Xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở Xóm Củi, phường Phước Hòa (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), chàng trai Đặng Ngọc Duy lại không may bị tai nạn mất đi đôi mắt và một nửa bàn tay trái. Đã có thời gian anh tưởng chừng như phải buông xuôi...
Từ năm 17 tuổi Duy đã tự mình đi tìm trường từ Đà Nẵng rồi vào tận TPHCM, vừa học vừa lao động kiếm sống. Tốt nghiệp THPT xong Duy tiếp tục nuôi ước mơ vào đại học. Thế rồi bao nhiêu năm miệt mài trên từng con chữ nổi, học qua từng cuốn băng cassette, được những người thầy, người bạn dìu dắt, năm 2005 Duy thi đỗ vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Quảng Nam.
Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá, Duy lại ấp ủ ước mơ thành lập một cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật. Ban đầu ai cũng cho rằng đó là việc làm quá sức đối với Duy, nhưng anh vẫn không nản chí. Tháng 4 năm 2010 anh đã thành lập Cơ sở Mái ấm Hướng Dương. Nhiều người chúc mừng Duy - đã thực hiện được tâm nguyện và mừng cho những đứa trẻ tật nguyền được học tập, nuôi dưỡng dưới mái ấm này.
Mái ấm Hướng Dương được thuê lại từ căn nhà cũ trên đường Nguyễn Thái Học, TP Tam Kỳ (bây giờ cơ sở chuyển qua đường Tiểu La - TP Tam Kỳ). Bao nhiêu tiền chắt chiu, vay mượn bạn bè, Duy dồn hết cho mái ấm này. Hiện có 12 trẻ em đến với mái ấm Hướng Dương, các em đều có số phận không may mắn, mỗi em mang trên mình một khuyết tật. Nhiều năm các em không được đến trường đến lớp nên rất khó khăn để tiếp thu các kiến thức, ngay cả nếp sinh hoạt đi lại, ăn uống hàng ngày cũng cần có người nâng đỡ.
Trong số trẻ em khuyết tật đến với cơ sở Hướng Dương có em Trần Thị Hạ My (phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ), 10 tuổi, bị câm từ nhỏ, gia đình lại nghèo nên không biết phải cho con theo học ở đâu phù hợp. Khi nghe có mái ấm Hướng Dương, gia đình em rất vui mừng gửi con cho thầy Duy và vui hơn khi chỉ mới vài tháng Hạ My đã biết được nhiều điều.
Chị Đào Thị Lý, mẹ của em Trần Thị Hà My, tâm sự: “Nghe mái ấm Hướng Dương nhận mấy em khuyết tật, tui mừng quá nên gửi cho thầy Duy. Mừng hơn khi thấy con biết nhiều chữ”.
Mỗi tháng Duy phải xoay xở để có gần 10 triệu đồng trang trải cho mái ấm. Nào là tiền thuê nhà, tiền công thuê giáo viên, người giúp việc, tiền ăn cho các em hàng ngày. Đối với một người bình thường để kiếm được số tiền đó đã là khó huống hồ là một người khiếm thị như Duy. Song hàng ngày Duy vẫn truyền cho các em những bài học vỡ lòng, những câu hát ấm áp tình người để các em có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Bởi đó là tất cả tâm niệm của một người khuyết tật không cam chịu số phận tật nguyền.
“Tôi nghĩ rằng, người khuyết tật cũng có thể làm được nhiều điều nếu xã hội mở rộng vòng tay, có cái nhìn nhân văn hơn. Tôi thực hiện tâm niệm của mình giúp đỡ các em khuyết tật là giúp mình và tạo niềm vui cho mình”- Duy tâm sự. Hiểu và chia sẻ với Duy, các cơ sở Đoàn tỉnh Quảng Nam đã nhận đỡ đầu cho các em ở đây với mức hỗ trợ hàng tháng là 200.000 đồng/em.
HẠ UYÊN