Giúp người nghèo tạo việc làm

Kể từ khi ra đời năm 1991, Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) đã tạo điều kiện cho rất nhiều người lao động nghèo thoát khỏi cái nghèo đeo bám dai dẳng bấy lâu nay. Từ những gói vay với số tiền nhỏ, dần dần CEP tạo cho người lao động thói quen tiết kiệm để có tiền cho con cái học hành. Đã 23 năm nay, ở đâu có người nghèo thì nơi đó có bước chân cán bộ CEP.
Giúp người nghèo tạo việc làm

Kể từ khi ra đời năm 1991, Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) đã tạo điều kiện cho rất nhiều người lao động nghèo thoát khỏi cái nghèo đeo bám dai dẳng bấy lâu nay. Từ những gói vay với số tiền nhỏ, dần dần CEP tạo cho người lao động thói quen tiết kiệm để có tiền cho con cái học hành. Đã 23 năm nay, ở đâu có người nghèo thì nơi đó có bước chân cán bộ CEP.

Vay tiền mua máy lạnh

Khi được giới thiệu về chị Nguyễn Thị Nhung (40 tuổi, nhà quận 4, TPHCM), một thành viên vay tiền của CEP đã 9 lần vừa được duyệt vay để mua máy lạnh, thấy tôi thắc mắc, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Giám đốc Quỹ CEP, cười bảo: Cứ xuống thăm gia đình sẽ rõ.

Căn nhà nhỏ của chị Nhung nằm sâu ở cuối con hẻm hun hút mà nếu không có cán bộ CEP dẫn đường tôi đã không thể nào tìm được. Đấy không thể gọi là nhà mà là một cái hộp với đúng nghĩa của nó. Bề ngang chưa được 1,5m, dài chưa tới 2m. Vậy mà trong cái không gian nhỏ hẹp ấy, 5 con người đã chen chúc nhau sống gần 20 năm nay. Tầng trệt dùng làm gian bếp nấu ăn và đó cũng là nơi chị Nhung cứ mỗi 3 giờ sáng lại thức dậy nấu sữa đậu nành đi bán. Không gian phía trên, chồng chị làm 3 căn gác để có chỗ ngủ. Để lên trên, chúng tôi phải đu vào cái thang gỗ.

Chị Nhung ái ngại nói: “Cô thông cảm vì nhà nhỏ quá. Tháng 9 vừa qua, nhờ CEP hỗ trợ sửa lại nhà, chứ nếu không mấy trận mưa lớn vừa qua chắc mấy căn gác đã sập”. Chị kể, trước đây, nhà chị là những mảnh cây vụn, tôn rách, thùng giấy đắp vá lại mà thành. Mưa thì cả nhà chịu ướt hết. Dù rất siêng năng, mỗi ngày chị đi phụ việc ở 4 quán ăn nhưng vẫn không đủ chi phí cho gia đình. Sắm được chiếc xe đạp cũ, cái nồi cơm điện thì cũng phải xách đi cầm để có tiền mua gạo.

Đến khi vay được tiền ở CEP, chị mua dụng cụ nấu sữa đậu nành, cải thiện cuộc sống. Bởi không gian quá hẹp, mỗi sáng khi chị dậy nấu sữa thì cả nhà phải thức và ra ngoài đường ngồi vì nóng quá. Đó cũng là lý do chị phải vay tiền mua cái máy lạnh để các con không phải thức theo mẹ lúc 3 giờ sáng.

Chị Nhung tâm sự: “Mình nghèo quá, đi vay tiền đâu có ngân hàng nào cho. Vay nóng thì sợ không trả nổi. Nếu không có CEP giúp đỡ, không biết giờ gia đình em ra sao”. Qua 9 năm vay rồi trả và gửi tiết kiệm theo gói của CEP, nay chị Nhung đã có được khoản tiết kiệm gần 8 triệu đồng. Đây là số tiền chị chắt chiu để dành cho con trai lớn đang học lớp 12 vào đại học.

Nhờ vay tiền từ Quỹ CEP, gia đình chị Đỗ Thị Bê đã phát triển được xưởng nhang tươm tất nhất xóm.

Xây nhà, ổn định cuộc sống

Ngồi trong căn nhà khang trang, chị Đỗ Thị Bê (huyện Bình Chánh) vui vẻ cho biết: “Trước chỗ này là căn nhà lá vách rách, mái dột. Nhờ được vay tiền từ CEP, vợ chồng tui mới gầy dựng được cơ ngơi thế này”. Từ lần vay đầu tiên được 500.000 đồng, vợ chồng chị tăng số tiền vay theo từng năm để phát triển xưởng làm nhang và trồng trọt. Nay chị đã làm chủ một xưởng nhang lớn và tạo được việc làm cho gần 20 gia đình trong xóm. Không chỉ vậy, chị còn giới thiệu những chị em nghèo được tiếp cận nguồn vốn của CEP để mua sắm máy móc phát triển nghề làm nhang truyền thống.

Trong lần xuống thăm các thành viên CEP, chúng tôi không khỏi xúc động khi bắt gặp trong ngôi nhà đơn sơ không có vật gì quý giá của vợ chồng chị Tạ Thị Mai (huyện Bình Chánh) 3 góc học tập rất tươm tất. Trên vách nhà treo đầy giấy khen của các con mà anh chị cất giữ từ khi học lớp 1, đến nay đứa đầu đã học năm 3 đại học. Ngoài ra, những tờ giấy khen gia đình hiếu học cũng được treo rất trang trọng.

Chị Mai cười hạnh phúc: “Tất cả tài sản của vợ chồng mình là hành trang kiến thức của các con”. Dù nghèo, nhưng với mong muốn con được ăn học đàng hoàng để sau này khỏi khổ, chị Mai làm đủ thứ nghề, từ đi bán rau, thịt dạo, làm bánh đi bán, nuôi gà vịt, trồng rau, mua ve chai và hiện đi dọn dẹp vệ sinh cho trường học gần nhà để có tiền “lo chữ” cho con. Nhờ được vay vốn từ Quỹ CEP và gói ghém cẩn thận, vợ chồng chị xoay xở để 3 đứa con không phải nghỉ học. Với thành tích học tập xuất sắc, 2 đứa con của chị đã được nhận học bổng của CEP.

Còn với chị Phạm Thị Ngọc Diệp (quận 8), niềm hạnh phúc hiện nay của chị là được ngồi may đồ tại nhà và lo cho 2 con đi học. Với số tiền vay từ CEP, chị tích cóp mua được 2 máy may để những ngày chồng không có ai kêu đi làm phụ hồ thì phụ vợ may gia công. Chị bảo: “Cuộc sống gia đình mình tạm ổn như hôm nay là nhờ CEP cả đấy. Số tiền nợ gốc và lãi được trả dần mỗi tuần một ít rất thuận tiện. Mình còn tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng. Vài năm nữa số tiền này nhiều lên thì mình khỏi phải đi vay”.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Giám đốc Quỹ CEP, cho biết: “Với mục tiêu là điểm tựa giảm nghèo cho người lao động, CEP xây dựng đội ngũ nhân viên tận tâm, tận tụy, trung thực, chính trực, biết đồng cảm, chia sẻ với người nghèo”. Chính nhờ đó, cán bộ CEP đã trao đến tận tay người nghèo không chỉ là đồng vốn mà chính là sự chia sẻ, cảm thông để trở thành điểm tựa tin cậy của người lao động.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục