ ngày càng mạnh hơn: gió, bão, nhiệt độ tăng… Như vậy, trong bối cảnh của BĐKH, rừng Cần Giờ là tài sản vô giá giúp TP giảm nhẹ được các tác động cực đoan.
Năm 2000, bổ sung thêm diện tích vùng đệm và mặt nước biển, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Với tổng diện tích 75.740ha, không chỉ đóng vai trò quan trọng với TPHCM mà rừng ngập mặn Cần Giờ còn có vai trò đối với quốc tế. Do đó, việc bảo vệ, bảo tồn rừng ngập mặn Cần Giờ còn là uy tín của Việt Nam với thế giới.
Rừng ngập mặn Cần Giờ (TPHCM) đang đứng trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn do tác động của BĐKH
Hứng trọn tác động
Theo ông Huỳnh Đức Hoàn, Phó ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, do nằm ở vị trí phòng hộ phía Đông Nam của TP nên rừng Cần Giờ sẽ là nơi đầu tiên chịu tác động của BĐKH. Thứ nhất, do hiện tượng nước biển dâng, rừng có thể bị ngập úng và chết. “Rừng ngập mặn không có nghĩa là ngập quanh năm mà chỉ ngập theo chu kỳ và cũng chịu được độ mặn từ 18‰ - 22‰. Nếu ngập trong nước biển với độ mặn trên 35‰ thì cây suy thoái dần và chết”, ông Hoàn phân tích. Bên cạnh đó, những cơn gió với cường độ mạnh tấn công vào rừng gây đổ gãy cây rừng cũng là một nguy cơ.
Cơ quan phát triển của Liên hiệp quốc UNDP đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện báo cáo phân tích về ảnh hưởng của BĐKH đối với ngành lâm nghiệp Việt Nam. Kết quả cho thấy, hệ sinh thái rừng ngập mặn là hệ sinh thái đặc thù và rất nhạy cảm với những thay đổi của điều kiện môi trường nên có nhiều tác động tiềm tàng. Do mực nước biển dâng lên nên rừng ngập mặn sẽ phải chuyển dịch vào trong cửa sông, nguy cơ bị thu hẹp diện tích. Lượng mưa giảm sẽ làm hạn chế sự sinh trưởng và phát triển của rừng nhưng lượng mưa tăng lại làm lượng trầm tích tăng, từ đó giảm quang hợp của cây… Hậu quả của việc suy thoái rừng ngập mặn sẽ kéo theo các tác động khác, chẳng hạn gia tăng nguy cơ xói lở bờ biến, tăng mức độ phá hủy đối với vùng ven biển do tác động của bão, lốc và sóng biển. Nghiêm trọng hơn là đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng bị tác động mạnh mẽ theo hướng tiêu cực.
Tăng tính cố kết cho rừng
Ông Huỳnh Đức Hoàn cho biết, với sự tham mưu của Ban quản lý rừng, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình UBND TP mô hình thí điểm tỉa chăm sóc để nâng cao chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ. Trong đó đề xuất thí điểm 54ha, cường độ chặt tỉa 19,3% số cây trong lâm phần. Theo ông Hoàn, việc chặt tỉa này sẽ loại bỏ đi các cây phát triển không đều, cây bị sâu bệnh, có sức sinh trưởng kém… để làm tăng không gian dinh dưỡng cho những cây rừng có khả năng phát triển tốt nhằm cải thiện chất lượng rừng. Đồng thời, quá trình chặt tỉa cũng nhằm chuyển đổi rừng trồng sang rừng đa dạng sinh học bằng các trồng thêm nhiều giống cây chịu mặn như cóc, mắm, bần… bên cạnh cây đước đang chiếm đa số.
Với việc chuyển đổi này, thứ nhất sẽ tạo được thêm nhiều tầng tán rừng ken dày, giảm cường độ gió luồng, giúp cây rừng đứng vững trong gió bão. Thứ hai, khi có nhiều loại cây thì cũng gia tăng số lượng các loài động vật, thủy sinh vật, tăng tính đa dạng sinh học cho rừng Cần Giờ. “TP đang làm hồ sơ đề xuất rừng ngập mặn Cần Giờ là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) của thế giới. Đa dạng sinh học là một tiêu chí vô cùng quan trọng trong việc đề cử này”, ông Hoàn cho hay. Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cũng lên một số kế hoạch trồng bổ sung và đa dạng sinh học hành lang rừng ven biển để nâng khả năng chống chịu sóng biển, độ mặn…
Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Thế Dũng cho rằng các cơ quan chức năng của TPHCM cần rà soát lại quy hoạch phân khu chức năng của rừng phòng hộ Cần Giờ để quy hoạch hệ thống kênh rạch, kênh luồng tạo điều kiện cho việc tỉa thưa. Bên cạnh đó, khuyến khích các mô hình nuôi trồng thủy sản “sạch” kết hợp với áp dụng kỹ thuật lâm sinh về tỉa thưa, nhằm sử dụng hiệu quả và bền vững rừng phòng hộ. “Đảng bộ và nhân dân TPHCM đã từng tạo lập, phục hồi hơn 30.000ha rừng Cần Giờ bị tàn phá sau chiến tranh - một thành tựu vô cùng lớn lao ngay sau khi giải phóng, dù khi đó TP còn rất nghèo. Ngày nay, với tiềm năng hiện có, chúng ta hoàn toàn có thể quản lý, duy trì hệ sinh thái rừng Cần Giờ bằng các giải pháp khoa học - kinh tế - xã hội một cách bền vững trên nền tảng kinh tế tri thức, với một quyết tâm rất cao của lãnh đạo là xây dựng một thành phố đi đầu cả nước”, PGS-TS Phạm Thế Dũng tin tưởng.
KHÁNH LÊ