Dù nước kênh là nước thải nên chưa thể trong xanh, nhưng hàng trăm ngàn con cá các loại đã được ngành chức năng thả xuống để con kênh thực sự hồi sinh. Vậy mà, hàng ngày có cả trăm người thiếu ý thức vẫn ra bờ kênh câu cá, bất chấp các biển cấm câu cá.
Người câu, người lưới
Bất kể giờ giấc nào trong ngày, đi dọc bờ kênh đều dễ dàng bắt gặp nhiều người đang câu cá. Buổi trưa, trời nắng gắt thì họ tập trung bên dưới gầm của hơn 20 cây cầu bắc ngang kênh để câu. Cả khi trời mưa tầm tã, vẫn có người buông cần kiên nhẫn chờ cá cắn câu. Để bắt được những con cá lớn, nhiều người không ngần ngại sử dụng câu chùm, có người còn tự tiện đánh bắt bằng lưới.
Tờ mờ sáng, ở bờ kênh trên tuyến đường Nguyễn Ngọc Phương (sau lưng chợ Thị Nghè) đã thấy có hàng chục người ra câu cá. Ông Lê Thành Đặng (ngụ phường 19, quận Bình Thạnh) phản ánh: “Tôi thường xuyên đi bộ tập thể dục buổi sáng trên bờ kè này và rất bực mình với những người câu cá. Họ gác cần câu ngang lối đi. Dây nhợ quăng tùm lum. Nhiều người mới tập câu đã quăng dây không đúng thao tác, làm lưỡi câu móc dính lòng thòng trên cây. Ai cũng biết lưỡi câu rất bén, nếu lỡ dính vào người thì không biết hậu quả ra sao”.
Gần cầu Bùi Hữu Nghĩa, khu vực rạch Xuyên Tâm nối với kênh Nhiêu Lộc vẫn còn bị ô nhiễm nặng, nước đọng đen kịt, ngập ngụa đủ loại rác thải sinh hoạt. Vậy mà nhiều người vẫn buông cần tại đó. Được hỏi rằng câu cá có sợ bị phạt không và có dám ăn cá câu được không, anh Nguyễn Quan San (ngụ phường 9 quận 3) cười: “Cũng biết là có biển cấm, nhưng nào giờ có thấy ai bắt đâu! Tôi đến đây câu cho vui thôi, cá câu được, ai xin thì cho, hoặc thả lại xuống kênh. Nước ô nhiễm thì cá ở đây làm sao ăn được”.
Treo biển cấm cho có?
Môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo bằng chế phẩm sinh học Zeolite để làm trong nguồn nước, lắng chất cặn bã, hấp thu và phân hủy các chất ô nhiễm. Tuy nhiên, do có quá nhiều cửa hàng, quán nhậu… tập trung ở bờ kè, các chất thải, nước rửa chén thải xuống dòng kênh, khiến con kênh vẫn bị ô nhiễm.
Ông Lâm Ngọc Phúc, cán bộ Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết: “Mức độ ô nhiễm trong dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tuy đã giảm, nhưng vẫn còn. Các loài thủy sinh có thể sống và tăng trưởng được trong môi trường nước ô nhiễm, nhưng cũng tích lũy chất ô nhiễm có hại, do vậy không nên ăn cá câu ở kênh này”.
Hẳn ai cũng biết như vậy, nhưng mặc băng rôn, biển báo cấm câu cá được giăng, dựng dọc bờ kênh, nhiều người vẫn vô tư câu cá. Việc ngăn chặn, xử lý hành vi câu cá trái phép trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Chính quyền các phường có kênh Nhiêu Lộc chảy qua đã tổ chức tuần tra, nhưng việc xử lý vô cùng nan giải.
Đại úy Trịnh Phi Vân, cán bộ trực ban hình sự Công an phường 19 quận Bình Thạnh, cho biết: “Khi nhận được tin báo của người dân, hay trên đường tuần tra phát hiện người câu cá trái phép ở kênh, chúng tôi đến nhắc nhở họ không được câu, chứ không thể tịch thu cần câu vì thiếu văn bản pháp luật thực thi chế tài. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi chỉ có thể xử lý hành vi dừng - đậu xe lấn chiếm lòng lề đường”.
Nhiều người biện hộ việc mình câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ là giải trí, nhưng thực tế không ít người không tiếc tiền sắm sửa đầy đủ thiết bị câu cá chuyên nghiệp, đắt giá.
Ông Lâm Thanh Duy (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận) phân tích: “Nếu là người đam mê câu cá, thì đi câu ở biển, khúc sông, trong đầm… ở ngoại thành hay tỉnh xa. Đi câu là để giải trí, thỏa mãn niềm đam mê, thử thách sự kiên nhẫn, thì sản phẩm mình câu được mới quý. Còn nếu là dân nghiệp dư, đi câu cá cho vui, thì đi câu trong ao hồ tư nhân có thu phí, chịu tốn tiền vé, mồi câu, nước uống. Sao lại đi câu cá giải trí ở chỗ cấm câu, để phải nơm nớp lo sợ và ngượng ngùng khi bị người quen bắt gặp. Nên xử phạt với hành vi câu cá nuôi ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vì đó cũng là hành vi đánh cắp tài sản công cộng và xâm hại môi trường”.