Cần trang bị kiến thức cho bé
Trẻ em hiện nay đang được hưởng rất nhiều tiện ích từ sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển là những hệ lụy, những tệ nạn xã hội, mà trẻ em lại là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất, vì các bé vẫn còn rất non nớt trong nhận thức, suy nghĩ và hành động. Nếu không quan tâm và can thiệp kịp thời, bé rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, thiếu tự tin, cô lập...
Theo báo cáo của Bộ Công an, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra từ 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có không ít trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Tầm nhìn thế giới, phỏng vấn học sinh tại 2 tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang, cho thấy có đến 44% trẻ em từng bị bạo hành, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi. Trong báo cáo mới đây về can thiệp và hỗ trợ theo đường dây nóng 18001567, phản ánh về bạo lực trẻ em, thì trong 689 ca bạo lực trẻ em có đến 6/10 ca bạo lực thân thể, trong đó 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường.
Trong hành trình khám phá thế giới, bé sẽ gặp phải không ít những tình huống bất ngờ như lạc đường, dụ dỗ của người lạ, hay bị bỏng, ngã... Do đó, rất cần trang bị cho bé những kiến thức thực tế để bé chủ động trong mọi tình huống. Bé sẽ biết làm gì khi gặp khó khăn, tìm sự trợ giúp của ai, hay có thể tự sơ cứu cho mình nếu gặp tai nạn nhỏ. Để trang bị những kỹ năng sống này, phụ huynh cần dành thời gian lắng nghe, trao đổi mọi việc hàng ngày diễn ra xung quanh bé và dạy con những nguyên tắc cơ bản để giữ an toàn, như không đi theo và nhận quà từ người lạ, giới hạn động chạm cơ thể, luyện tập tình huống tự bảo vệ bản thân.
Khi trường mầm non vào cuộc
Các cơ sở nhà trẻ, trường mầm non công lập ở các địa phương đang tổ chức các hoạt động ngoại khóa tập trung chủ đề phòng chống bạo lực gia đình. Tại TPHCM, Trường Mầm non 7A (quận 3) đã có những hoạt động phong phú, hiệu quả trong việc trang bị kiến thức cho trẻ giữ an toàn, được dư luận phụ huynh học sinh đánh giá cao. Ban giám hiệu nhà trường đã mời các chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM cùng với các cô giáo của trường tổ chức các trò chơi, vận động, trò chuyện và dẫn dắt, lôi cuốn các bé qua từng câu chuyện kể gần gũi, nhẹ nhàng, dễ nhớ, giúp các bé tiếp thu nhanh và nhớ lâu.
Cô Đặng Trọng Thùy, Hiệu trưởng Trường Mầm non 7A, cho biết: “Trẻ thơ luôn thích tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ. Tuy nhiên do hoàn cảnh, tính chất công việc mà các phụ huynh không thể dành nhiều thời gian để dạy và chơi cùng bé. Chơi trong nhà cũng như chơi bên ngoài, bé luôn gặp những vật nguy hiểm như cầu thang, ấm đun nước, vật sắc nhọn, hoặc gặp những người có ý đồ xấu. Bé phải tự nhận thức được những gì tốt và không tốt, được làm và không được làm, an toàn và không an toàn xung quanh bé, để có thể tự phòng tránh cho bản thân. Hiểu được tầm quan trọng của việc này, Trường Mầm non 7A đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt tổ chức chuyên đề “Bé tập nói không!”, nhằm giúp các cháu phân biệt hành động đúng sai trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử hàng ngày để tự bảo vệ mình”.
Qua các buổi học dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, các bé biết phân biệt vị trí nào trên cơ thể của mình là vùng an toàn và vùng không an toàn; biết được những ai là người mà bé có thể tin cậy; biết được những hành động nào là không an toàn cho bé và khi gặp vấn đề không an toàn thì phải làm gì… Khi được tham dự giờ học, các phụ huynh cũng có thêm những hiểu biết mới trong việc tiếp tục giáo dục cho trẻ tại nhà. Anh Phạm Đình Thắng (phụ huynh cháu Anh Thư đang học lớp Lá tại trường) chia sẻ: “Tham dự chương trình ngoại khóa này, phụ huynh chúng tôi rất an tâm khi gửi con tại trường. Đây là những hoạt động thường xuyên được triển khai trong chương trình giáo dục kỹ năng sống cho các cháu theo định kỳ hàng tháng, giúp bé biết nói không với bạo lực”.