Giúp người được đặc xá hòa nhập cộng đồng

Những ngày này, sau khi tiếp nhận người được đặc xá trở về, chính quyền các địa phương đang tìm giải pháp để giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Mỗi nơi, mỗi cách khác nhau nhưng cùng tạo mọi điều kiện để những người một thời lầm lỡ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Giúp người được đặc xá hòa nhập cộng đồng

Những ngày này, sau khi tiếp nhận người được đặc xá trở về, chính quyền các địa phương đang tìm giải pháp để giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Mỗi nơi, mỗi cách khác nhau nhưng cùng tạo mọi điều kiện để những người một thời lầm lỡ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Niềm vui của phạm nhân trong ngày đặc xá. Ảnh chụp sáng 2-9, tại khuôn viên Trại tạm giam Chí Hòa, quận 3, TPHCM. Ảnh: Tuấn Vũ

Mô hình 5+1

Ông Lý Thanh Hòa, Chủ tịch UBND phường 12 (quận 8, TPHCM), cho biết: “Trước đây không lâu, khu vực này là tụ điểm của các con nghiện. Hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy lộng hành và công khai đến nỗi người ta gọi phường 12 là cái chợ ma túy. Nhiệm vụ triệt phá các băng nhóm liên quan đến ma túy tại phường 12 được Bộ Công an và Công an TPHCM kiên trì, bền bỉ triển khai. Đến nay, tình hình đã tạm lắng. Thế nhưng, khi nghe tin có đợt đặc xá cho hồi gia rất nhiều phạm nhân, cư dân ở đây có phần lo lắng khi nghĩ đến cảnh địa phương này lại xuất hiện tràn lan những đối tượng đã bị tù vì các tội danh liên quan ma túy. Lâu nay, việc giải quyết việc làm, giúp người hồi gia sớm hòa nhập cộng đồng vẫn được địa phương duy trì thường xuyên. Các đoàn thể, ban ngành rất quan tâm đến việc này”. Cũng như các địa phương khác, phường 12 quận 8 đã rất linh hoạt trong việc áp dụng mô hình 5 + 1, nghĩa là 5 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên của phường và lãnh đạo các khu phố cùng phối hợp trách nhiệm; cử người tiếp cận, hỗ trợ, tạo điều kiện để từng người vừa được đặc xá sớm có cuộc sống ổn định. Ông Hòa cho biết tiếp: “Chính nhờ linh hoạt vận dụng giải pháp đó, nên gần đây tỷ lệ người được đặc xá tại quận 8 tái phạm rất thấp”.

Trong khi đó, cũng có không ít phường lơ là việc hỗ trợ người đặc xá hòa nhập cộng đồng, với lý do còn chưa lo xuể cho người lương thiện ổn định cuộc sống, nay lại cớ gì lại dồn sức lo cho các đối tượng phạm pháp được hoàn lương. Nhưng thực ra, chính những người hoàn lương lại rất mỏng manh và dễ tổn thương, nên việc quan tâm hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng chính là việc cần làm.

Cho vay tín chấp

Cũng với sự quan tâm như vậy, ngay khi công an phường gửi danh sách những người được đặc xá vào dịp Quốc khánh năm nay, UBND phường Cầu Ông Lãnh (quận 1, TPHCM) đã có ngay văn bản phân công cụ thể cho từng đoàn thể thực hiện phần việc của mình. Ông Trần Công Hậu, Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh, cho biết: “Trong đợt đặc xá lần này, phường chúng tôi có 4 người hồi gia. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi tổ chức ngay việc hướng dẫn, tạo điều kiện cho họ làm chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu, để họ sớm ổn định nơi ăn, chốn ở. Trong số được đặc xá về phường đợt này, có 1 nữ, vậy là Hội Phụ nữ phường nhận trách nhiệm hỗ trợ cho người này; 3 người còn lại có tuổi đời khá trẻ và Đoàn Thanh niên phường nhận trách nhiệm giúp họ các phần việc như hỗ trợ pháp luật, tư vấn việc làm…”. Anh Lăng Quý Bình, cán bộ phường Cầu Ông Lãnh, cho biết thêm: “Ngay khi người được đặc xá trở về địa phương, chúng tôi tiếp cận họ để tìm hiểu thông tin về nhu cầu học nghề hay tìm việc làm. Nếu muốn học nghề, chúng tôi giới thiệu họ đến các trung tâm dạy nghề và được miễn học phí. Học xong, tùy theo ngành nghề, chúng tôi giới thiệu họ đến các công ty, xí nghiệp trên địa bàn. Thời gian gần đây, người hồi gia thường có nguyện vọng chọn nghề lái ô tô. Sau khi họ có bằng lái, chúng tôi giới thiệu họ với các hãng taxi hay doanh nghiệp vận tải hành khách. Nhiều người muốn có số vốn để mua bán hay mua sắm phương tiện hành nghề xe ôm, chúng tôi không ngần ngại bảo lãnh cho họ vay vốn tín chấp”. Số vốn vay được không nhiều, nhưng cũng giúp họ trang trải cuộc sống trước mắt và sớm hòa nhập cộng đồng.

Điều đáng mừng, thời gian qua tại phường Cầu Ông Lãnh hầu như không có người được đặc xá tái vi phạm pháp luật. Dù vướng tội danh gì, nhưng giờ đây những người một thời lầm lỡ đều cố gắng kiếm sống lương thiện, làm lại cuộc đời, ổn định cuộc sống. Nhờ chuyên tâm chí thú làm việc, nhiều người đã lập gia đình và có cuộc sống khá sung túc. Ông Hồ Thanh Hùng, 58 tuổi, nhà ở đường Yersin, tâm sự: “Trong cuộc sống, tôi đã phạm sai lầm. Cách nay vài năm cũng thời điểm này, sau khi trả giá cho sai lầm đó, tôi được ân xá trở về địa phương với tâm trạng rối bời. Ngày trở về, tôi được các anh ở phường tiếp đón ân cần. Hai ngày sau, phường mời tôi ra làm dân phòng chuyên trách cho đến ngày hôm nay. Ngoài giờ làm việc ở phường, các anh còn giới thiệu cho tôi đi giữ xe tại một bãi xe trong phường. Công việc và thu nhập của tôi đã khá ổn định. Tôi không thể nào quên ơn các anh chị ở phường đã hỗ trợ tôi trong những ngày đầu trở về với cuộc sống đời thường”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục