* Sẽ cân nhắc thêm về phương án thi tốt nghiệp THPT
(SGGP).– Trước những ý kiến còn khác nhau về phương án điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và những năm sắp tới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, dù những ý kiến đó trái chiều, thậm chí trái ngược, nhưng đều dựa trên một thực tiễn đúng. Chủ trương của lãnh đạo bộ là tất cả những quyết sách của ngành sẽ được đưa ra thảo luận công khai trên phạm vi toàn xã hội nhằm thu hút được những ý tưởng, sáng kiến, nắm bắt những lo lắng, băn khoăn, khó khăn.
Trong mấy tháng qua, Bộ GD-ĐT đã công bố rộng rãi dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Bên cạnh những đóng góp tại hội nghị triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2013 - 2014; triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, bộ mong muốn sẽ tiếp tục nhận thêm những ý kiến tâm huyết. Sau hội nghị, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu các kênh thông tin, cân nhắc và tổng hợp báo cáo Chính phủ để có quyết định cuối cùng. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thật sự cầu thị, tiếp thu, sẵn sàng từ bỏ ý kiến của mình nếu ý kiến khác tốt hơn, đúng hơn, hiệu quả hơn.
Về ý kiến cho rằng để học sinh tự chọn môn thi các em sẽ chỉ học những môn mình định thi, từ đó không phát triển toàn diện, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Lo lắng này là đúng, nhưng nếu để Bộ GD-ĐT hay Sở GD-ĐT chọn môn thi lại dẫn đến thực trạng, năm nay thi môn này, sang năm học sinh sẽ không học môn đó nữa, như thế vẫn là học lệch và thành “trò chơi ú tim” với học sinh. Trong khi đó, Nghị quyết 29 đã khẳng định, học xong THCS là hoàn thành phông cơ bản. Trên nền tảng đó, chúng ta coi trọng, khơi gợi, nuôi dưỡng những năng khiếu, thiên hướng. Do đó, bắt đầu từ THPT sẽ phân hóa cao, tự chọn”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc thêm các ý kiến đóng góp về việc không nên để môn ngoại ngữ là môn cộng điểm khuyến khích; cần có tiêu chí cụ thể hơn đối với việc miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh. Ngoài ra, để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần mới, một số ý kiến lo lắng các thí sinh thi tự chọn vào 1 buổi dễ dẫn đến nhầm lẫn. Nhưng theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, thi môn tự chọn với THPT là chuyện mới nhưng lại rất cũ với giáo dục đại học. Nếu triển khai sẽ tổ chức tập huấn, phần mềm tuyển sinh sẽ thay đổi để giảm thiểu nhầm lẫn.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GD-ĐT đang khẩn trương triển khai công việc theo tinh thần Nghị quyết 29. Trong đó, đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 là một bộ phận của Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện ngay sau khi hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bộ đang lấy ý kiến từ các chuyên gia, chờ một số thủ tục mới ban hành chính thức. Thời gian này, bộ rất mong nhận được những ý kiến đóng góp sâu cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015. Bộ GD-ĐT đã dự thảo xong tờ trình để trình Chính phủ, có báo cáo với Thủ tướng, Phó Thủ tướng xin ý kiến để hoàn thiện tờ trình. Các bước đang diễn ra theo kế hoạch, có thể giữa năm 2014 Quốc hội thảo luận và ra nghị quyết mới thay cho Nghị quyết 40 thay chương trình, sách giáo khoa, lúc đó mới công bố chính thức.
LÂM NGUYÊN